Thứ 6, 02/08/2024, 19:17[GMT+7]

Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tiến đến sự hài lòng của người bệnh

Thứ 4, 23/03/2016 | 09:17:48
515 lượt xem
Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân đồng thời đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu chủ chốt, quan trọng trong công tác khám chữa bệnh (KCB) nói riêng, an sinh xã hội nói chung. Ðể cung cấp cho bạn đọc những thông tin toàn diện về việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Giao dịch tại Bảo hiểm xã hội huyện Thái Thụy. Ảnh: Hà Dung.

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2015, tỉnh ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra với hơn 75% dân số tham gia BHYT? Xin đồng chí đánh giá cụ thể hơn về kết quả này?

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Tính đến hết ngày 31/12/2015, toàn tỉnh có 1.356.230 người tham gia BHYT (chiếm 75,79% dân số), trong đó số người tham gia BHYT hộ gia đình là 265.096 người, tăng 37.485 người so với cùng kỳ năm 2014.

 

Nhìn chung, năm 2015, các huyện, thành phố đều có sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành nên việc phát triển đối tượng tham gia BHYT đạt kết quả tương đối đồng đều. Trong đó, tại một số địa phương, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình triển khai tích cực, đạt kết quả cao như: Quỳnh Phụ (đến nay có 37.787 người tham gia BHYT hộ gia đình), Thái Thụy (có 36.742 người tham gia BHYT hộ gia đình), Vũ Thư (có 34.389 người tham gia BHYT hộ gia đình).

 

Tiền Hải là huyện có số người tham gia BHYT theo hộ gia đình thấp hơn cả, đến nay mới có 29.267 người.

 

Phóng viên: Tại những huyện đạt kết quả thấp, theo đồng chí, nguyên nhân vì sao? 

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Nhìn chung, tại những địa phương này, đa số nhân dân sống bằng nghề nông với mức thu nhập thấp; việc tham gia BHYT cùng lúc cho tất cả các thành viên trong gia đình là không đơn giản. Đối với Tiền Hải, đây là huyện ven biển, đồng bào theo đạo Công giáo đông, số nhân khẩu trong một gia đình nhiều là khó khăn cho họ khi tham gia BHYT hộ gia đình.

 

Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT của đội ngũ nhân viên đại lý thu BHYT ở một số xã nhìn chung còn hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả chung.

 

Hơn nữa, khi mới triển khai Luật Bảo hiểm y tế đầu năm 2015, thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình còn rườm rà làm cho người dân khi ấy khó tham gia BHYT.

 

Một vấn đề nữa đó là tinh thần, thái độ phục vụ của một số ít nhân viên y tế chưa tốt cũng đã ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT của người dân.

 

Phóng viên: Qua phỏng vấn của chúng tôi đối với đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, đầu năm 2016, thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình đã được cắt giảm đáng kể. Sự cắt giảm thủ tục hành chính trong tham gia BHYT hộ gia đình thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Những ngày đầu triển khai Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình có một số vướng mắc về thủ tục tham gia như: việc người dân phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên trong gia đình bằng việc photocopy thẻ của người đã tham gia; xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại thành phố nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống… Tuy nhiên, những vướng mắc đó đã được khắc phục.

 

Hiện nay thủ tục rất đơn giản. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ cần lập danh sách những người trong gia đình tham gia BHYT nộp cho đại lý thu BHYT nơi hộ gia đình cư trú cùng với tiền đóng BHYT, ngoài ra không yêu cầu cung cấp bất kỳ một loại giấy tờ nào khác.

 

Phóng viên: Để thu hút người dân tham gia BHYT, vấn đề cốt lõi là phải nâng chất lượng phục vụ người bệnh và cắt giảm thủ tục hành chính trong KCB BHYT. Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế đã phối hợp thực hiện các nội dung trên như thế nào?

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Hai ngành đã tăng cường phối hợp giáo dục đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Tăng cường kiểm tra thực thi công vụ để xử lý những cán bộ, nhân viên tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, còn gây phiền hà cho bệnh nhân. Tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân về chính sách BHYT và thủ tục khi đi KCB BHYT để mọi người dân khi đi KCB thực hiện đúng các thủ tục, việc KCB sẽ được thuận tiện, tránh bức xúc, làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với các cơ sở KCB ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh và thanh toán BHYT.

