Thứ 2, 28/04/2025, 12:54[GMT+7]

Để có phóng sự hay

Chủ nhật, 19/06/2016 | 14:42:14
4,834 lượt xem
Trong các thể loại báo chí, phóng sự là thể loại có khả năng diễn tả phong phú, thu hút độc giả trong quá trình phản ánh hiện thực và có sức chiến đấu cao nên Ban Biên tập Báo Thái Bình luôn chỉ đạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, định hướng cho phóng viên viết thể loại phóng sự. Trên thực tế, thể loại phóng sự luôn được các tòa soạn báo chú trọng và thể loại này chiếm vị trí mũi nhọn, trở thành “bài đinh” của mỗi tờ báo. Nhiều độc giả khi mở trang báo họ thường tìm đến nhữn

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Tiên Nữ. Ảnh: Thanh Thưởng

 

Thực tế cho thấy, các giải báo chí của tỉnh, hay của trung ương đa phần thể loại phóng sự chiếm ưu thế ở các giải cao. Song, để viết được phóng sự, đáp ứng được tính thời sự và trong tình hình mới đòi hỏi các phóng viên phải mày mò, công phu, vốn kiến thức rộng, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác thông tin… Thể loại phóng sự viết đã khó, song để đáp ứng được tôn chỉ, mục đích của báo Ðảng còn khó hơn, bởi khi viết chưa được “phóng bút” như một số báo “thương mại”. 

 

Với vai trò quan trọng và những khó khăn của thể loại phóng sự trên báo Ðảng, song Báo Thái Bình vẫn có những loạt bài phóng sự điều tra, phóng sự ghi nhanh, phóng sự ảnh, phóng sự ngắn, phóng sự phản ánh… đáp ứng tôn chỉ mục đích của tờ báo, biểu dương và có sức chiến đấu, phê phán, cổ vũ được các cấp, các ngành và độc giả đánh giá cao. Ðiển hình như phóng sự “Ðể nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng” đạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014; phóng sự “Nông thôn mới - Cách làm riêng của Thái Bình” là 1 trong 94 tác phẩm xuất sắc nhất đạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ X năm 2015, được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải vào tối ngày 21/6/2016 tại Hà Nội tới đây. Ngoài ra, Báo Thái Bình còn có nhiều phóng sự tác động tích cực đến đời sống xã hội như “Dân khát nước sạch - lãnh đạo không vội?”, “Vì sao hạt gạo “5 tấn” chưa có thương hiệu?” “Thất nghiệp sau đại học và bài toán hướng nghiệp”, “Tổ quốc nơi đầu sóng”. Khi các phóng sự này được đăng tải, Báo Thái Bình đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, nhờ có những phóng sự trên mà người dân hiểu rõ hơn về cuộc sống vất vả của những người lính nơi đảo xa, người dân sớm có nước sạch để dùng, các em học sinh, sinh viên định hướng lại nghề nghiệp…

 

 

Phóng viên Ðài PTTH Thái Bình tác nghiệp tại lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ IX.

 

Qua thực tiễn cho thấy, viết phóng sự khó nhưng không phải không làm được, nhất là trên báo Ðảng, bởi phóng sự không chỉ phản ánh những mặt tiêu cực mà ngay cả khi chuyển tải những chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước được thể hiện linh hoạt bằng thể loại phóng sự thì độc giả vẫn đón nhận tích cực. Ðể có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đòi hỏi mỗi người làm báo phải tự rèn luyện, học hỏi, đam mê và tâm huyết với nghề. Ðồng thời phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, cơ sở và chủ động, nhạy bén tìm ra những vấn đề xã hội đang quan tâm. Các thể loại báo chí nói chung, phóng sự nói riêng phải mang tính phát hiện, phản ánh được những vấn đề thời sự ở một thời điểm nào đó. Bên cạnh đó cũng cần phải “nuôi” chủ đề, theo dõi sát sao chủ đề đó trong thời gian dài để phản ánh xuyên suốt mà vấn đề đó diễn ra được thể hiện bằng loạt bài phóng sự đăng trên các số báo liên tiếp. Những thông tin được phản ánh phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục và tác động đến đời sống xã hội. Người viết phóng sự, ngoài cung cấp thông tin về sự kiện còn phải diễn tả sinh động sự kiện thông qua việc quan sát, thu thập được để bạn đọc cảm nhận được chính họ đang trực tiếp chứng kiến sự kiện đó… Phóng sự hay trước hết người làm báo phải phản ánh những vấn đề, sự kiện nóng bỏng mà ở đó có những mâu thuẫn dư luận đang quan tâm; giọng điệu phải linh hoạt, tùy thuộc vào nội dung của sự kiện để diễn tả có thể là mềm mại, cũng có thể là những ngôn từ đanh thép, sống động. Cái tôi của tác giả trong phóng sự là một trong những nhân chứng quan trọng nhất của sự kiện và được lột tả một cách sống động giúp độc giả cảm nhận được sự kiện đang diễn ra trước mắt mình.

 

 

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở.

 

 

Nhà báo Nguyễn Ðăng Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Ðài Phát thanh Truyền hình Hà Nam

 

Từ lâu phóng sự đã trở thành một phần không thể thiếu, đóng góp quan trọng cho việc cung cấp thông tin một cách toàn diện, sống động trên các loại hình báo chí. Vì vậy, để thể loại phóng sự trên báo chí có chất lượng, thu hút được độc giả, khán giả, ngoài năng lực của mỗi phóng viên theo tôi các cơ quan báo chí cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và cử phóng viên đi tham dự các lớp tập huấn, hội thảo ở các cơ quan báo chí về thể loại phóng sự. Ðồng thời phải có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp, khen thưởng xứng đáng với các tác phẩm xuất sắc và đứng ra bảo vệ phóng viên khi bị đe dọa. Ngoài ra, cần đổi mới công tác chế bản, bài phóng sự phải có ảnh tốt đi kèm, trình bày bắt mắt để góp phần nâng cao chất lượng cho bài phóng sự.

 

Nhà báo Nguyễn Thu Giang, Trưởng phòng Thông tin điện tử Ðài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh

 

Sau hơn 10 năm công tác, cho đến bây giờ trong đầu tôi vẫn còn không ít mơ hồ về câu hỏi: phóng sự thực chất là gì? Làm sao để có một phóng sự hay? Câu hỏi này có lẽ không chỉ của riêng tôi mà của rất nhiều nhà báo, bởi thể loại phóng sự rất phong phú, có thể diễn tả theo nhiều cách khác nhau mà tác giả gọi đó là thể loại phóng sự. Ðối với tôi bất cứ thể loại nào thì tác phẩm báo chí đó đều phải toát lên thông điệp và với phóng sự tôi thể hiện bằng những chi tiết, những câu chuyện, những sự việc chân thật và có tính khái quát. Các nhà báo có thể làm được những điều kỳ tích cho phóng sự của mình, không cứ phải theo quy luật nào cả, quy luật duy nhất nên theo đuổi đó chính là chinh phục được trái tim của khán giả, độc giả. Phóng viên thể hiện phóng sự thế nào thì thể hiện nhưng xem xong, đọc xong, người đọc, người xem phải có cảm xúc, đồng cảm với tác giả. Không nên câu nệ quá việc phóng sự mở đầu như thế nào, tiến triển như thế này và kết thúc như thế nào thì mới gọi là phóng sự.

 

Nhà báo Ngô Quang Thái, Báo Hải Phòng

 

Ðể có một bài báo hay khó một, có một phóng sự hay khó gấp hàng trăm lần. Do đó, khi viết phóng sự đòi hỏi mỗi nhà báo phải tâm huyết từ chọn đề tài, thâm nhập thực tế lấy thông tin đến cách thể hiện. Nếu người viết dễ dãi, khai thác những đề tài được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong khi không có cách thể hiện mới, ấn tượng và có thói quen “ăn xổi ở thì”, thì bản thân phóng sự đó sẽ “chết yểu” ngay từ bản thảo. Vì vậy, theo tôi để có phóng sự hay trước hết phải chọn đề tài độc, lạ, gai góc; chuẩn bị cho những chuyến đi khai thác thông tin tốt, khi tiếp xúc các nguồn tin lấy làm tư liệu nếu không cà kê theo kiểu “làm cùng, ăn cùng, ngủ cùng” thì chất lượng thông tin, tư liệu sẽ rất thấp; câu chữ thể hiện trên thể loại phóng sự linh hoạt; đặc biệt người viết phóng sự phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí cả tính mạng, tài sản.

 

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa