Thứ 5, 01/08/2024, 09:15[GMT+7]

Rời làng ra phố nuôi con học đại học

Thứ 2, 30/05/2016 | 07:46:25
836 lượt xem
Câu chuyện về những người cha, người mẹ phải tạm xa quê khăn gói lên thành phố tìm việc làm để nuôi con học đại học không còn là câu chuyện hiếm gặp ở mỗi làng quê Thái Bình. Về xã Nam Cao (Kiến Xương) được nghe kể về một số gia đình như thế. Chuyện kể về họ là sự nhắc nhở, động viên, khuyến khích mỗi gia đình trong việc nuôi dạy con học tập.

Anh Nguyễn Xuân Chính và chị Tô Thị Hạnh (thôn Cao Bạt Đông, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương) tự hào về thành tích học tập của hai con trai.

 

Hỏi thăm nhà anh Nguyễn Xuân Chính, chị Tô Thị Hạnh, người dân thôn Cao Bạt Đông (Nam Cao) ai cũng chỉ dẫn tận tình bởi gia đình anh chị là một trong những gia đình đặc biệt của xã có ba con đỗ đại học. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, quần áo còn lấm lem bùn đất, gương mặt sạm đen vì lam lũ của anh Chính, chị Hạnh như bừng sáng khi nhắc đến ba người con. Chị Hạnh chia sẻ: Gia đình chị có ba cháu. Cô con gái lớn Nguyễn Thị Hường, đỗ Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp năm 2008. Hai cháu trai sinh đôi là Nguyễn Xuân Mạnh và Nguyễn Xuân Hùng cùng đỗ Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên năm 2009. Khi các cháu đỗ đại học gia đình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình chăm ngoan, học giỏi, không phụ lòng thầy cô, cha mẹ nhưng cái lo dường như lấn át khi các cháu sắp phải nhập trường. Kinh tế khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, đã có lúc gia đình định bán nhà để lấy tiền cho các cháu đi học nhưng vì thương bố mẹ nên các cháu không đồng ý.

Nuôi một con học đại học đã vất vả đằng này anh chị phải lo cho ba cháu cùng một lúc. Với gia đình làm nghề nông, điều này là quá sức. Khó khăn, anh chị tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội để vay vốn. Thế nhưng, tiền vay cũng chẳng thấm vào đâu. Sau nhiều lần bàn bạc, chị quyết định rời quê ra phố đi nấu ăn thuê, làm giúp việc để có thêm tiền cho con ăn học. Sáu những năm bươn trải nơi đất khách, quê người, mỗi năm chị chỉ dám nghỉ khoảng 5 ngày, đó là ngày tết và những ngày gia đình có việc đặc biệt. Anh Chính ở lại quê nhà làm ruộng vườn, chăn nuôi và đi kéo te. Trong khi hai giờ sáng, mọi người còn đang tròn giấc ngủ, anh đã vác te đi bắt tép. Sự hy sinh của bố, mẹ là động lực để Hường, Mạnh, Hùng cố gắng học tập thật tốt. Đến nay, cả ba đều đã ra trường và có công việc ổn định. Anh Chính và chị Hạnh đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì quãng thời gian vất vả cũng đã qua. Tiễn chúng tôi ra về anh Chính chia sẻ: Quyết định đúng đắn nhất của đời tôi là không bắt con phải nghỉ học giữa chừng. Giờ gia đình tôi đã thoát nghèo, các con đều trưởng thành và có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm cha, làm mẹ.

 

Cách nhà anh Chính khoảng chừng hơn 1km là gia đình anh Nguyễn Duy Nghĩa, chị Nguyễn Thị Hường, thôn Cao Bạt Nam có con sinh ba là Nguyễn Duy Toán, Nguyễn Duy Toản, Nguyễn Duy Thị Thảo cùng đỗ đại học năm 2010. Điều đặc biệt là Toán, Toản, Thảo đều thi đỗ vào các trường có danh tiếng như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Tài Chính, trong đó Nguyễn Duy Toản đỗ thủ khoa, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Nghe tin các em đỗ đại học, có nhiều người ở trong Nam, ngoài Bắc đã liên hệ nhận đỡ đầu nhưng gia đình không đồng ý. Anh Nghĩa và chị Hường đều quyết tâm lo cho con ăn học nên người dù có khó khăn đến đâu. Sau khi các con nhập học, anh chị cũng khăn gói lên Hà Nội. Anh Nghĩa đi làm cho một công ty xây dựng. Chị Hường làm việc tại một quán cơm. Thương bố mẹ và cũng nhờ được rèn luyện tính tự lập từ bé nên cả Toán, Toản, Thảo đều đi gia sư phụ giúp bố mẹ trang trải học hành. Vừa học, vừa làm song thành tích học tập của các em rất cao. Hầu như năm nào các em cũng nhận được học bổng. Chính thành tích học tập của các con đã trở thành nguồn động lực giúp anh Nghĩa, chị Hường vượt qua những khó khăn vất vả trong công việc thường ngày. Anh Nghĩa chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, sống dựa vào cây lúa không đủ phải làm thêm nghề dệt nên ngay từ lớp ba các cháu đã tham gia giúp mẹ làm những công việc phụ nghề dệt. Thấu hiểu sự khó nhọc của nghề nông nên cả ba đều phấn đấu học tập tốt để mai sau có công việc ổn định. So với các gia đình khác, gia đình tôi may mắn hơn nhờ có sự hỗ trợ của anh, em trong gia đình. Tuy nhiên, để có được kết quả ngày hôm nay phải nói đến tính tự lập, tự giác mà gia đình tôi đã rèn luyện cho các cháu. Hiện nay, cả ba cháu đã ra trường, đều sở hữu tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và có công việc ổn định tại một số công ty lớn. Hạnh phúc với những người làm cha làm mẹ như chúng tôi thế là đủ.

 

Mỗi gia đình một cảnh, một cách giáo dục riêng nhưng tựu chung ở họ là sự hy sinh quên mình để nuôi dạy con học hành thành đạt. Bởi với anh Chính - chị Hạnh, anh Nghĩa - chị Hường, những đứa con là tài sản lớn nhất, là thành quả của cả một đời chắt chiu, làm lụng. "Thương cha xuôi ngược giữa dòng/ Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con”, đáp lại công lao của cha mẹ những đứa con đều chăm chỉ, rèn luyện, học tập thật tốt. Đó chính là những gia đình hiếu học tiêu biểu mà chúng ta cần học tập và noi theo.



Hoàng Lanh

  • Từ khóa