 

Về phía các cơ sở KCB, đã bố trí tăng nhân lực khám bệnh, tăng số buồng khám bệnh để giảm tối đa thời gian chờ đợi khám bệnh của bệnh nhân. Tăng số giường bệnh để tránh tình trạng nằm ghép, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

 

Ngành Bảo hiểm xã hội thanh toán số giường bệnh theo giường bệnh thực kê bảo đảm kinh phí cho cơ sở KCB. Phối hợp trong công tác đấu thầu thuốc, bảo đảm chất lượng, đủ số thuốc điều trị cho người bệnh. Phối hợp với cơ sở KCB bảo đảm quyền lợi KCB, bệnh nhân không phải nộp thêm các chi phí trong quy định.

 

Phóng viên: Công tác quản lý quỹ KCB luôn là đòi hỏi bức xúc trong hoạt động KCB BHYT. Ngành Bỏa hiểm xã hội đánh giá như thế nào về việc sử dụng quỹ KCB BHYT tại các cơ sở KCB thời gian gần đây. So với những năm trước, việc quản lý quỹ có được cải thiện?

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Trước hết, chúng ta phải xác định quỹ KCB BHYT là quỹ của những người tham gia BHYT chứ không phải là quỹ của ngành Bảo hiểm xã hội hay là của ngành Y tế, vì vậy, việc quản lý quỹ KCB BHYT là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, của tất cả mọi người tham gia BHYT. Trước đây, việc quản lý quỹ KCB BHYT hầu như được coi là nhiệm vụ riêng của ngành Bảo hiểm xã hôi nhưng những năm gần đây trách nhiệm quản lý quỹ đã được thay đổi mà nòng cốt là ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế.

 

Tuy nhiên, việc quản lý quỹ BHYT không chỉ ở lãnh đạo hai ngành, lãnh đạo các cơ sở KCB mà còn là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia quản lý, sử dụng quỹ. Thực tế vẫn còn hiện tượng một số nhân viên y tế chưa thực sự có trách nhiệm trong việc quản lý quỹ KCB BHYT, việc lựa chọn sử dụng thuốc, chỉ định cận lâm sàng chưa thật sự tiết kiệm; vẫn còn tình trạng người bệnh bỏ qua cơ sở KCB tuyến dưới để lên thẳng tuyến trên KCB.

 

Năm 2016 tiếp tục là một năm khó khăn đối với việc quản lý quỹ KCB BHYT tại Thái Bình khi giá dịch vụ y tế tăng trong khi việc tăng trưởng quỹ KCB BHYT rất thấp, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế, các cơ sở KCB trong công tác quản lý quỹ KCB BHYT. 

 

Phóng viên: Ngành Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện giải pháp gì để vận động 25% dân số còn lại tham gia BHYT để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân? Sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế như thế nào để tiến đến sự hài lòng của người bệnh khi tham gia BHYT?

 

Đồng chí Trần Thiên Thai: Số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay tập trung chủ yếu ở những người lao động đi làm ăn xa nhà, lao động tự do, hộ gia đình làm nông nghiệp còn khó khăn về kinh tế và người lao động làm việc tại các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.

 

Để vận động 25% dân số còn lại tham gia BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương về việc thực hiện BHYT toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách BHXH, BHYT; chủ động xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân.

 

Để không ngừng bảo đảm quyền lợi và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, làm cơ sở phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực hiện chính sách BHYT, nâng cao chất lượng giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT, coi đây là nền tảng để phát triển, mở rộng đối tượng.

 

Đối với các cơ sở KCB, cần tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ và chất lượng khám, điều trị. Hai ngành Bảo hiểm xã hội, Y tế phải tăng cường hơn nữa công tác giám định, quản lý quỹ KCB BHYT, chi trả chi phí KCB BHYT hợp lý, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT.

 

Bảo hiểm xã hội tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương, sự đồng thuận của nhân dân để việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT thời gian tới đạt kết quả tốt, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

 

Trần Thu Hương

(thực hiện)

  • Từ khóa