Thứ 6, 26/07/2024, 02:58[GMT+7]

Cùng người khuyết tật vươn lên thoát nghèo

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:08:35
768 lượt xem
Được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hỗ trợ trực tiếp con giống, công cụ sản xuất, nhiều người khuyết tật trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Nhờ được hỗ trợ máy khâu công nghiệp, thu nhập của chị Trần Thị Nhâm ổn định hơn trước.

 

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội (trẻ em mồ côi, trẻ em bị nhiễm HIV, người khuyết tật nặng, người cao tuổi cô đơn…), Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội còn thường xuyên tổ chức hoạt động trợ giúp các đối tượng xã hội tại cộng đồng. Từ năm 2013, sau khi được bổ sung thêm nhiệm vụ về công tác xã hội, Trung tâm đã tích cực liên hệ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tranh thủ nguồn lực hỗ trợ để chăm lo cho các đối tượng xã hội. Năm 2015, Trung tâm được Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam hỗ trợ gần 400 triệu đồng mua con giống (bò, lợn, ngan, vịt), máy móc, công cụ phục vụ sản xuất (máy khâu, máy tính, máy mát-xa…) giúp đối tượng phát triển kinh tế theo nhu cầu. Bước đầu, nguồn vốn hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định.

 

Chị Trần Thị Nhâm ở thôn Nhật Tân, xã Tân Hòa (Vũ Thư) là 1 trong 68 đối tượng được Trung tâm hỗ trợ sinh kế trong năm 2015. Chị Nhâm bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, chị đã học nghề may và mở cửa hàng may mặc cho riêng mình. Chồng chị cũng là người khuyết tật nên cuộc sống của gia đình với hai con nhỏ gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2015, sau khảo sát tại địa phương, gia đình chị được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội hỗ trợ máy khâu công nghiệp. Chị Nhâm chia sẻ: Trước đây, do sử dụng máy khâu đạp nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Được Trung tâm hỗ trợ máy may công nghiệp, công việc của tôi thuận lợi hơn rất nhiều, nhờ đó thu nhập hàng tháng cũng khá hơn, giúp tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình, các con được học hành đầy đủ.

 

Cùng hoàn cảnh với chị Nhâm, anh Nguyễn Vinh Công ở thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành (Vũ Thư) cũng bị khuyết tật từ nhỏ, kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn. Công việc hàng ngày của hai vợ chồng anh chủ yếu là chăn nuôi, nấu rượu, chẻ lạt đan thúng, do đó thu nhập thấp. Thông qua chương trình, anh Vinh được hỗ trợ 4 con lợn giống. Sau vài tháng chăm sóc, đàn lợn lớn nhanh, đến nay sắp cho gia đình một khoản thu khá. Anh Vinh phấn khởi tâm sự: Sang tháng, gia đình tôi sẽ bán đàn lợn, có vốn sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi để tăng thu nhập. Nếu thuận lợi, gia đình tôi sẽ có cuộc sống ổn định hơn. Tôi mong muốn thời gian tới có nhiều người có hoàn cảnh như tôi được hỗ trợ để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

 

Chị Nhâm, anh Công chỉ là 2 trong số 68 trường hợp được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội hỗ trợ sinh kế trong năm 2015. Ngoài hỗ trợ sinh kế cho các gia đình, Trung tâm còn hỗ trợ về giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, dạy nghề… cho các đối tượng xã hội, qua đó giúp họ cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng. Ông Đặng Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, nhu cầu cần sự trợ giúp của các đối tượng bảo trợ xã hội trong tỉnh rất lớn. Vì vậy, từ khi có thêm chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm đã thành lập Phòng Tư vấn phát triển cộng đồng, mở đường dây tư vấn để tư vấn, tham vấn hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội về kinh tế và các vấn đề xã hội. Từ các nguồn hỗ trợ, Trung tâm có điều kiện chăm lo ngày càng tốt hơn cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

Nguyễn Dũng

  • Từ khóa