Thứ 4, 09/10/2024, 15:17[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả bão số 1

Thứ 5, 28/07/2016 | 09:07:25
1,822 lượt xem
Trước những thiệt hại do bão số 1 gây ra, hiện nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tích cực triển khai công tác khắc phục thiệt hại sau bão, đặc biệt là công tác tiêu úng bảo vệ diện tích lúa mùa mới cấy.

Khoảng 5.000ha lúa mùa của huyện Thái Thụy bị ngập úng.

* Thái Thụy 

Thái Thụy là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1. Từ 19 giờ 00 ngày 27/7 đến 3 giờ sáng ngày 28/8, bão số 1 đã đổ bộ vào huyện Thái Thụy với sức gió cấp 10, giật trên cấp 12, kèm theo mưa lớn, gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu của người dân. Theo thống kê thiệt hại ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện: Toàn huyện có nhiều mái nhà của dân nhân và trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước bị tốc mái tôn; khoảng 4.500ha lúa mùa bị ngập, trong đó có 2.000ha lúa bị ngập trắng; 1.200ha cây màu bị thiệt hại; một tàu cá bị hỏng máy và hỏng lái mắc cạn từ ngày 27/7 ven biển xã Thái Thượng; về hạ tầng điện có 50 cột điện trung thế và cao thế bị đổ, dây dẫn điện cao thế đường 10 kv bị đứt tại các xã Thụy Ninh, Thái Thịnh…

Thu dọn cành cây bị gẫy đổ do bão gây ra tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Trước diễn biến mưa bão ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các diện tích lúa mùa bị ngập úng, hiện nay, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung huy động phương tiện máy móc, khơi thông dòng chảy khẩn trương tiêu úng cho diện tích lúa mùa; xác định vùng úng trũng để khoanh vùng bơm tiêu kịp thời bảo đảm cho diện tích lúa mới cấy và gieo sạ. Đối với cây màu, hướng dẫn nhân dân khẩn trương ra đồng tháo nước nhanh khỏi mặt ruộng, tiến hành phun các chế phẩm như: ET, KH, Pennac P để giúp cây nhanh phục hồi. Theo ông Lê Ngọc Huyên, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện về công tác tiêu úng bảo vệ diện tích lúa mùa, Xí nghiệp đang vận hành Trạm bơm Hệ để tiêu úng cho một số xã huyện Quỳnh Phụ và các xã Thụy  Ninh, Thụy Chính, Thụy Duyên (Thái Thụy); vận hành Trạm bơm Thủy Nguyên tiêu cho các vùng đồng trũng xã Thái Hồng, Thái Thủy và một phần diện tích xã Thái Dương; mở tối đa các cống để tiêu qua đê.

Do ảnh hưởng của bão, từ 21 giờ tối ngày 27/7 đến 8 giờ sáng ngày 28/8, trên toàn huyện bị mất điện. Ông Bùi Xuân Tuấn, Giám đốc Điện lực Thái Thụy cho biết: Hiện nay, cán bộ Điện lực Thái Thụy đang tích cực khắc phục sự cố lưới điện, những đoạn nào có thể đấu nối được thì triển khai đóng điện cho nhân dân. Mục tiêu trước mắt, Điện lực Thái Thụy sẽ bảo đảm việc cấp điện cho các trạm bơm chúng úng trên địa bàn huyện để triển khai tiêu úng bảo vệ sản xuất. Đến 8h sáng ngày 28/7, Điện lực Thái Thụy đã đóng điện trở lại cho một số xã và thị trấn Diêm Điền. Đến hết ngày 28/7, cơ bản cung cấp điện cho khoảng trên 90% các địa phương trong huyện. Còn lại một số xã như Thái Thành, Thái Nguyên do có số lượng cột điện trung thế đổ nhiều, sẽ được triển khai dựng lại cột điện để cung cấp điện cho người dân phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

* Hưng Hà

Do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn huyện Hưng Hà đã có mưa to kéo dài với lượng mưa 163mm; Toàn huyện có trên 5.000ha lúa mùa và hoa màu bị ngập úng, trong đó trên 3.900ha lúa và hơn 1.400ha cây màu, cây ăn quả; 100 con lợn  và hơn 5.000 con gia cầm bị chết; 112m kè bị sạt lở; 108 cột điện và 3 cột ăng ten bị đổ. Có 1 nhà bị thiệt hại 70% trở lên; thiệt hại từ 50 - 70%: 11 nhà; thiệt hại từ 30 - 50%: 265 nhà. Trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người.

