Thứ 3, 23/07/2024, 12:18[GMT+7]

Bảo hiểm y tế - cứu cánh của nông dân

Thứ 4, 02/12/2015 | 10:21:32
635 lượt xem
Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), không ai muốn mình mắc bệnh để được hưởng quyền lợi. Thế nhưng, nếu không may bị ốm đau, gặp tai nạn thì BHYT sẽ góp phần đáng kể “đỡ gánh nặng” chi phí khám, điều trị cho người bệnh. Thậm chí, BHYT còn là cứu cánh, mang lại cơ hội sống cho nông dân và người có thu nhập thấp khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày cuối tháng 11, bệnh nhân nằm kín các giường, hầu hết đang phải chịu đựng sự đau đớn, có người rụng toàn bộ tóc. Ông Lưu Văn Lộc (64 tuổi, ở xã Kim Trung, huyện Hưng Hà) cho biết, những năm trước sức khỏe của ông rất tốt, vẫn có thể cấy mấy sào ruộng. Đầu năm 2014, ông thấy đau bụng, mức độ tăng dần, đi khám thì phát hiện bị ung thư dạ dày. Ông đã trải qua nhiều đợt điều trị hóa chất, mỗi đợt từ 7 - 10 ngày với chi phí khoảng 10 triệu đồng/đợt, chưa kể chi phí sinh hoạt tại bệnh viện và người nhà phục vụ. Với thu nhập từ nghề nông, gia đình ông không thể lo nổi số tiền lớn như vậy. May mắn là ông Lộc có tham gia BHYT tự nguyện (trước kia), nay là BHYT hộ gia đình nên được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, tương đương khoảng 8 triệu đồng/đợt, còn lại chỉ phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng/đợt điều trị nên ông có điều kiện và yên tâm điều trị bệnh. Ông Lộc chia sẻ, nếu không có BHYT chắc ông không sống được đến ngày hôm nay.

 

Không cao tuổi như ông Lộc, chị Lưu Thị Nhâm (xã Bình Định, huyện Kiến Xương) phát hiện mình bị ung thư xương khi mới ngoài 20 tuổi. Thời gian đầu, chị mới tham gia BHYT hộ gia đình, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nên chỉ trong vòng 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gia đình đã phải lo chi trả khoản kinh phí hơn 30 triệu đồng. Hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng kinh tế, dù đau đớn dày vò chị vẫn phải xin về nhà hơn 1 tháng chờ đủ điều kiện cấp thẻ BHYT mới lên Hà Nội điều trị tiếp. Đến nay, chị đang điều trị bệnh liên tục, sức khỏe chuyển biến khá hơn. Được quỹ BHYT chi trả gần 100 triệu đồng cho các đợt điều trị, chị Nhâm càng thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT.

 

Theo Điều dưỡng trưởng Đặng Thị Minh Huệ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh nhân ung thư điều trị tại Khoa đều phải tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt với các loại thuốc hóa chất, thuốc bổ trợ, giải độc rất đắt tiền. Ngoài ra, các chi phí kỹ thuật cao như phẫu thuật, nội soi, chụp cắt lớp cũng rất tốn kém. Trung bình một bệnh án điều trị từ 7 - 10 ngày có chi phí khoảng 10 triệu đồng/đợt và nhiều đợt/năm. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân đều đến từ các vùng nông thôn trong tỉnh, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì vậy, nếu không có BHYT hỗ trợ thì bệnh nhân không thể kiên trì điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện. Trên thực tế, chị Huệ đã từng chứng kiến không ít bệnh nhân phải bỏ cuộc, không điều trị bệnh vì không tham gia BHYT, gia đình không thể lo được nguồn kinh phí lớn. Không chỉ bệnh nhân ung bướu mà bệnh nhân chạy thận nhân tạo, điều trị tim mạch, nội tiết thường có chi phí khám chữa bệnh cao.

 

Với ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, những năm qua, đặc biệt là năm 2015, BHXH tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, trong đó chú trọng nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 1.330.980 người tham gia BHYT, chiếm 74,34% dân số, trong đó số người tham gia BHYT hộ gia đình là trên 248.000 người. Từ năm 2014 đến nay, BHXH tỉnh đã chi trả 824 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh nội, ngoại trú cho hơn 2 triệu lượt người, trong đó chi phí điều trị trên 50 triệu đồng có 717 bệnh nhân, từ 100 - 200 triệu đồng có 101 bệnh nhân, trên 200 triệu đồng có 9 bệnh nhân, 3 bệnh nhân có chi phí điều trị từ 300 - 500 triệu đồng.

 

Đồng chí Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Năm 2015, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Thời gian đầu thực hiện nảy sinh một số hạn chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã nhanh chóng có phương án khắc phục. Đến nay, Luật đã thực sự đi vào cuộc sống theo đúng mục tiêu an sinh xã hội, quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi, mức hưởng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân và bảo đảm an sinh xã hội. Đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo, mạn tính, dù phải đầu tư chi phí từ quỹ khám chữa bệnh BHYT cao hơn các đối tượng khám chữa bệnh thông thường nhưng BHXH tỉnh luôn khuyến khích họ tham gia BHYT để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Tuy nhiên, để cân đối nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh cần tích cực phát triển đối tượng tham gia BHYT để tăng nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng có thẻ BHYT. Trường hợp bà Nguyễn Thị Thìn (xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải) tham gia BHYT hộ gia đình với mức đóng 621.000 đồng/năm được điều trị bệnh phình động mạch tại Bệnh viện Việt Đức với chi phí hơn 261 triệu đồng. Nếu chỉ tính riêng mức đóng của bà thì phải sau 420 năm tham gia BHYT mới đủ chi phí khám chữa bệnh một lần. Nhưng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc “mình vì mọi người, mọi người vì mình” của chính sách BHYT, thay vì phải đóng 420 năm thì có 420 người tham gia BHYT sẽ hỗ trợ bà Thìn nguồn kinh phí khám chữa bệnh. Vì vậy, những năm tới đây, cùng với cả nước, Thái Bình sẽ tăng cường các giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân, cũng là cách để người dân chia sẻ với nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Có như vậy, BHYT mới là cứu cánh bền vững cho nông dân và những người có thu nhập thấp khi mắc bệnh hiểm nghèo.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa