Thứ 2, 29/07/2024, 15:27[GMT+7]

Làng biển Xuân đã về trên từng ngọn sóng

Thứ 3, 25/01/2011 | 08:24:41
1,468 lượt xem
 

Cung cấp ấn phẩm truyền thông đến ngư dân vùng biển

Những năm gần đây, các xã vùng biển được biết đến với sự phát triển vượt trội về kinh tế bởi nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Song, do quanh năm cuốn mình vào vòng quay của đầm bãi, ngao sò, nên việc học, tiếp nhận kiến thức văn hóa, xã hội, trong đó có kiến thức về lĩnh vực dân số là việc khó khăn.

 

Thêm nữa, theo triết lý của ngư dân vùng biển “cứ nhà đông con giai là giàu” đã dẫn tới tình trạng bất bình đẳng giới khá nghiêm trọng. Phụ nữ không được coi trọng, tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh cao vượt trội. Tại một số xã ven biển trong tỉnh, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh giữa trẻ em nam và nữ lên tới 300-400/100. Một số nhà lãnh đạo đã đưa ra những quan ngại: cứ đà phát triển của các địa phương vùng biển như hiện nay, ít năm tới, cán cân kinh tế - văn hóa, xã hội sẽ lệch lạc nghiêm trọng, thu nhập của người dân tăng nhanh nhưng chất lượng dân số đi xuống.

 

Vì vậy, đã đến lúc phải có các giải pháp tác động tích cực để cán cân không lệch, rơi tuột về một phía. Tín hiệu vui đã đến với hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình) triển khai “Đề án dân số vùng biển, ven biển”. Bà Nguyễn Thị Huê, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Chi cục dân số-KHHGĐ cho biết: “Từ trước tới nay, nói đến công tác dân số, chúng ta chỉ nghĩ đến vấn đề giảm sinh song đã đến lúc công tác dân số phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, đó là vấn đề nâng cao chất lượng dân số.

 

Mục tiêu của đề án biển là quan tâm nâng cao thể lực, trí tuệ và tinh thần cho người dân vùng biển”. Cũng vẫn là các hoạt động chính như truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề dân số-KHHGĐ, cung cấp trang thiết bị truyền thông, trang thiết bị y tế cho cơ sở, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến gần dân; song đề án biển tổ chức các hoạt động rất phong phú, mới mẻ như truyền thông lưu động, truyền thông qua hình thức giao lưu văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ, cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện…

 

Chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Nam Cường ( Tiền Hải) cho biết: bởi các hoạt động rất phong phú, dễ tiếp nhận nên được bà con hồ hởi đón nhận. Đã từng biết đến đêm giao lưu truyền thông dân số tổ chức năm 2009 tại xã Nam Thịnh, nên năm nay, khi tổ chức tại Nam Cường, nhiều người các xã lân cận cũng đến tham gia.

 

Ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường thông tin: Chỉ sau hai năm thực hiện đề án biển, công tác dân số của xã đã có nhiều chuyển biến. Điều đáng mừng nhất là bà con trong xã đã hiểu thế nào là “nâng cao chất lượng dân số”. “Dân có giàu, xã mới mạnh. Muốn làm giàu, mỗi người dân phải khỏe mạnh về thể lực, thông về trí tuệ và không u tối trong tinh thần”. Cấp ủy, chính quyền xã hy vọng từ sự chuyển biến này sẽ góp phần tác động tốt đến kinh tế- xã hội địa phương.

 

Không chỉ có xã Nam Cường, toàn tỉnh có 84 xã vùng biển đang thực hiện đề án, đây thực sự như những làn gió mới, thổi không khí mát lành đến các địa phương vùng biển. 

 

 

Bài, ảnh: Trần Thu Hương

  • Từ khóa