Thứ 6, 02/08/2024, 13:23[GMT+7]

Ðông Giang: Khó khăn trong công tác đoàn

Thứ 4, 23/03/2016 | 09:20:56
6,660 lượt xem
Thanh niên là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của địa phương cũng như của đất nước. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, công tác đoàn ở cơ sở gặp khá nhiều khó khăn. Xã Ðông Giang (Ðông Hưng) là một ví dụ.

Hoạt động thanh thiếu nhi do Đoàn Thanh niên xã Đông Giang tổ chức.

 

Thiếu nguồn nhân lực

 

Đoàn Thanh niên xã Đông Giang (Đông Hưng) hiện đang quản lý hơn 200 đoàn viên nhưng số lượng đoàn viên tham gia sinh hoạt tại 7 chi đoàn cơ sở (5 chi đoàn thôn, 2 chi đoàn trường học) chỉ khoảng 30 - 40 người. Chi đoàn có đông đoàn viên tham gia sinh hoạt nhất cũng chỉ có 9 đoàn viên nhưng trong số đó có 2 đồng chí quá tuổi đoàn. Nói về công tác đoàn của xã, anh Nguyễn Hải Đông, Bí thư Đoàn xã cho biết: Hiện nay, công tác quản lý đoàn viên sinh hoạt tại địa phương quá khó khăn. Hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, số ở lại địa phương đi làm công nhân, sinh hoạt đoàn tại công ty chứ không tham gia Đoàn xã.

 

Số lượng đoàn viên ít, đội ngũ lãnh đạo đoàn cũng có nhiều bất cập. Toàn xã có 5 chi đoàn thôn thì 1 bí thư đã quá tuổi đoàn, 2 bí thư đi làm công ty, bản thân Bí thư Đoàn xã Nguyễn Hải Đông vừa duy trì hoạt động Đoàn xã vừa kiêm nhiệm Bí thư Chi đoàn thôn Đông An. Hiện nay, các buổi sinh hoạt đoàn đều phải tổ chức vào buổi tối hoặc vào cuối tuần bởi nếu tổ chức vào thời điểm khác sẽ khó huy động đoàn viên tham gia. Cũng vì tình trạng đó mà các phong trào do Đoàn xã và các chi đoàn thôn phát động luôn phải huy động sự chung sức của các đoàn thể khác như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, ban công tác mặt trận các thôn...

 

Theo ông Đỗ Trọng Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Lương Đống, xã Đông Giang, lực lượng đoàn viên quá mỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển đoàn viên trẻ vào Đảng. Nhiều năm trở lại đây, quần chúng ưu tú được cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phần lớn đều là những người đã quá tuổi đoàn, thanh niên trong tuổi đoàn được cử đi học rất ít, thậm chí không có. Như năm 2015, thôn Lương Đống chỉ có 1 đoàn viên trong tuổi đoàn được cử đi học. Vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm..., ban chấp hành các chi đoàn thôn phải gọi điện vận động thanh niên mới có người về tham dự phong trào. Cũng vì yếu tố con người mà trong một năm Đoàn cũng chỉ có thể tổ chức được 2 - 3 chương trình thanh niên, dù biết rằng như thế là chưa tương xứng với tiềm năng của một tổ chức chính trị - xã hội giàu sức trẻ và nhiệt huyết.

 

Khó khăn về kinh phí

 

Không chỉ khó khăn về nhân lực, kinh phí cũng là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đoàn ở cơ sở. Theo anh Nguyễn Hải Đông, mỗi năm, Đoàn xã chỉ được cấp 7,8 triệu đồng để tổ chức tất cả các hoạt động. Với số tiền như “muối bỏ bể” ấy, tổ chức được một sự kiện đã khó, nói gì đến tổ chức nhiều sự kiện trong một năm. Ở các thôn, chi đoàn lại hoàn toàn không có kinh phí để duy trì hoạt động, việc giữ chân cán bộ đoàn gắn bó với cơ sở trở nên không dễ dàng. Với nguồn kinh phí “0 đồng”, bằng cách nào để xây dựng các chương trình, tổ chức các hoạt động cho đoàn viên? Hầu hết từ Đoàn xã đến các chi đoàn thôn đều tự vận động để duy trì hoạt động, trong đó phần lớn các chi đoàn huy động nguồn đóng góp từ nhân dân, ủng hộ của các nhà tài trợ, thậm chí có những chi đoàn, thành viên ban chấp hành phải tự bỏ tiền túi hay ứng tiền để tổ chức phong trào, đến khi được đoàn cấp trên phê duyệt kinh phí hỗ trợ mới được “hoàn vốn”. Áp lực đặt lên vai đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở rất lớn bởi nếu không tìm được cách thức gây quỹ thì hoạt động đoàn không thể diễn ra và nếu nguồn quỹ quá hạn hẹp thì việc xây dựng được nhiều phong trào, hoạt động thanh niên với hình thức đa dạng là điều rất khó. Hệ quả của việc thiếu kinh phí khiến đoàn cơ sở hình thành tâm lý thụ động, xây dựng chương trình hoạt động mang tính hình thức, lối mòn, không có sự đổi mới về nội dung, khó tạo được sự thu hút đối với đoàn viên. Điều này đã tác động ngược khiến đoàn viên càng kém mặn mà với công tác đoàn và phong trào thanh niên của địa phương.

 

Tham khảo tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, những khó khăn gặp phải trong công tác đoàn ở xã Đông Giang là tình trạng chung tại hầu hết các tổ chức đoàn cơ sở, nhất là khu vực nông thôn. Để tháo gỡ những khó khăn ấy cần sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn với những hành động cụ thể nhằm vực dậy sức mạnh của đoàn cơ sở. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Gốc có vững thì cây mới bền”. Đoàn cơ sở có mạnh thì hệ thống đoàn cấp trên mới phát huy được hiệu quả, đạt được những thành công.

 

Thu Hiền

(Đông Tân, Đông Hưng)

  • Từ khóa