Thứ 5, 25/07/2024, 04:17[GMT+7]

Trung tâm cấp cứu 115 - Người lính tiên phong nơi “đầu sóng ngọn gió”

Thứ 6, 26/02/2016 | 08:17:40
1,145 lượt xem
Với phương châm mỗi viên chức là một chiến sĩ, mỗi lái xe là một cảm tử, mỗi xe cứu thương là một buồng bệnh, mỗi người bệnh là một trận đánh, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 đã không kể ngày đêm, không ngại gian khó, tận dụng mọi kỹ năng, kỹ thuật, bằng nghiệp vụ chuyên sâu nhất của mình để cứu sống người bệnh ngay trước lưỡi hái tử thần.

Một ca vận chuyển cấp cứu của Trung tâm.

 

Cấp cứu là “vàng”

 

Tiền thân là Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 05, ra đời năm 1979, trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Cấp cứu 115 đã từng bước trở thành một trong những địa chỉ tin cậy, uy tín, chất lượng đối với người bệnh.

 

Ông Trần Văn Bội, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đề án thành lập trung tâm cấp cứu là một nhân tố quan trọng nằm trong hệ thống tổ chức của ngành Y tế Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Hệ thống này được phân ra thành nhiều cấp và Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình chính là một trong những nhánh rễ của hệ thống đó. Với chức năng là bộ phận cấp cứu đầu não của tỉnh, dưới là các trạm cấp cứu vệ tinh cùng các phòng 115 tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã, Trung tâm Cấp cứu 115 luôn hoạt động hết công suất, bảo đảm “nhanh nhạy, chính xác, tận tình” trong việc cấp cứu người bệnh.

 

Cách đây 6 năm, khi làn sóng xã hội hóa xuất hiện, sức cạnh tranh từ tư nhân cùng sự rủi ro mà đối tượng này mang lại đã khiến Trung tâm Cấp cứu 115 đứng trước bước đường khó khăn nhất với 2/3 thị phần bị chiếm. Trước sự khốc liệt ấy, đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm đã vững vàng vượt qua mọi rào cản mà trên hết là nhờ vào sự sáng suốt trong định hướng phát triển của người chèo lái. Nở nụ cười trước báo giới, ông Trần Văn Bội tự hào: Hiện tại, Trung tâm đã thành lập được 3 trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Tiền Hải, Thái Thụy và Hưng Hà, góp phần giải quyết được hơn 4.000 chuyến vận chuyển cấp cứu cho Trung tâm. Bên cạnh đó là sự đổi mới trang thiết bị kỹ thuật cùng với việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức, y bác sĩ. Đặc biệt, việc đưa hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các xe cứu thương đã bảo đảm cho công tác quản lý cũng như theo dõi, điều hành các xe cấp cứu một cách nhanh chóng nhất.

 

Năm 2015, Trung tâm Cấp cứu 115 đã thực hiện sơ cấp cứu và vận chuyển hơn 10.000 chuyến, trong đó vận chuyển cấp cứu tuyến nội tỉnh đạt 7.000 chuyến, tuyến trung ương đạt gần 3.000 chuyến. Mỗi xe cấp cứu được trang bị như một buồng cấp cứu thu nhỏ với bình oxy, máy thở, bộ lọc khí, máy sưởi ấm, máy siêu âm…, bảo đảm cho kíp cấp cứu có thể tiến hành cấp cứu ngay trên xe.

 

Chạy đua với tử thần

 

Cấp cứu một người bệnh chính là sự giành giật từng giây từng phút, đấu tranh trên cả mặt trận tư tưởng cũng như mặt trận sinh học một cách quyết liệt nhất. Đó là hàng loạt những rào cản, từ tâm lý người bệnh, tình trạng bệnh nhân, sự hoang mang từ phía gia đình đến những tác động ngoại vi môi trường hay diễn biến bất ngờ trong quá trình vận chuyển… Đó cũng là những gì mà đội vận chuyển cấp cứu bắt buộc phải vượt qua bằng những kinh nghiệm chuyên môn và khả năng xử trí, ứng biến với tình huống của mình.

 

Một trong số những cuộc chiến “chạy đua với tử thần” của đội cấp cứu 115 Thái Bình là trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Hạnh. Khi đội cấp cứu đến nơi thì chị đang trong tình trạng da, môi nhợt nhạt, toàn thân lấm tấm mồ hôi, tay chân lạnh toát, đau bụng dữ dội, tử cung co cứng, âm đạo ra huyết nhiều, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được. Bệnh nhân được kíp cấp cứu chẩn đoán là thai 25 tuần, rau bong non, trụy mạch (những trường hợp như thế này tỷ lệ tử vong rất cao). Nguy hiểm hơn nữa là bệnh nhân nằm ở nhà, cầu thang hẹp, tình trạng trụy tim mạch chỉ cần thay đổi tư thế là tử vong ngay. Trước tình thế tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc”, kíp cấp cứu đã thống nhất mổ cấp cứu tại gia đình. Sau 2 giờ triển khai mổ tại chỗ, cắt tử cung bán phần, truyền 2.000ml máu, kíp cấp cứu đã cứu sống được bệnh nhân trước lưỡi hái tử thần.

