Chủ nhật, 04/05/2025, 11:39[GMT+7]

Quê hương Thái Bình tri ân nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên

Thứ 6, 03/06/2016 | 20:15:59
6,758 lượt xem
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, Thái Bình nói riêng, thời kỳ nào cũng có những tấm gương nữ anh hùng. Tiếp nối những trang sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam các thời đại trước, trong thời đại Hồ Chí Minh, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, cũng là người con của quê hương Thái Bình - Nguyễn Thị Chiên - người phụ nữ “tay không bắt giặc” được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quố

Bác Hồ và các Anh hùng Chiến sĩ thi đua tại Việt Bắc năm 1952 (Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đứng thứ 5 từ trái qua). Ảnh tư liệu

Anh hùng Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 trong một gia đình cố nông tại xóm Trại Đồng, xã Tán Thuật (nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bố mẹ mất sớm, cuộc sống rất thiếu thốn, từ nhỏ, bà đã phải đi ở. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà trở về nhà làm ăn, được tuyên truyền giác ngộ cách mạng, hiểu rõ nguồn gốc sự cực khổ của người nghèo và người dân mất nước, bà đã hăng hái tham gia vào công cuộc kháng chiến ở quê hương.

Là người nhanh nhẹn và có chí khí, chị đã tham gia vào hoạt động du kích trong phong trào cách mạng ở địa phương, ngoài việc rải truyền đơn, thành lập và mở rộng hoạt động du kích, để rèn luyện tinh thần gan dạ, không chỉ hoạt động ban ngày, các chị còn hoạt động du kích ban đêm, làm quen dần với các loại vũ khí, từ dao, kiếm rồi đến súng, đạn, lựu đạn, mìn… các chị còn cùng anh em nam giới tham gia quấy rối và phá hủy các đồn bốt của địch.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Chiên làm giao thông viên cho đoàn thể phụ nữ xã, rồi sang đoàn thể du kích thôn, vào đoàn thanh niên, rồi sung vào du kích xã. Là một người rất chăm chỉ, chịu khó, chị được các chị em tín nhiệm, bầu làm Tiểu đội phó rồi làm Tiểu đội trưởng. Với những thành tích trong hoạt động cách mạng và được sự bồi dưỡng, giúp đỡ của chi bộ địa phương, Nguyễn Thị Chiên được vinh dự kết nạp vào Đảng, ở độ tuổi còn rất trẻ khi mới 18 tuổi.

Tích cực tham gia hoạt động du kích cùng các phong trào cách mạng ở địa phương, là người có tài tổ chức và lãnh đạo, bà đã lập nhiều thành tích trong việc gây dựng cơ sở, tranh thủ nhân dân xây dựng lực lượng, dìu dắt dân quân du kích, đoàn kết các ngành, các giới để tích cực kháng chiến và thực hiện những chính sách của Chính phủ trong hoàn cảnh địch càn quét và kiểm soát hết sức gắt gao và được bầu làm Trung đội phó, sau làm Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích xã. Vừa hoạt động vừa trưởng thành, là một chỉ huy kiên quyết và linh hoạt, Nguyễn Thị Chiên đã xây dựng và đưa đơn vị mình lập nhiều chiến công trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của chiến trường địch hậu.

Tự nguyện đến với cách mạng, tham gia du kích từ năm 16 tuổi, bằng lòng quả cảm, gan dạ, cách đánh, giữ bí mật và đánh địch đầy sáng tạo, chiến công đã liên tục đến với bà và bà trở thành du kích cừ khôi mà tiếng tăm không chỉ gói gọn trong huyện, trong tỉnh. Không còn thản nhiên và bỏ qua với trường hợp nữ du kích cách mạng có cái tên Chiên này, địch lùng sục tìm bà. Và tháng 4 năm 1950, trong một lần đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị địch bắt tại làng Rặng Thông (Cầu Trục, Kiến Xương), giam cầm hơn ba tháng trời. Hơn ba tháng giam cầm trong lao tù, bị đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi cách địch không moi được gì ở bà và không đủ chứng cứ để kết tội bà làm du kích. Giặc hết dụ dỗ, đến tra tấn dã man, song người nữ du kích gan dạ vẫn cắn răng chịu đau, kiên trung bất khuất không hề khai báo đầu hàng. Đó là sự thể hiện bản lĩnh của người nữ du kích gan dạ, kiên trung bất khuất không hề khai báo đầu hàng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, không nản trước sự uy hiếp của giặc. Những ngày ở lao tù này, bà nhớ nhất là những lần bị địch buộc tay chân bà vào một cây tre rồi đem vứt xuống sông. Vứt xuống sông chờ bà sắp chết, chúng lại vớt lên nhưng vẫn không moi được thông tin. Địch lại giả vờ đem bà đi bắn. Băng đen bịt mắt, tay chân buộc như tử tù, giặc nổ súng. Bà vẫn không sợ. Không khai thác được thông tin gì và không có chứng cứ buộc tội, cuối cùng, giặc phải thả bà ra.

Khi được thả, bà tiếp tục hoạt động du kích và gây dựng cơ sở du kích, luyện tập đánh du kích, rèn luyện du kích chiến, quấy rối địch… Từ năm 1951, khi Đảng, Chính phủ phát động phong trào thi đua sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ, bà cùng các chị em du kích đã hang hái tham gia và đạt nhiều kết quả. Tháng 10/1951, trong trận phục kích đánh địch trên đường 39, Trung đội du kích của bà phối hợp với bộ đội địa phương đã xông lên hoàn thành nhiệm vụ, địch giơ tay xin hàng, trung đội địch bị chết 2, bị thương 7, ta bắt sống nhiều tên địch và thu toàn bộ vũ khí địch. Riêng bà Nguyễn Thị Chiên đã bắn bị thương một số và bắt sống 3 tên địch. Trong một trận phục kích địch cuối năm 1951, Quân báo báo tin địch có gần 50 tên tiến về phía trung đội du kích của bà, bà Nguyễn Thị Chiên cùng anh em đã bố trí chờ giặc đến. Chính ở trận này, tay không mà bà đã bắt được tên quan hai Pháp.

Tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, mưu trí, lanh lợi của bà còn được thể hiện trong nhiều trận đánh du kích, phục kích địch. Đầu năm 1952, Trung đội du kích của bà được giao nhiệm vụ đánh vào một bốt An Bồi, với vai trò quân báo, thương binh và thu dọn chiến trường, bà cùng Trung đội du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trận này ta bắt sống 52 tên, giết 3 tên, bắn bị thương 7 tên, thu được 1 moc-chi-ê, 2 trung liên, 3 tiểu liên, nhiều súng trường, đạn dược, quân trang, quân dụng. Kiểm điểm trận đánh, Ban Chỉ huy khen bà Nguyễn Thị Chiên đã chiến đấu gan dạ, bình tĩnh, đã đưa được thương binh ra ngoài trong khi địch bắn rát, đã khám phá được súng đạn của địch và được khen thưởng.

Từ phận tôi đòi, đến với cách mạng cùng những đóng góp được ghi nhận, trong những năm trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến, xây dựng và chỉ huy Đội du kích, tham gia đánh địch chống càn, phá tề, diệt và bắt nhiều địch, bà Nguyễn Thị Chiên đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1952, bà Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ Nhất tổ chức tại Việt Bắc (từ 30/4 đến 6/5/1952). Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Chiên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một khẩu súng lục của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Cháu Chiên ước mong được một khẩu súng lục để chiến đấu, Bác thay mặt Chính phủ và đoàn thể sẽ cho cháu một khẩu súng lục". Đây là một phần thưởng cao quý không phải chiến sĩ nào cũng đạt được, điều này đã thỏa mong ước cháy bỏng của bà trong suốt quá trình hoạt động du kích. Kết thúc Đại hội, nữ chiến sĩ du kích Nguyễn Thị Chiên đã được bầu là Anh hùng Quân đội. Ngày 10/8/1952, Chủ tịch Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 107/QĐ tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho chị cùng 6 chiến sĩ thi đua của các ngành.

Năm 1953, Nguyễn Thị Chiên chính thức được gia nhập quân đội và về công tác tại Tổng cục chính trị và Quân khu Thủ đô. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương bà đã được giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân 4 huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội. Cũng sau đại hội năm ấy, người nữ du kích và anh sĩ quan phụ trách thi đua Vũ Anh Tài đã nên duyên chồng vợ và có một người con gái. Rồi cũng như bao lứa đôi áo lính khác, ông tiếp tục lên đường chống Mỹ, bà ở lại vừa công tác, vừa nuôi con và chống chọi với những cơn đau do vết thương bị giặc tra tấn để lại. Sau nhiều năm công tác, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, người nữ anh hùng ấy xin được nghỉ chế độ với quân hàm Trung tá, trở về với cuộc sống bình dị, đời thường bên con cháu. Mặc dù nghỉ chế độ, nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tham gia hội phụ nữ phường cùng các phong trào của tổ dân phố. Cuộc sống vốn không dư dả, song ông bà chưa từng vin vào công trạng của mình trước kia để có thêm sự quan tâm, thêm quyền lợi.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Ông Vũ Quang Tích, nguyên Phó Chỉ huy về chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình)

Tôi rất vinh dự và tự hào là người cùng quê với Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên. Thời chị Chiên là du kích của xã Tán Thuật, tôi là Chính trị viên một trung đội của Đại đội 25 huyện Kiến Xương và rất nhiều lần được gặp gỡ chị Chiên phối hợp huấn luyện dân quân tự vệ, trang bị vũ khí cho Trung đội nữ du kích xã Tán Thuật. Đồng chí là một nữ du kích có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, gan dạ, mưu trí, dũng cảm, bám dân, luôn yêu thương đồng đội, xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam hội tụ đủ các phẩm chất "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang". Là người được phong Anh hùng Quân đội đợt đầu tiên khi mới 22 tuổi, chị Nguyễn Thị Chiên không chỉ là niềm tự hào riêng của người dân xã Tán Thuật xưa (thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương ngày nay) mà còn là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Thái Bình, của dân tộc Việt Nam, được nhân dân trên thế giới biết đến. Sự ra đi của Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên là sự mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi mong muốn, thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay nói riêng, toàn thể người dân Việt Nam nói chung luôn phát huy tinh thần yêu nước, ra sức thi đua học tập, lao động, công tác góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bà Vũ Thị Nhạn, 86 tuổi, khu Tuyền Tuyến, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Là một trong nữ du kích tham gia hoạt động cùng với Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi nghe tin người Trung đội trưởng ấy đã ra đi mãi mãi, tôi rất bất ngờ khi vài tháng trước còn được gặp và hàn huyên cùng người chị cả ở Thủ đô Hà Nội. Trong ký ức về một thời tuổi trẻ hào hùng nhưng cũng rất gian khó của chúng tôi, khi đó, những cô gái mới chỉ ở độ tuổi mười tám đôi mươi nhưng đã rất hăng hái cầm súng, cầm liềm và tay không đánh giặc. Năm 1949, bà Chiên đứng ra thành lập và lãnh đạo Đội du kích làng Nê, với gần 40 người, chủ yếu là phụ nữ. Bà đã chỉ huy Đội du kích tham gia các trận đánh và lập nhiều chiến công. Riêng bản thân bà Chiên đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống nhiều tên địch.

Bà Trương Thị Tần, 77 tuổi, khu Quang Trung, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Đối với tôi, Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ phụ nữ học tập và noi theo về tinh thần anh dũng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Năm 1951, thành tích là nữ du kích tay không bắt giặc của bà Chiên, khiến chúng tôi vô cùng cảm phục và quyết tâm nối tiếp những thành tích vẻ vang đó. Chúng tôi đã thành lập Đội du kích 7 cô gái làng Nê, tích cực tham gia vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu, thực hiện tốt các phong trào "thanh niên 3 sẵn sàng", "phụ nữ 3 đảm đang", "chắc tay súng, vững tay cày", "giỏi việc nước, đảm việc nhà", góp phần cùng quê hương Thái Bình xây dựng những cánh đồng 5 tấn đầu tiên của miền Bắc và huy động lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nguyễn Hình - Minh Nguyệt  

  • Từ khóa