Thứ 2, 01/07/2024, 03:25[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12 Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh hơn cả một mái ấm

Thứ 4, 02/12/2015 | 21:58:01
1,203 lượt xem
Từ khi thành lập năm 2003, Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh đã tích cực hoạt động, khẳng định vai trò trong việc chia sẻ, động viên thanh niên khuyết tật phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh, đây là lúc Câu lạc bộ cần có sự chuyển mình để khẳng định sự trưởng thành phù hợp với tình hình mới, đó là thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh, tổ chức xã hội của người khuyết tật, vì người khuyết tật.

Thảo luận nhóm tại lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh.

Các anh chị em tâm sự, tham gia Câu lạc bộ, họ được kết bạn, được chia sẻ, vui chơi, được học hỏi kiến thức về mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đó họ gỡ bỏ mặc cảm, trở nên lạc quan, tự tin vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội. Câu lạc bộ đã thành mái nhà chung, nơi gắn kết các thanh niên khuyết tật, thu hút ngày càng đông đảo hội viên. Từ 10 người ban đầu, đến nay mái ấm này đã có trên 300 người, sinh hoạt ở 8 câu lạc bộ thanh niên khuyết tật ở các cấp trực thuộc hội liên hiệp thanh niên các huyện và tỉnh. Câu lạc bộ thường xuyên nắm bắt tình hình hội viên, hoạt động của các câu lạc bộ thành viên để tìm hiểu nhu cầu thực tế và phối hợp với các cơ quan, tổ chức mở các khóa tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho hội viên như: tập huấn kỹ năng mềm; kỹ năng lập kế hoạch, viết và quản lý dự án; kỹ năng kinh doanh, quản lý, điều hành; kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; phổ biến kiến thức pháp luật, tư vấn pháp lý… Câu lạc bộ động viên hội viên tham gia các hoạt động xã hội như các hội thi văn nghệ, thể thao, các hội thảo liên quan đến người khuyết tật, cuộc thi tay nghề giỏi người khuyết tật, dự án phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên khuyết tật, dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng… Ngoài ra, Câu lạc bộ còn tích cực tìm những nguồn cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình như nạng, nẹp, xe lăn, xe lắc… để hỗ trợ những hội viên có nhu cầu. Hiện, 80% hội viên đã được cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng cần thiết. Chị Đặng Thị Thúy Hương (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư) cho biết: Tham gia Câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập, tôi được giao lưu với các anh chị em cùng cảnh ngộ, trở nên tự tin hơn. Hiện tôi đang có việc làm ổn định tại xưởng may của một chị trong Câu lạc bộ. Đó thực sự là ngôi nhà thứ hai của tôi.

Không chỉ là mái ấm nâng đỡ đời sống tinh thần cho thanh niên khuyết tật, Câu lạc bộ luôn quan tâm, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng, của các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho thanh niên khuyết tật giảm bớt phần nào khó khăn vật chất và được đóng góp cho gia đình, xã hội. Câu lạc bộ duy trì các hoạt động: tư vấn, giới thiệu nơi dạy nghề, nơi tuyển dụng; chia sẻ kinh nghiệm về việc làm… Chị Dương Thị Tuyến (xã An Châu, huyện Đông Hưng) chia sẻ, chị đi lại khó khăn nên trước đây đi làm xa đều phải ở trọ, người bố ốm yếu và đứa em bị trầm cảm của chị không có ai chăm sóc. Đầu năm nay, chị được Câu lạc bộ hỗ trợ máy khâu giúp chị được làm việc tại nhà, thu nhập ổn định và thuận tiện chăm lo cho gia đình. Cũng như chị Tuyến, những năm qua, từ các chương trình, dự án, đã có hàng chục hội viên được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch sinh kế với số tiền hàng trăm triệu đồng. Năm 2015, có 50 hội viên nhận hỗ trợ sinh kế, vốn quay vòng không lãi suất với tổng số tiền 250 triệu đồng. Nhiều hội viên sau khi được hỗ trợ đã thành công trong sản xuất, kinh doanh, ngoài phát triển kinh tế gia đình họ còn tạo việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật khác và lao động tại địa phương.

Sau hơn 10 năm hoạt động, từ những ngày đầu phần lớn hội viên ở độ tuổi thanh niên, tới nay, hội viên có ở nhiều độ tuổi đặt ra yêu cầu cần có một sự thay đổi phù hợp. Hơn nữa, trong xu thế các tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh thành lập hội người khuyết tật, hướng tới thành lập Hội Người khuyết tật Việt Nam, hoạt động của Câu lạc bộ cũng ngày càng phát triển, mở rộng, đòi hỏi cần thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Trên hết là nguyện vọng của hội viên muốn có một tổ chức đại diện hợp pháp cho người khuyết tật ở mọi độ tuổi, đủ tư cách pháp nhân cho việc tiếp nhận, triển khai các dự án hỗ trợ người khuyết tật. Nhận thức được yêu cầu và xu thế đó, Câu lạc bộ đã bầu ra Ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh; từ tháng 4 đến tháng 8/2015 đã tổ chức 4 buổi hội thảo, trình bày đề án thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh. Tháng 8/2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh, ra mắt vào tháng 9/2015 vừa qua. Ngay sau đó, Ban Vận động đã hoàn tất hồ sơ thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh gửi các cấp phê duyệt.

Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12/2015 đang được Ban Vận động cùng các hội viên Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh và toàn thể người khuyết tật trong tỉnh hy vọng sẽ là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt nhất với người khuyết tật Thái Bình nói riêng, Việt Nam nói chung vì sẽ có thêm một tổ chức hội của người khuyết tật ra đời.

 

Chị Phạm Tú Anh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh, Phó Trưởng ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ không ngừng học hỏi các tổ chức đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác hội, xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế để Hội Người khuyết tật tỉnh khi được thành lập sẽ là tổ chức đại diện tin cậy của người khuyết tật và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chị Ngô Thị Bích (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng)

Tôi mong mỏi người khuyết tật trong tỉnh sớm có một tổ chức của mình, vì mình để người khuyết tật được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật, đồng thời có điều kiện thực hiện nghĩa vụ của người khuyết tật với xã hội.

Mai Hiền

  • Từ khóa