Thứ 2, 22/07/2024, 22:05[GMT+7]

Quyết tâm, quyết liệt trong cải cách hành chính

Thứ 2, 14/12/2015 | 15:13:03
724 lượt xem
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và chất lượng phục vụ nhân

Không khí làm việc khẩn trương của công nhân Công ty Tuấn Lộc (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Quyết liệt trong cải cách thể chế, nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Nhằm cụ thể hóa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và để tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa hoạt động xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản của UBND các cấp vào nền nếp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách phục vụ công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giải quyết chế độ, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động triển khai, áp dụng, thực hiện theo quy trình hóa, công khai hóa. Chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng lên, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, công khai, minh bạch đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ: Khi xây dựng chính sách, tỉnh luôn căn cứ tình hình thực tế của các địa phương, ở một số trường hợp đã có sự sáng tạo trong việc cụ thể hóa các quy định của trung ương nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật như chính sách đền bù khi thu hồi đất, hỗ trợ thu hút đầu tư, hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...

Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh đã không ngừng đổi mới trong công tác cán bộ, được cấp trên đánh giá cao, nhất là về thi tuyển cán bộ, công chức. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tuyển chọn các vị trí chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các vị trí chức danh khác nhau; chỉ đạo tổ chức kỳ thi viết cho các đối tượng trong nguồn quy hoạch lãnh đạo và trưởng phòng các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Từ năm 2012 đến năm 2014, UBND tỉnh đã tổ chức thành công 3 kỳ thi tuyển công chức, lựa chọn được 716 người đủ tiêu chuẩn đảm nhận các công việc tương xứng với chuyên ngành được học ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí chức danh. Do vậy, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Trong số 1.214 cán bộ, công chức cấp tỉnh có 9,47% người có trình độ trên đại học, đại học 81,72%; trong số 760 cán bộ, công chức cấp huyện có 2,1% người có trình độ trên đại học, đại học 88,16%. Đồng chí Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) cho rằng: Việc tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo và công chức bằng hình thức thi tuyển đã bảo đảm khách quan, công bằng, tạo sự phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, là bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức và chất lượng thực thi công vụ.

...đến đơn giản hóa TTHC và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và công dân khi giải quyết công việc, đặc biệt là các TTHC trong hoạt động đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các sở, ban, ngành tích cực tiến hành rà soát tất cả TTHC và lập phương án rút ngắn khoảng 40% thời hạn giải quyết. Năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt trên 600 TTHC cấp tỉnh được cắt giảm thời gian, đạt gần 61% TTHC, trung bình mỗi thủ tục cắt giảm được hơn 3 ngày làm việc. Đến giữa năm 2015, các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư của UBND tỉnh thời gian giải quyết được rút ngắn 50 - 75% so với thời gian quy định của nhà nước, đã góp phần thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từ thứ 55 (năm 2011) lên thứ 40 (năm 2014). Đặc biệt, cuối tháng 10/2015, UBND tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công với quy trình một cửa, một đầu mối, có trang thiết bị hiện đại, phần mềm chuyên dụng phục vụ cán bộ, công chức giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ trong CCHC, nhất là cải cách TTHC của tỉnh.

Từ năm 2012, Thái Bình đã hoàn thành việc triển khai, chuyển giao phần mềm mạng văn phòng điện tử liên thông tới các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 100% đảng ủy và UBND cấp xã đã được chuyển giao phần mềm mạng văn phòng điện tử liên thông. Hệ thống thư điện tử của tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả. 100% các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống lụt bão của tỉnh được chuyển đến UBND cấp xã qua hệ thống thư điện tử và mạng văn phòng điện tử liên thông. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt 85%. Đồng chí Vũ Hữu Hỷ, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (Hưng Hà) cho biết: Trước đây phải mất rất nhiều thời gian xã mới nhận được công văn hay công điện khẩn chỉ đạo của cấp trên, việc điều hành, quản lý, giải quyết công việc đều được thực hiện một cách thủ công. Các văn bản đến và đi được sao, chuyển tới các bộ phận, vì thế một số thông tin truyền tải tới người dân bị chậm. Nhưng nay chỉ với những thao tác đơn giản truy cập vào mạng văn phòng điện tử liên thông, mọi chỉ đạo, điều hành công việc của cấp trên với cấp xã đã kịp thời, nhanh chóng, chính xác, giúp địa phương tiết kiệm kinh phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành, giải quyết công việc.

Mục tiêu của công tác CCHC tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 100% các TTHC được chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001:2008; 100% các TTHC được đưa vào giải quyết tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt trên 80%; phấn đấu đến năm 2020, 100% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, môi trường mạng... Để đạt các mục tiêu trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện, từng cán bộ, công chức phải làm hết sức mình với tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thu Hiền

  • Từ khóa