Vườn cây ăn quả tại xã Hồng An (Hưng Hà) bị ảnh hưởng do bão số 1

Trước tình hình trên, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khơi thông dòng chảy, tạo rãnh nước trong đồng, giải phóng đăng đó, vó bè trên các trục sông, tranh thủ mở các cống tự chảy và thực hiện các biện pháp kịp thời tiêu nước trên mặt ruộng bảo vệ diện tích lúa mùa và rau màu vụ hè thu. Trạm bơm Hà Thanh hoạt động từ 9 giờ 40 phút và Trạm bơm Minh Tân hoạt động từ 10 giờ 30 phút ngày 28/7. Dự kiến nếu thời tiết không tiếp tục mưa, đến hết ngày 29/7 huyện Hưng Hà sẽ bảo đảm tiêu xong nước. Cùng với tiêu thoát nước, huyện chỉ đạo các địa phương chủ động cắt tỉa cành và dựng lại cây cối bị đổ bảo đảm an toàn giao thông thông suốt; tổ chức giúp đỡ các gia đình chính sách trên địa bàn tu sửa nhà bị tốc mái, bị đổ; tiến hành vệ sinh môi trường, bảo đảm sinh hoạt của nhân dân nhanh chóng được khắc phục. 

* Tiền Hải

Theo thống kê sơ bộ đến 9 giờ ngày 28/7, sau bão số 1 huyện Tiền Hải không có thiệt hại về người, tuy nhiên tại các tuyến đường nhiều cây gục đổ la liệt, cơ sở vật chất trường học, nhà dân bị tốc mái; diện tích lúa mùa 100% bị ngập úng; diện tích nuôi thủy sản khoảng 4000 ha bị thiệt hại. Số phương tiện tàu thuyền bị chìm 83 chiếc; 573 chòi ngao bị hư hỏng, sập. Hệ thống đê, kè cống đoạn từ K21+640 đến K21+770 thuộc đê biển số 6 xã Nam Cường bị lở cục bộ chân đê; đoạn K11+850 đê biển số 5 xã Nam Thịnh bị lở dài 6m. 160 cột điện trung thế bị gẫy đổ làm nhiều khu vực mất điện. Hai cột phát sóng của mạng Vinaphone và Viettel bị đổ...

 

Sau bão, huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương tiến hành khẩn trương khắc phục hậu quả: Tuyên truyền đến nhân dân thực hiện tốt vệ sinh thu gom cây đổ tại các trục đường giao thông, tu sửa nhà cửa bị hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, các công trình công cộng..; chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy nông huyện phối hợp với các HTX khẩn trương mở các cửa cống tiêu nước kịp thời đối với diện tích lúa mùa, hoa màu. Đặc biệt chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện triển khai các giải pháp đối với sản xuất như cung ứng giống chuẩn bị gieo cấy lại đối với diện tích lúa bị chết do ngập úng. Tiến hành tu sửa các công trình thủy lợi, hệ thống đê, kè, cống dưới đê, sớm khắc phục hậu quả do bão gây ra ổn định đời sống của nhân dân.

* Thành phố Thái Bình

 

Cây đổ khu vực cầu Đen xã Vũ Phúc, gây ách tắc giao thông.

 

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, bão số 1 đã làm bị thương 2 người, ngập 100% diện tích lúa mùa, trên 400ha cây rau màu, 100ha hoa, cây cảnh; 2 nhà dân bị sập, hơn 200 nhà tốc mái, trên 9.000 cây đô thị bị đổ; hệ thống điện trang trí đô thị hư hỏng nặng.

