Thứ 5, 25/07/2024, 20:05[GMT+7]

Xuân về làng chài Thủy Cơ

Thứ 6, 05/02/2016 | 16:08:02
3,541 lượt xem
Đi lên từ gian khó và được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của ngư dân làng chài Thủy Cơ, thôn Thái Sa, xã Vũ Vân (Vũ Thư) ngày càng ổn định. Kể từ ngày lên bờ an cư, bà con đã được đón những cái tết sum vầy, ấm áp nghĩa tình.

Vượt qua những ngày khó khăn...

Những năm trước đây, làng chài Thủy Cơ có nhiều hộ nghèo nhất xã bởi cư dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt cá sông bằng kỹ thuật và ngư cụ thủ công nên năng suất đánh bắt thấp, địa bàn khai thác chỉ hạn chế trên sông Hồng. Ngày ấy, con cá, con tôm kiếm nhiều nhưng bán rẻ như cho, cũng chỉ đủ ngày hai bữa cháo rau. Hầu hết bà con không có đất ở, lấy thuyền làm nhà, quanh năm sông nước lênh đênh. Vì lẽ thế, con cái sinh ra theo bố mẹ học nghề chài lưới chứ không có điều kiện học hành. Số người biết chữ ở làng chài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngư dân làng chài Thủy Cơ vẫn mạnh mẽ vươn lên. Bà con cũng sớm ý thức được việc "an cư, lạc nghiệp", muốn thế hệ con cháu sau này được no ấm, được đến trường học chữ thì phải có mảnh đất dựng nhà. Từ suy nghĩ đó, nhiều gia đình ở làng chài đã lên bờ mua đất, hòa nhập với bà con làm nông nghiệp. Con em họ thoát hẳn nghề chài lưới, đi làm trong các công ty, xí nghiệp nên đời sống dần được cải thiện, khấm khá hơn trước.

Con đường về thôn Thái Sa, nơi có đông ngư dân Thủy Cơ định cư được trải bê tông rộng rãi, len lỏi đến từng ngõ xóm. Ông Lưu Văn Vinh, Trưởng thôn Thái Sa vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay của quê hương: Kể từ ngày hộ ngư dân đầu tiên lên bờ cũng đã 20 năm có lẻ. Giờ đây, trong 46 hộ dân làng chài thì hơn 40 hộ đã có đất, có nhà xây kiên cố. Phần lớn các hộ vẫn lấy nghề chài lưới làm nghề chính mưu sinh. Mặc dù có nhà, có đất nhưng họ vẫn sống dưới thuyền để tiện cho việc hành nghề, chỉ ngày lễ, tết họ mới tụ họp về nhà. Ở Thủy Cơ cũng có nhiều gia đình thoát ly hẳn với nghề sông nước, đi khắp trong Nam, ngoài Bắc kiếm sống. Nhờ bản tính cần mẫn, tiết kiệm, nhiều gia đình đã có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ.

Ông Vinh còn nhớ, ngày người dân Thái Sa đón những gia đình làng chài đầu tiên về đất mới, mọi thứ với họ còn lạ lẫm. Tình làng nghĩa xóm, ngày còn nghèo đói, dân làng quần cư, dựa vào nhau vượt qua những lúc khó khăn. Nhờ đó, cuộc sống của bà con dần ổn định và từng bước đi lên. Chính quyền xã còn tạo điều kiện dành quỹ đất 5% để cho làng chài thuê làm nông nghiệp.

Cùng với sự thay đổi về đời sống xã hội, những năm gần đây, tình hình an ninh vùng giáo trên địa bàn thôn Thái Sa luôn được giữ vững. Với 100% gia đình làng chài là đồng bào Công giáo, thuộc Giáo họ Thủy Cơ (Giáo xứ Thái Sa), nhờ thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa, cuộc sống của đồng bào Công giáo thôn Thái Sa ngày càng khởi sắc, bà con giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo. Mô hình "Làng chài bình yên" ở Thủy Cơ hoạt động nền nếp, đạt hiệu quả tích cực. Bà con ngư dân đánh bắt thủy sản trên sông Hồng thường xuyên phối hợp với lực lượng công an huyện Vũ Thư và công an huyện Xuân Trường (Nam Định) bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Anh Trần Xuân Hồng, Đoàn trưởng làng chài Thủy Cơ chia sẻ: Trước đây, bà con sử dụng thuyền chèo nhưng hiện nay đa số bà con đã trang bị thuyền máy với ngư cụ hiện đại, mỗi ngày cũng kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng nên làng chài không còn hộ đói. Bên cạnh việc hành nghề trên sông, chúng tôi còn luôn duy trì việc nắm bắt và thông báo kịp thời những thông tin về tình hình buôn lậu, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trên sông cho các lực lượng chức năng; tích cực tuyên truyền cho bà con làng chài nghiêm chỉnh chấp hành quy định khai thác nguồn lợi thủy sản, không sử dụng te, kích điện… Hầu hết bà con đều chấp hành tốt.

Diện mạo nông thôn mới ở thôn Thái Sa, xã Vũ Vân.

Chắp cánh giấc mơ an cư...

Từ trung tâm thôn Thái Sa, chúng tôi men theo con đường đê xuống khu vực làng chài neo đậu. Trong không gian trời chiều, những con thuyền neo sát vào nhau, tiếng trẻ nô đùa phá tan sự tĩnh lặng. Khói bếp từ những mái thuyền lan nhẹ trên mặt nước mang lại cho chúng tôi một cảm giác bình yên. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lưu Thị Nhuần, 78 tuổi tâm sự: Gia đình tôi có bốn đời làm nghề chài lưới, các con của tôi đều sinh ra trên thuyền và vẫn theo nghề của bố mẹ. Chúng tôi đánh bắt đến 29, 30 tết thì lên bờ. Ăn tết ở nhà đến mùng 3, mùng 4 thì lại bắt đầu công việc. Năm nay làm ăn khó khăn hơn vì tôm, cá không nhiều nhưng cũng cố gắng để có một cái tết đủ đầy.

Cũng như gia đình bà Nhuần, nhiều gia đình ngư dân làng chài Thủy Cơ cũng đang chạy đua với thời gian, tranh thủ thả lưới, buông câu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình vui xuân, đón tết. Năm nay, tết còn vui hơn khi các hộ dân làng chài sau bao năm mơ ước một ngày được lên bờ, có mảnh đất làm nhà nay đã trở thành hiện thực. Chia sẻ niềm vui với bà con làng chài, đồng chí Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con làng chài Thủy Cơ, chính quyền đã trình HĐND xã, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đồng ý cho quy hoạch quỹ đất ven sông để cấp đất cho 4 hộ ngư dân chưa có đất làm nhà nhằm tạo thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt cũng như việc đánh bắt thủy sản. Dự án này đã được tỉnh phê duyệt. Theo đó, mỗi hộ trong diện lên bờ được cấp 105m2 đất ở. Ngoài ra, địa phương còn có chủ trương tìm các tổ chức, cá nhân và huy động các tổ chức đoàn thể, nhân dân giúp đỡ kinh phí, ngày công giúp các gia đình này làm nhà.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cũng cho biết thêm: Việc cấp đất cho những hộ ngư dân chưa có đất ở là chính sách ưu tiên, khuyến khích bà con làng chài sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, những năm qua, bà con ngư dân được hưởng mọi quyền lợi về khám sức khỏe ban đầu, con em được tạo điều kiện đến trường. Trong các dịp lễ, tết, Đảng ủy, UBND xã, các tổ chức đoàn thể đều có quà tới động viên bà con đón tết, vui xuân.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, bà con giáo dân làng chài Thủy Cơ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương Vũ Vân ngày càng giàu đẹp.

Tất Đạt

  • Từ khóa