Thứ 7, 18/05/2024, 12:36[GMT+7]

Những người không ký tên tác phẩm

Chủ nhật, 19/06/2016 | 14:31:18
676 lượt xem
Ðọc một bài báo hoặc nghe, xem một chương trình phát thanh, truyền hình, độc giả, khán thính giả thường chỉ chú ý đến tên tuổi của những người trực tiếp tạo nên tác phẩm như phóng viên, quay phim, dẫn chương trình... Thế nhưng, có những người vẫn ngày ngày cần mẫn như những chú ong thợ, thầm lặng, chắt chiu những tinh túy góp sức cho nghề nhưng ít người biết đến. Ðó là cán bộ, kỹ thuật viên (KTV), nhân viên ở các khâu chế bản (báo in) và làm hậu kỳ (báo nói và báo hình).

Chế bản ấn phẩm Báo Thái Bình.

 

Hiện nay, Báo Thái Bình ra hàng ngày (7 số/tuần). Ðể có được những trang báo hấp dẫn, chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố, từ bài viết của phóng viên, cộng tác viên, đến khâu biên tập nội dung, lựa chọn ảnh, trình bày, soát lỗi… Ðể mỗi tin, bài, ảnh không chỉ nhanh nhạy, kịp thời, chất lượng mà còn phải giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo thì các khâu biên tập có vai trò đặc biệt quan trọng. Người biên tập không đơn thuần chỉ là sửa chữa câu từ, bảo đảm chính xác mà còn là tác giả thứ hai hoàn thiện, nâng tầm để có bài viết hay mà phóng viên đôi khi chưa “chạm” tới hoặc chưa thể hiện thành công.

 

Có tác phẩm hay, nhưng để tờ báo hấp dẫn thì phụ thuộc phần lớn ở khâu chế bản. Chế bản là khâu cuối cùng trước khi xuất bản nên phải bảo đảm chính xác tuyệt đối ở mỗi tin, bài, ảnh, kể cả việc sắp xếp tin, bài, ảnh ở vị trí nào trên một trang báo cũng phải tính toán kỹ vì thế biên tập viên, nhân viên Phòng Thư ký tòa soạn chịu áp lực rất lớn. Ðến cuối ngày, khi các bộ phận khác được nghỉ ngơi thì công việc ở bộ phận chế bản lại tăng gấp bội. Nhiều khi anh em đã hoàn thành trang báo nhưng có sự kiện đột xuất lại “bóc” ra làm lại từ đầu, rất vất vả. Ðặc biệt, trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, mọi người thường xuyên bị quá bữa, về nhà lúc 1 - 3 giờ sáng.

 

Tuy công việc thầm lặng, vất vả nhưng anh chị em Phòng Thư ký tòa soạn đều say nghề, có tinh thần tự học và hỗ trợ nhau trong công việc. Nếu một bản thảo hàng nghìn chữ chỉ in lên thông thường thì rất khó thu hút người đọc nhưng dưới bàn tay điêu luyện và con mắt kỹ thuật, mỹ thuật, các kỹ thuật viên chế bản đã sắp đặt cẩn trọng giữa hình ảnh và ngôn ngữ, biến những câu từ khô khan, những hình ảnh thô sơ thành một tác phẩm báo chí hoàn hảo, sống động, thu hút người đọc ngay khi cầm tờ báo trên tay. Gắn bó với nghề nên những kỹ thuật viên cũng trở thành những biên tập viên, không dừng lại ở việc sắp chữ điện tử hay sửa morat, họ có khả năng đánh giá tác phẩm, góp ý với biên tập viên và đôi khi còn sửa lỗi cho phóng viên nếu phóng viên có sơ ý viết chưa chuẩn. Nếu trước kia, các công đoạn sản xuất báo thường phải thực hiện qua nhiều khâu như sắp chữ điện tử, mi báo…, nhờ tích cực đổi mới quy trình sản xuất, đến nay thay vì trình bày maket trên giấy phòng chế bản thực hiện trình bày maket điện tử góp phần rút ngắn thời gian hậu kỳ. Các sự kiện nổi bật diễn ra ngày hôm trước đều được đăng tải kịp thời vào số báo ngày hôm sau, góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng Báo Thái Bình những năm gần đây.

 

 

Kỹ thuật viên Ðài PTTH Thái Bình dựng chương trình truyền hình.

 

Năm 2015, Ðài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Thái Bình phát sóng trên 25.500 tin, 2.900 phóng sự trên sóng truyền hình và 29.200 tin, 5.475 bài trên sóng phát thanh. Ðể có số lượng lớn tác phẩm, chương trình như trên, ngoài nỗ lực của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, phải kể đến vai trò quan trọng của gần 30 KTV. Phó Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình Phạm Tân Thanh cho biết: Ðể có 1 phút tin, phóng sự phát sóng thì KTV thường mất hàng chục phút, thậm chí có những phóng sự dựng 2 - 3 ngày mới xong. Một ngày liên tục phải xem, chọn lọc, cắt dựng rất nhiều hình ảnh, âm thanh nên đến cuối ngày hầu hết anh em trong phòng đều “hoa mắt, chóng mặt” nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, KTV vẫn luôn cẩn trọng, tỉ mỉ với từng đúp hình, giây tiếng động để không có sai sót dù nhỏ nhất. Có những người đã miệt mài lặng thầm đóng góp công sức nhiều năm qua như KTV Quang Minh, Quang Thắng, Minh Tươi, Thu Hà... Hơn 20 năm gắn bó với khâu hậu kỳ, KTV Phạm Quang Thắng chia sẻ: Sản xuất chương trình được coi là sáng tạo lần hai cho tác phẩm. KTV không đơn thuần là người cắt, ghép hình ảnh, âm thanh mà phải có tư duy của một phóng viên, con mắt của 1 nhà quay phim lại đòi hỏi sử dụng công nghệ thông tin thành thạo để kết hợp hình ảnh với âm thanh, kỹ xảo tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, góp phần chuyển tải nội dung một cách chân thực và sống động nhất và đẹp trong từng đúp hình.

 

Tương tự bộ phận kỹ thuật sản xuất chương trình, các KTV của bộ phận truyền dẫn phát sóng cũng miệt mài ngày này qua ngày khác trực phát sóng để chương trình có thể đến với khán, thính giả. Ngoài các kênh phát sóng của địa phương, Ðài PTTH Thái Bình còn vận hành hệ thống máy phát sóng các kênh truyền hình trung ương đặt tại tỉnh, vì vậy không kể ngày lễ, tết hay mưa bão, KTV luôn bảo đảm phát sóng 24/24 giờ và tuyệt đối an toàn sóng, không để xảy ra sự cố gây mất tín hiệu đường truyền.

 

 

Kỹ thuật viên Ðài PTTH Thái Bình dựng chương trình phát thanh.

 

Có những người chưa từng xuất hiện trên mặt báo, ống kính truyền hình, mặc dù công tác hàng chục năm, những KTV chưa từng được cầm thẻ nhà báo, những giải thưởng chưa từng được trao... nhưng tình yêu nghề báo vẫn luôn cháy trong tim mỗi người làm công tác hậu trường, hậu kỳ, để mỗi ngày, các cơ quan báo chí có thêm những tác phẩm hay, thiết thực phục vụ khán giả, nhân dân trong tỉnh.

 

 

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Phương, Phòng Thư ký tòa soạn Báo Thái Bình

 

Làm bộ phận chế bản, lại là phụ nữ, bản thân tôi gặp không ít khó khăn, vất vả. Cả ngày chỉ có đọc và dán mắt lên màn hình máy tính nhiều lúc cũng thấy  mệt mỏi. Nhiều hôm, giữa đêm mới hoàn thành công việc, lúc về đường vắng tanh, tôi cũng lo sợ, một chút chạnh lòng. Thế nhưng niềm vui có được là mỗi buổi sáng  cầm tờ báo trên tay với hình thức và nội dung ngày càng có nhiều đổi mới tôi lại thấy vui và phấn chấn bước vào một ngày làm việc mới.

 

Kỹ thuật viên Bùi Quang Minh, Phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình

 

Phần lớn thời gian làm việc của chúng tôi là ngồi trước màn hình máy tính, ti vi để dựng hoặc điều khiển máy quay, trường quay, thiết bị máy móc khác để sản xuất chương trình nên phải có tính kiên trì và yêu nghề mới làm được. Tôi cho rằng sự sáng tạo, đam mê, cống hiến của mỗi KTV góp phần rất lớn tạo nên sản phẩm báo chí hay, chương trình phát thanh truyền hình hấp dẫn khán giả.

 

Kỹ thuật viên Lê Văn Nam, Phòng Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình

 

KTV bộ phận kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thường xuyên phải trực ngoài giờ, trực đêm. Trong quá trình thực hiện phát sóng luôn phải tập trung cao, tuân thủ tuyệt đối nội quy, nguyên tắc phát sóng, chủ động xử lý mọi tình huống để bảo đảm an toàn sóng, do đó công việc tương đối áp lực. Tuy vất vả nhưng dần dần tôi càng thêm gắn bó, yêu nghề, mong muốn đưa các chương trình đến với khán, thính giả bằng chất lượng đường truyền tốt nhất.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày