Thứ 2, 05/08/2024, 19:27[GMT+7]

Phía sau những giọt máu hồng

Thứ 3, 01/12/2015 | 10:39:19
737 lượt xem
Hiến máu tình nguyện là việc làm khá quen thuộc với rất nhiều người. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu được quy trình để những giọt máu ấy đến với bệnh nhân cũng như những vất vả, tâm tư, tình cảm của các y bác sĩ phía sau những ngày lấy máu tình nguyện…

Các y bác sĩ Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy máu tình nguyện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình.

 

Tháng 9 vừa qua, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Kiến Xương, chúng tôi có dịp tham dự ngày hội hiến máu tình nguyện do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện phối hợp với Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức. 7 giờ sáng, sau lễ phát động, hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên trong huyện đã đăng ký tham gia hiến máu. Hội trường đông kín người khiến cho bác sĩ Mai Văn Tư, Trưởng khoa Huyết học Truyền máu khá vất vả khi vừa phải quan sát tình trạng của những người sau khi hiến máu đề phòng trường hợp bị choáng vừa phải liên tục nhắc nhở các tình nguyện viên tham gia hiến máu những lưu ý để quá trình lấy máu diễn ra nhanh chóng, an toàn, đạt kết quả cao. Tại khu vực lấy máu, số người chờ đến lượt được hiến máu rất đông, công việc lấy máu tình nguyện của các y bác sĩ diễn ra liên tục. Dù tiết trời cuối thu đã se lạnh nhưng trên gương mặt của các y bác sĩ đều lấm tấm mồ hôi.

 

Phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện tại các huyện, thành phố, các cơ quan, các trường cao đẳng, đại học là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù không trực tiếp điều trị bệnh nhân song với việc tham gia lấy máu tình nguyện, chiết tách các thành phần máu, bổ sung, bảo quản, phục vụ kịp thời nhu cầu về máu của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, các y bác sĩ Khoa Huyết học Truyền máu được ví như những người hậu cần tháo vát, góp phần quan trọng vào quá trình cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Có dịp trò chuyện với các y bác sĩ của Khoa, chúng tôi được biết, để mỗi buổi hiến máu tình nguyện diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, ngay từ chiều hôm trước, Khoa phải chuẩn bị thiết bị, vật tư y tế phục vụ quá trình lấy máu. Mỗi buổi hiến máu thường bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng nên các y bác sĩ phải có mặt tại cơ quan từ rất sớm để đến điểm lấy máu chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Do việc bảo quản các thành phần máu khác nhau nên ngay sau khi trở về, các y bác sĩ của Khoa sẽ xác định nhóm máu, xét nghiệm các bệnh lây truyền, nếu cho kết quả âm tính thì sẽ chiết tách thành các thành phần (khối hồng cầu, khối tiểu cầu, huyết tương tươi, huyết tương giàu tiểu cầu), bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, cung cấp cho các bệnh viện có nhu cầu với phương châm “cần gì truyền nấy”.

 

Đã có gần 10 năm tích cực tham gia công tác lấy máu tình nguyện ở cơ sở, hiện là Phó Trưởng khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Hoàng Thị Thủy chia sẻ: Trước đây, lượng người tham gia hiến máu tình nguyện rất khiêm tốn. Ngoài việc trực tiếp hiến máu cho bệnh nhân những khi cần kíp, các bác sĩ trong Khoa còn thường xuyên phải đến các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện. Từ khi Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh được thành lập, số lượng người đăng ký hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh tăng đều qua từng năm, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học cũng nhẹ nhàng hơn. Bác sĩ Thủy cảm nhận những ngày đi lấy máu tình nguyện thực sự là những ngày vất vả nhưng rất vui vì được giao lưu, trò chuyện với nhiều người, đồng thời Khoa cũng có nguồn máu an toàn để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

 

Cảm nhận của bác sĩ Thủy cũng là suy nghĩ chung của các thành viên Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ra trường hơn một năm, thời gian công tác tại Khoa chưa dài song với cử nhân Nguyễn Thị Thúy Phương, những lần đi lấy máu thường đọng lại trong cô nhiều kỷ niệm vui. Thúy Phương kể: Mỗi lần đi lấy máu tình nguyện tại các huyện, thành phố, công việc luôn chân, luôn tay, một số tình nguyện viên xếp hàng chờ đến lượt hiến máu giục giã, tôi cảm thấy hơi áp lực nhưng đó chỉ là số ít. Hầu hết tình nguyện viên đều rất lịch sự, cởi mở, tôi có thể trò chuyện được với nhiều người ở mọi lứa tuổi, cảm thấy thực sự rất hữu ích.

 

Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 27 người, các anh các chị luôn tự hào vì mình là những người trung gian tin cậy, là nơi gửi gắm niềm tin của người cho máu và người nhận máu, góp phần đem lại sự sống, niềm vui và hạnh phúc cho bao người.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa