Thứ 3, 30/07/2024, 03:19[GMT+7]

Quốc tế thiếu nhi 1/6: Ngày tết của tình yêu thương

Thứ 2, 30/05/2016 | 08:35:41
1,180 lượt xem
Quốc tế thiếu nhi 1/6 luôn là ngày đặc biệt, được trẻ em mọi miền Tổ quốc háo hức mong chờ. Tôi vẫn còn nhớ như in niềm thích thú, vui mừng khi còn thơ bé, cứ tới dịp mồng 1/6 lại được nhận những túi bánh kẹo đủ sắc màu, đôi khi được bố mẹ đưa đi mua bộ quần áo mới và cứ đến buổi tối ngày này, lại đón đợi những chương trình ca nhạc đặc biệt trên tivi. Dường như đã qua bao nhiêu năm, cuộc sống đã hiện đại hơn nhiều, mà niềm hạnh phúc ấy vẫn luôn vẹn nguyên đối với các bạn nhỏ.

Cội nguồn ngày tết thiếu nhi

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1941 - 1945) có biết bao câu chuyện đau lòng đã xảy ra. Mà phải kể đến trong số ấy, rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Ðức bao vây ngôi làng Li-đi-xơ (miền Trung Cộng hòa Séc ngày nay). Chúng tàn sát dã man những người dân thường vô tội, trong đó, bắt giữ 104 em thiếu nhi vào các trại tập trung, 9 em bị đưa đi làm tay sai và đau xót khi có tới 88 em đã từ giã cuộc đời trong những phòng hơi độc.

2 năm sau, trong một cuộc bao vây khác của quân phát xít Ðức, lại có hơn 100 trẻ em bị phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Bởi vậy mà khi cuộc chiến tranh đã qua đi, tháng 12/1949, tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm là ngày Quốc tế thiếu nhi, nhắc nhở nhân dân trên toàn thế giới hãy ra sức hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Tết thiếu nhi tại Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng thương yêu trẻ em. Người dành tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy mà có lẽ chưa một dân tộc nào trên thế giới những lời ca dành cho vị lãnh tụ luôn vang lên bởi biết bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng lại ấm áp, dạt dào tình cảm như: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam".

Ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa bom đạn chiến tranh khốc liệt, giữa bộn bề công việc đất nước, Bác vẫn không quên gửi thư thăm hỏi, động viên các cháu thiếu nhi nhân ngày 1/6. Những bức thư chân thành, giản dị mà nồng hậu ấy, cho tới bây giờ, khi cuộc chiến tranh đã lùi xa vẫn luôn là tài sản vô giá của cả dân tộc Việt Nam, vẫn mang đau đáu một nỗi niềm vì thế hệ tương lai của đất nước.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở nước ta, ngày 1/6 đã chính thức được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ quốc. Vinh dự khi dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 1990, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên toàn thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng quan tâm tới việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em cũng như ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.

Ngày nay, cuộc sống đã đầy đủ hơn, tại các đô thị lớn, trong dịp Quốc tế thiếu nhi luôn có biết bao hoạt động vui chơi, giải trí, những chương trình văn nghệ hoành tráng, những phần quà bất ngờ dành tặng các em nhỏ. Ở những miền quê, hoạt động dành cho thiếu nhi nhân ngày 1/6 tuy chưa phong phú, đa dạng nhưng thế hệ thiếu niên, nhi đồng vẫn luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc không chỉ của gia đình, nhà trường mà từ cả các cấp lãnh đạo. Các em được tham gia các chương trình văn nghệ, cùng múa hát, vui đùa bên các bạn, được nhận những món quà tuy không lớn về giá trị vật chất nhưng là cả sự yêu thương, nâng niu của thầy cô, bố mẹ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một hiện thực đáng suy ngẫm. Dù trẻ em ngày càng có cuộc sống đủ đầy, thậm chí nhiều em được tiếp xúc với chương trình giáo dục hiện đại từ những nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Pháp... từ khá sớm. Nhưng, như một hệ quả của cuộc sống hiện đại, lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị chứng bệnh tự kỉ ngày càng gia tăng. Có những bậc cha mẹ, khi bác sĩ đã chẩn đoán con mắc chứng bệnh tự kỷ ở mức độ khá cao vẫn không tin đó là hiện thực, dẫn tới những kết cục đau lòng.

Những ngày hè đã tới, các em được nghỉ học nhiều. Thay vì giữ chân con bởi những trò chơi trên thiết bị điện tử thông minh như Ipad, Iphone... hay những chương trình tivi kéo dài từ ngày này qua ngày khác, mong rằng các bậc cha mẹ hãy dành nhiều hơn thời gian và sự quan tâm cho các con. Không phải những món đồ chơi đắt tiền, có thể cùng chuyện trò, cùng tập hát, cùng tham gia một hoạt động ngoài trời, tận hưởng cuộc sống ngập tràn niềm vui mỗi ngày bên những người thân yêu, đó mới là món quà ý nghĩa nhất nhân dịp Quốc tế thiếu nhi.

Em Bùi Huy Hoàng, phường Trần Hưng Ðạo, thành phố Thái Bình

Con đang học lớp 5 tuổi Trường Mầm non Hoa Hồng. Ðể chuẩn bị cho ngày 1/6, các cô cho chúng con tập văn nghệ, con rất thích múa hát cùng các bạn. Ngoài ra, chúng con được nghe kể chuyện, xuống sân trường tham gia các trò chơi. Con mong muốn bố mẹ sẽ tặng con nhiều sách vì con thích đọc sách và tặng cả áo mới nữa. Sắp vào lớp 1, con chúc các bạn học giỏi, nghe lời ông bà, bố mẹ.

Em Nguyễn Diệu Linh, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình

Những ngày này con rất vui. Ðến trường mầm non con được các cô chăm sóc, dạy học. Chúng con cũng được chơi nhiều trò chơi và múa hát, tập văn nghệ để biểu diễn nữa. Con thích nhất được nghe các cô kể chuyện và được xem múa rối nước, múa rối cạn. Sắp đến ngày Quốc tế thiếu nhi, vì con sắp vào lớp 1 nên con mong bố mẹ tặng nhiều đồ dùng học tập như cặp sách, bút viết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng

Ngày 1/6 luôn là ngày tết rất vui của các cháu thiếu nhi mà cả năm các cháu đón đợi. Ðối với Trường Mầm non Hoa Hồng, như mọi năm, nhà trường cũng phối hợp với các bậc phụ huynh để ngày tết 1/6 thực sự vui vẻ và đáng nhớ. Các cháu được liên hoan văn nghệ cùng các bạn. Ngoài ra các cô cũng dành nhiều món quà nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đây là những phần thưởng để động viên, ghi nhận sự cố gắng trong cả một năm học mà các con rất thích. Các bậc phụ huynh cũng đóng góp mua thêm đồ dùng học tập để các con có môi trường học tốt hơn. Nói chung, ngày tết thiếu nhi là một ngày rất vui và ý nghĩa không chỉ đối với học sinh mà còn với cả cha mẹ và thầy cô.

Anh Tú - Trịnh Cường

  • Từ khóa