Thứ 6, 26/07/2024, 07:13[GMT+7]

Chăm lo gia đình chính sách và người có công

Thứ 4, 27/07/2016 | 08:27:00
731 lượt xem
Những năm qua, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn dành sự quan tâm kịp thời để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng được chăm lo chu đáo hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, qua đó phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Đại diện các cơ quan, đơn vị ở Quỳnh Phụ thăm, tặng quà đối tượng chính sách.

 

Những ngày giữa tháng bảy, chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Cuộc sống của các thương binh, bệnh binh nơi đây có nhiều đổi khác so với trước: phòng ở được xây mới, tiện nghi ngày càng đầy đủ với ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh; khuôn viên bên ngoài cũng sạch sẽ và thoáng mát hơn. Ông Lê Ngọc Luých ở xã Bắc Sơn (Hưng Hà), thương binh hạng đặc biệt sống tại Trung tâm đã vài chục năm. Ông bị cụt hai chân đến tận xương háng, vết thương sọ não phải nằm một chỗ, ngày nào ông cũng được cán bộ y tế, hộ lý đến phòng chăm sóc tận tình, chu đáo, giúp ông phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. 

 

Cùng với chăm lo sức khỏe, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho các thương binh, bệnh binh, việc chăm lo cuộc sống cho các gia đình chính sách cũng được tỉnh chú trọng. Trước năm 2014, gia đình bà Hoàng Thị Huê, vợ liệt sĩ Mai Văn Ước ở tổ 35, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình phải ở trong ngôi nhà ẩm thấp, thường xuyên mưa dột, ngập úng mỗi khi trời mưa. Năm 2014, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình bà được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới. Sống trong ngôi nhà khang trang, bà Huê xúc động tâm sự: Nhờ có sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, giờ đây gia đình tôi được sống trong ngôi nhà mới, không còn lo lắng khi mùa mưa bão về.

 

Những năm qua, bằng trách nhiệm và đạo lý thiêng liêng, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh chú trọng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho hơn 7 vạn đối tượng với tổng kinh phí trên 665 tỷ đồng; giải quyết chế độ cho 14 trường hợp là thân nhân liệt sĩ, 12 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, 833 trường hợp nhiễm chất độc hóa học; thẩm duyệt 4.870 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho người có công; giải quyết 1.560 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp một lần mai táng phí và trợ cấp một lần cho thân nhân người có công; giải quyết chế độ cho 39 trường hợp hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; huy động gần 7 tỷ đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện cùng với nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ 778 gia đình người có công thuộc nhóm ưu tiên số 1 sửa chữa, xây mới nhà ở…

 

Ông Bùi Công Nhan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thái Bình là một trong những tỉnh có số lượng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cao trong cả nước. Những năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai song có lẽ chưa bao giờ là đủ với những mất mát quá lớn mà chiến tranh đã để lại. Những di chứng của chiến tranh vẫn đang là vết thương sâu trong cộng đồng. Những con người đã một thời cống hiến, hy sinh rất cần nhận được quan tâm, sẻ chia từ phía những người như chúng ta, may mắn được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. 

 

 

Cán bộ y tế Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình kiểm tra sức khỏe cho đối tượng chính sách.

 

Một mùa tri ân nữa lại về. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công, các cấp, các ngành và mỗi người dân trong tỉnh đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Đây là nét đẹp, là đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

 

Ngoài các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh dành cho các thương binh, bệnh binh, những năm qua, Trung tâm luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các đối tượng được chăm sóc tốt nhất. Hiện nay, 26 đối tượng đang sống tại Trung tâm đều là thương binh, bệnh binh nặng, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhiều người phải dùng xe lăn để di chuyển, việc chăm sóc rất vất vả nhưng nghĩ đến những cống hiến, hy sinh lớn lao của các thương binh, bệnh binh, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc của mình.

 

(Ông Bùi Đình Tư, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng người có công)

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa