Thứ 2, 20/05/2024, 12:58[GMT+7]

Nhà báo - Doanh nhân: Chung tay xây dựng và phát triển đất nước

Chủ nhật, 19/06/2016 | 14:26:58
576 lượt xem
Sự phát triển của đất nước sau 30 năm đổi mới đã cho chúng ta thấy rõ: Nếu như báo chí là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, chính trị - xã hội thì doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ông Đỗ Văn Vẻ giới thiệu dây chuyền sản xuất bia Đại Việt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen. Ảnh: Thành Tâm.

 

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 845 cơ quan báo chí, gần 18.000 nhà báo với hơn 1.100 ấn phẩm báo chí đã tạo nên sức sống mới cho báo chí Việt Nam. Những thay đổi của đất nước chính là chất liệu, là nguồn gốc của quá trình đổi mới và phát triển báo chí. Bản thân đời sống xã hội đòi hỏi sự phát triển mới và báo chí đã biết chớp thời cơ tự khẳng định vai trò của mình. Các vấn đề kinh tế đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của báo chí. Báo chí đã thích ứng với cơ chế thị trường mà vẫn giữ được định hướng chính trị đúng đắn - là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, mang lại nhiều “món ăn tinh thần” mới, có ý nghĩa cho người đọc, người xem. Người dân và các doanh nghiệp đều đón nhận và vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo, sự đổi mới về  nội dung và tính phong phú, đa dạng của thông tin báo chí.

 

Quá trình đổi mới chính sách kinh tế - xã hội ở Việt Nam là cuộc đấu tranh gian khổ, đầy thử thách nhằm tạo ra những bước đột phá mới, đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðể thực hiện nhiệm vụ đó, vai trò của các doanh nghiệp và doanh nhân được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định, tôn vinh. Hơn ai hết, những người làm báo đã khích lệ, động viên và sát cánh cùng với các doanh nghiệp và doanh nhân mọi lúc, mọi nơi trong đổi mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nguồn thông tin quý giá của báo chí không chỉ ca ngợi, phản ánh một chiều mà còn đề cập đến những vấn đề bất cập, làm hạn chế nguồn lực, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, đòi hỏi các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Những tập thể, cá nhân điển hình được báo chí tôn vinh đã góp phần cổ vũ các doanh nghiệp và doanh nhân khắc phục khó khăn, vượt qua mọi rào cản trên con đường hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển bền vững. Ðó chính là những hình mẫu tốt mà các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ trao đổi, học hỏi, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của mình. Ðội ngũ doanh nhân cũng rất cầu thị khi cho rằng việc các nhà báo phát hiện, phê phán thậm chí lên án những đơn vị và cá nhân quản lý, lãnh đạo làm ăn kém hiệu quả, gây lãng phí xã hội và vi phạm pháp luật, làm sai chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước cũng rất cần thiết, đó là những lời cảnh tỉnh, răn đe có tác dụng tốt đối với các doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nhân cũng rất vui mừng khi trong những năm gần đây Hội Nhà báo Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thường niên tổ chức gặp mặt, đối thoại nhà báo với doanh nhân, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 

Tuy nhiên, thực tế của quá trình đổi mới đất nước sẽ xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới giữa kinh tế và xã hội, giữa các chính sách và tính khả thi, giữa người sử dụng lao động và người lao động hay mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các địa phương, các ngành… Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng phát hiện các mâu thuẫn mới nảy sinh đó và có lý trí sáng suốt để vượt qua. Bối cảnh đó phản ánh một hiện tượng không dễ, cần có những kiến thức đa diện về luật pháp, kinh tế, xã hội dựa trên những hiểu biết rõ ràng về những sự việc cần phản ánh. Như vậy, các nhà báo phải rất dày công nghiên cứu, điều tra thực tế kỹ lưỡng, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng, bất kỳ một hành động vội vã nào cũng có thể dẫn đến việc phản ánh, đưa tin thiếu khách quan, không xác thực. Nó gây tâm lý hoài nghi trong xã hội và làm mất đi niềm tin của con người, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

 

Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 kiểm tra chất lượng sản phẩm của Xí nghiệp May 10 Hưng Hà.

 

Nhà báo, cũng như hoạt động xã hội tác động vào dư luận rộng rãi bằng bài viết, hình ảnh, biểu thị quan điểm của mình về những hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp về công việc của các doanh nghiệp, doanh nhân. Ðiều đó đòi hỏi nhà báo có trách nhiệm trước người đọc, người xem, người nghe và khả năng hiểu biết trước sự xác thực của bằng chứng và hiện tượng. Ðó chính là sự kiểm chứng các tư liệu khoa học và khách quan, dân chủ, tôn trọng pháp luật. Rất mừng là trong những năm qua, lúc thuận lợi cũng như thời kỳ khó khăn, nhiều nhà báo đã đến với doanh nghiệp động viên, chia sẻ trách nhiệm với chúng tôi. Hơn ai hết, các nhà báo thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của người lao động và người lãnh đạo, quản lý. Qua thời gian tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy trong các yếu tố thuộc về tài năng của từng nhà báo, việc đi sâu vào tâm lý con người có ý nghĩa quan trọng. Khác với thời kỳ bao cấp, các nhà báo đã thấu hiểu, biết tìm đến lợi ích, nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người lao động. Về thực chất, mọi nội dung tuyên truyền đều tác động đến con người, cung cấp cho xã hội những thông tin cần thiết, động viên tích cực vào sự quan tâm đến thành quả lao động chân chính của các doanh nghiệp. Ðôi khi một vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp và doanh nhân thu gọn trong một bài báo không lớn, một phóng sự, điều tra ngắn lại gây một tiếng vang lớn trong xã hội và tác động mạnh mẽ đến dư luận. Có lẽ khác với nhiều lĩnh vực khác, các nhà báo và tờ báo là nơi doanh nghiệp, doanh nhân có thể gửi gắm những tâm sự cuộc đời, công việc sản xuất, kinh doanh với tất cả nỗi vui, buồn. Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến báo chí mà còn thu hút, chọn lựa làm bạn với nhiều nhà báo trung thực. Tình bạn đó là cuộc giao lưu không vụ lợi giữa những người bình đẳng, tin cậy lẫn nhau.

 

Ðể cuộc giao lưu với báo chí bền vững, lâu dài, nắm bắt và sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin  báo chí, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là ở chỗ thân tình, cởi mở mà cái chính là phải tuân thủ đúng luật pháp trong sản xuất, kinh doanh. Sự khuất tất trong làm ăn, vi phạm pháp luật thì không ai bảo vệ được mình. Bởi vậy, mở rộng giao lưu với báo chí, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm làm việc tốt hơn, chỉnh chu hơn trong cuộc sống, chỉ đạo sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, phù hợp với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những nhà báo chân thành luôn mang đến cho chúng tôi những thông tin sáng tạo và lời khuyên trung thực, chứ không phải là người bạn hời hợt thì cho nhau vật chất tầm thường. Mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp mãi là cuộc giao lưu chân thành, thẳng thắn, không vụ lợi giữa những người tiên phong, tôn trọng lẫn nhau trong thời kỳ mới. Với tinh thần đó, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp, doanh nhân coi báo chí là những người bạn cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 

Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, đồng thời là doanh nhân, tôi luôn dành niềm tin và sự yêu mến cho những người làm báo, luôn coi báo chí là nguồn tư liệu phong phú và quý giá để đấu tranh, phản biện và xây dựng, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, trong đó có lợi ích của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Xin chúc mối quan hệ giữa nhà báo - doanh nghiệp, doanh nhân luôn lành mạnh, đúng đắn vì lợi ích chung; chúc các nhà báo sức khỏe, thành đạt, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần động viên các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Doanh nhân Đỗ VĂN VẺ

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày