Thứ 3, 23/07/2024, 18:30[GMT+7]

Một quyết định đúng đắn

Thứ 4, 02/12/2015 | 10:19:53
251 lượt xem
Vậy là sau rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa những người yêu lịch sử, trân trọng môn Lịch sử trong các bậc học giáo dục phổ thông với những người đưa ra ý tưởng của cái gọi là “Tích hợp nội dung môn Lịch sử”, cuối cùng thì tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Đây là quyết định đúng đắn

 

Còn nhớ cách đây không lâu, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”, dư luận trong nước và ý kiến đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

 

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể: ở lớp 1, lớp 2, lớp 3 là môn “Cuộc sống quanh ta”; lớp 4, lớp 5 là “Tìm hiểu xã hội”; với trung học cơ sở gọi là “Khoa học xã hội” và trung học phổ thông là môn “Công dân với Tổ quốc”. Việc thay đổi này khiến các nhà sử học, cũng như dư luận xã hội lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông, hoặc hiểu méo mó, sai lệch - bài học xương máu mà nhiều quốc gia ở Đông Âu đang phải trả giá đắt!

 

Chính vì vậy mà ngay tại diễn đàn của Kỳ họp Quốc hội vừa qua, việc nên hay không nên “Tích hợp nội dung môn Lịch sử” trong dự thảo mà người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày đã làm “nóng” nghị trường. Có đại biểu nói việc thay đổi về môn Lịch sử là sự xáo trộn tận tâm can. Nhiều ý kiến thống nhất quan điểm: Tích hợp môn Lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường! Hay như PGS, TS Phạm Quốc Sử khẳng định: “Đừng bao giờ nghĩ bảo vệ môn lịch sử là bảo vệ “miếng cơm, manh áo” cho người dạy sử, mà đó còn là bảo vệ sợi dây kết nối tốt nhất của dân tộc hôm nay với nguồn sinh khí truyền thống và thời đại”. Những ý kiến đó, khi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho công luận thêm thức tỉnh và thấm thía.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn:

 

Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

 

Nhờ vậy mà các thế hệ người Việt Nam đều hiểu một điều cốt tử: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

 

Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, là ý tưởng của bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày trước các đại biểu Quốc hội là việc làm thể hiện tính năng động, tự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, trước một vấn đề nhạy cảm và hệ trọng liên quan đến việc dạy và học môn Lịch sử - bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người, nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thận trọng hơn, trưng cầu ý kiến của các nhà sử học, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi đưa vào Dự thảo trình Quốc hội, thì mọi việc có lẽ đã dừng lại ở ý tưởng mà không thành văn bản và như vậy sẽ không làm mất thời gian tranh luận gay gắt của đại biểu tại nghị trường; không gây xáo trộn tâm lý của đội ngũ nhà giáo yêu lịch sử, giảng dạy môn Lịch sử; không làm gia tăng tư tưởng “chán học môn Lịch sử” của bộ phận không nhỏ học sinh; không làm cho dư luận bức xúc!

 

Là người Việt Nam, bất cứ ai cũng có quyền tự hào về truyền thống của một dân tộc có bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Vì vậy mà từ ngày thành lập nước đến nay, môn Lịch sử, Tiếng Việt - Văn học, Toán học vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.

Một dân tộc mà không hiểu kỹ lịch sử của dân tộc mình, đau xót hơn là cố tình lãng quên quá khứ, không hiểu quá khứ, chẳng nhanh thì chậm, tương lai sẽ “bắn lại bằng đại bác”. Nguy cơ diệt vong là điều khó tránh khỏi!

Và cuối cùng, chân lý đã được khẳng định bởi quyết định sáng suốt, hợp lòng dân của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Quốc hội không cho phép bỏ môn Lịch sử! Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh”.

 

Trần Nam

(Đài PTTH Thái Bình)

  • Từ khóa