 

Hay như trường hợp xin chi viện kíp phẫu thuật cho bệnh nhân Hoàng Văn Lai (xã Nam Trung, Tiền Hải) được chẩn đoán là vỡ tạng. Khi kíp cấp cứu đến nơi, anh đang trong tình trạng trụy mạch tiên lượng nặng. Các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 đã tiến hành chi viện kỹ thuật ngoại, huyết học và mổ cấp cứu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định về mạch và huyết áp, tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải.

 

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp khẩn cấp mà đội cấp cứu 115 Thái Bình đã kịp thời can thiệp. Ngoài ra, những trường hợp bệnh nhân nặng như đa chấn thương, vỡ tạng đặc, chửa ngoài tử cung, băng huyết… cũng được Trung tâm tiếp nhận và phối hợp với các chuyên khoa đầu ngành giải quyết.

 

Anh Đặng Tương Duy, một bác sĩ trẻ của Trung tâm chia sẻ: Để có thể xử lý được những tình huống khẩn cấp đó, chúng tôi phải tôi rèn rất nhiều. Mỗi viên chức làm việc tại Trung tâm đều được đào tạo tổng hợp từ sơ cứu đến nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa và cả sản khoa. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn tại đơn vị và các tuyến cơ sở; gửi cán bộ, viên chức đi học tại tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Đồng thời, lãnh đạo Trung tâm cũng luôn quán triệt anh em về thái độ phục vụ người bệnh; thay đổi nhận thức cho nhân viên từ bao cấp sang tự chủ một phần; lấy người bệnh làm trung tâm, bảo đảm văn hóa ứng xử, tác phong nhanh nhẹn theo phương châm “gọi là có”…

 

Cái đầu lạnh, trái tim nóng và một tinh thần thép

 

Đó là những gì ngắn gọn mà sâu sắc nhất để nói về các đội cấp cứu 115 Thái Bình.

 

Là một trong những người đầu tiên làm việc tại Trung tâm khi mới thành lập, bác sĩ Ngô Văn Phách kể cho tôi nghe về những khó khăn buổi đầu của đội cấp cứu. Từ những thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất cho đến những đêm mưa gió, đội cấp cứu đã phải xắn quần lội bộ quãng đường lầy gần 3 cây số, trên vai vác thiết bị y tế, dò dẫm từng bước, người này theo dấu người kia để đến được nhà bệnh nhân, kịp thời tiến hành cứu chữa.

 

Tiếp chuyện với “cánh tài xế”, anh Bùi Viết Hùng, người đã dành gần 20 năm trên những quãng đường vận chuyển cho biết: “Tổ lái” bọn mình đều xuất phát từ lính, đều là bộ đội từ chiến trường trở về nên bản lĩnh chính trị vững vàng lắm. Những chuyện như uống rượu mà vẫn lái xe là cấm tiệt. Yếu tố an toàn luôn được đề cao hàng đầu. Bọn mình cũng phải có kiến thức về y tế và sơ cấp cứu để hỗ trợ kíp cấp cứu nếu cần. Đặc biệt là luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào!

 

Tôi không mấy bất ngờ khi thấy những “bóng hồng” xuất hiện trong đội cấp cứu nhưng lại rất cảm phục sự can đảm và bản lĩnh kiên cường của các chị. Gặp bác sĩ Nhâm Thị Hằng, điều dưỡng Bùi Thị Minh Thanh, các chị đều khẳng định: Không có nghề nào là không dành cho phụ nữ cả. Tuy nhiên, để làm được nghề này thì cần một chút cứng cỏi và kiên cường. Bên cạnh đó, sự thông cảm từ gia đình, sự thấu hiểu của chồng cũng là nguồn khích lệ to lớn giúp chúng tôi yên tâm hoàn thành công việc. Nụ cười của các chị là nụ cười hạnh phúc, cũng là nụ cười làm nên nét khác biệt của những nữ y sĩ 115.

 

Người ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh của những bác sĩ xắn quần đi bộ hơn 3 cây số trên đường lầy lội để cứu chữa bệnh nhân hay hình ảnh ăn vội bát cơm để lên đường kịp lúc. Và hẳn, chúng ta cũng sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi có những người nhà bệnh nhân rất lâu sau ngẫu nhiên gặp lại, họ vẫn nhớ, vẫn thốt lên sung sướng, chạy đến tay bắt mặt mừng biết ơn người thầy thuốc năm xưa đã cấp cứu, cứu sống người cha, người con của họ. Phía sau chiếc áo blouse trắng, phía sau những mệt mỏi, căng thẳng thường trực là tấm lòng, là sự cảm thông, là những cái nắm tay mà họ dành cho bệnh nhân của mình.

 

Trung tâm luôn làm hết sức có thể để bảo đảm cho người bệnh được hưởng chất lượng tốt nhất với chi phí rẻ nhất. Vì vậy, trong năm 2016, Trung tâm sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cả về chất và lượng. Dự kiến, trụ sở mới sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào cuối năm; bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng thêm các trạm cấp cứu vệ tinh, bảo đảm phương châm “nhanh chóng, chính xác, kịp thời”; đồng thời, đề nghị Sở Y tế và UBND tỉnh quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp cứu, tránh khủng hoảng thừa và thiếu.

 

(Ông Trần Văn Bội, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115)

 

Thùy Dung

(Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

  • Từ khóa