Thứ 3, 20/05/2025, 06:52[GMT+7]

Trung tâm Hành chính công tỉnh hoạt động đúng theo quy trình một cửa, một đầu mối

Thứ 5, 05/11/2015 | 09:59:18
4,218 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã chỉ rõ 3 đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó đột phá thứ nhất là tập trung cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc xây dựng và đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh vào hoạt động chính là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đột phá về CCHC. Nhân dịp khai trương, đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh vào hoạt động, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏ

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu các sở, ngành tham quan Trung tâm Hành chính công tỉnh trong ngày khai trương. Ảnh: Ngọc Linh

 

Phóng viên: Xin ông cho biết quá trình chuẩn bị để đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh vào hoạt động?           

 

Ông Đỗ Như Lâm: Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế thừa những kết quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã đạt được trong những năm qua, trên cơ sở tìm hiểu mô hình thực tế tại một số tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện thành công, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng Đề án thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện với mục tiêu: “Tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong cải cách thủ tục hành chính và giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; chuyển toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hiện nay ở các sở, ngành về tập trung tại một đầu mối là trung tâm hành chính công”. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng, triển khai thực hiện Đề án, phân công 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để Trung tâm Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động bảo đảm tiến độ đề ra. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư thực hiện dự án sửa chữa, cải tạo Nhà triển lãm thông tin tỉnh, bố trí phòng làm việc cho các bộ phận chức năng và mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị điện, điện tử, tin học, phần mềm hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Trung tâm với các hạng mục chính: khu điều hành, khu vực tiếp nhận và trả kết quả, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin và thiết bị điện, điện tử, hệ thống phần mềm hành chính công.

 

 

Hoạt động giao dịch của các tổ chức và cá nhân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Thành Tâm.

 

Sau hơn 3 tháng tập trung thực hiện, đến nay, toàn bộ các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về nhân sự, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 47 cán bộ, công chức, là những người có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác, được tham gia các lớp tập huấn, đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực tế tại Quảng Ninh và thực hành nghiệp vụ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để nâng cao kỹ năng, khả năng tiếp cận, giải quyết công việc. Căn cứ kết quả rà soát của các sở, ngành, UBND tỉnh đã công bố công khai 1.064 thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh đưa ra giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Mục tiêu là khi bắt đầu đi vào hoạt động phải có ít nhất 70% và đến tháng 6/2016 toàn bộ 100% TTHC được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 943 TTHC thuộc 19 sở, ngành và cơ quan trung ương đóng tại địa phương thực hiện giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, đạt tỷ lệ 82,7%. Từ ngày 28/10/2015, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động, phục vụ các tổ chức, cá nhân đến giao dịch theo đúng kế hoạch. Sau một tuần hoạt động, mỗi ngày đã có hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

 

Phóng viên: Quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm được thực hiện như thế nào, thưa ông?

                                                                                                                                   

Ông Đỗ Như Lâm: Khi đến giải quyết công việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, công dân sẽ thực hiện theo quy trình sau: Công dân đến bàn hướng dẫn để được cán bộ Trung tâm hướng dẫn, tư vấn vị trí các quầy giao dịch mà công dân sẽ giải quyết TTHC. Sau đó, công dân đến hệ thống xếp hàng tự động lấy số thứ tự và số quầy giao dịch rồi ra chờ tại vị trí ngồi chờ. Trong khi chờ để được giải quyết TTHC, công dân có thể đến thiết bị tra cứu để tìm hiểu các TTHC mình quan tâm, chọn từng lĩnh vực của các sở, ngành đang giải quyết TTHC để tra cứu cụ thể thủ tục cũng như quy định công dân cần phải làm và xem mẫu đơn. Khi các quầy giao dịch gọi đến số thứ tự của mình, công dân tới quầy để cán bộ, công chức ở đó tiếp nhận hồ sơ, thủ tục cho mình và thực hiện việc trả phí (nếu có). Tại đó, công dân sẽ nhận được phiếu hẹn ngày đến lấy kết quả. Bất cứ thời điểm nào công dân có thể mang phiếu hẹn đến máy quét mã vạch, hướng mã vạch vào máy quét, ngay lập tức toàn bộ tiến độ giải quyết TTHC của công dân cũng như kết quả giải quyết sẽ được hiển thị trên màn hình. Công dân cũng có thể tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ trực tuyến qua mạng internet và tra cứu quy trình giải quyết TTHC tại Trung tâm theo địa chỉ trên mạng internet là http://hcc.thaibinh.gov.vn.

 

Phóng viên: Thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện những giải pháp gì để mọi hoạt động diễn ra theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, đáp ứng mong đợi của các tổ chức, cá nhân?

 

Ông Đỗ Như Lâm: Những giải pháp mà Trung tâm sẽ thực hiện trong thời gian tới là: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, công dân; theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết TTHC theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ và thời hạn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định; chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị trực tiếp xử lý, giải quyết TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình giải quyết TTHC, phối hợp làm rõ nguyên nhân các trường hợp giải quyết TTHC chậm so với quy định. Đồng thời, nhận xét, đánh giá việc tiếp nhận, trả kết quả, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, đề nghị các cấp khen thưởng hoặc xử lý nếu vi phạm; tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân đối với những nội dung liên quan đến việc giải quyết TTHC và việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định của Nhà nước về CCHC, chính quyền điện tử, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế danh mục, quy trình, các nội dung liên quan trong giải quyết TTHC tại Trung tâm; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức...

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!       

 

Thu Hiền

(Thực hiện)

  • Từ khóa