Để khắc phục hậu quả sau bão, UBND Thành phố chỉ đạo các phòng, ban, Công ty Môi trường và Công trình đô thị tổ chức phát quang, thu dọn cành cây bị đổ ngang đường bảo đảm an toàn giao thông; các địa phương tập trung tiêu úng bảo vệ lúa mùa, hoa màu các loại.

Ngay sau khi bão tan, từ 3 – 4 giờ sáng ngày 28/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường phân công các đội, nhóm rà soát, kiểm tra tình hình thiệt hại sau bão để có phương án khắc phục. Tại cuộc họp khẩn cấp vào hồi 7 giờ 30 phút sáng ngày 28/7 bàn các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 1, Chủ tịch UNND Thành phố Nguyễn Ngọc Ý đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung thống kê những thiệt hại ở cơ sở và chủ động chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đồng thời, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân khẩn trương xử lý, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trong đó ưu tiên đối với các khu vực dân cư mật độ cao, các tuyến đường chính; lực lượng dân quân tự vệ cùng các đoàn thể tổ chức ra quân thu gom rác thải, làm vệ sinh tại các khu vực dân cư, hỗ trợ nhân dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; huy động thêm phương tiện, máy móc của các doanh nghiệp hỗ trợ các đơn vị của Thành phố khắc phục hậu quả cây gãy đổ, rác thải, nạo vét cống rãnh.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, do ảnh hưởng của bão số 1 trên địa bàn Thành phố đã có gió mạnh cấp 9, cấp 10 và mưa lớn làm ngập lụt, cuốn trôi nhiều diện tích cây cối hoa màu, hàng nghìn cây xanh bị gẫy đổ; hệ thống đường dây, cột điện, trạm biến áp bị thiệt hại nặng nề… Trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, các phòng, ban, các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách, đồng bộ để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị, Đội Thanh tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị đã huy động 100% quân số tiến hành cắt, thu dọn và dựng lại các cây gẫy đổ. Tổ chức khơi thông cống rãnh tiêu nước các khu vực úng ngập nên các tuyến đường úng ngập đã nhanh chóng được giải tỏa, bảo đảm ổn định cuộc sống, sinh hoạt và giao thông của người dân thành phố.

 

 

Anh Trần Văn Tuấn, Công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị cho biết: Trong điều kiện lượng rác thải đã tăng lên gấp nhiều lần bình thường, bao gồm cả rác sinh hoạt, rác lá cây, rác do người dân dọn nhà… nên ngay từ 5 giờ sáng, toàn bộ công nhân Công ty đã tham gia thu gom, dọn dẹp, vận chuyển rác thải ra khỏi thành phố. Công ty đã khẩn trương chặt hạ, tỉa cành, dọn dẹp cây ngã đổ, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông tại các tuyến đường chính, bảo đảm cơ bản xong trong ngày 28/7. Theo chị Lê Ngọc Hoa, người dân ở đường Trần Hưng Đạo thì chị cũng như nhiều người rất bất ngờ khi bão số 1 lại gây thiệt hại lớn như vậy. Tranh thủ sáng sớm, chị cùng các gia đình khác tập trung thu gom cành cây gẫy, dọn vệ sinh trước cửa nhà để xe của Công ty Môi trường vận chuyển sớm.

 

Giám đốc Điện lực Thành phố Phạm Ngọc Hào cho biết: Do bão to, với thời gian kéo dài đã làm nhiều đường dây trung thế bị đổ, trạm biến áp bị hư hỏng. Điện lực Thành phố đã khẩn trương huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên kiểm tra, nắm tình hình và thực hiện sửa chữa đường dây bảo đảm cung cấp điện cho những khu vực quan trọng, đặc biệt là các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập. Ngay trong buổi sáng, một số tuyến đường dây cấp điện cho các cơ quan, đơn vị quan trọng của tỉnh đã được cấp điện trở lại. Dự kiến đến 17 giờ ngày 28/7, khu vực nội thành và một số xã sẽ có điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, để sớm cấp điện trở lại phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, ngành điện rất mong nhận được sự quan tâm của các địa phương trong việc khắc phục sự cố, bảo vệ tài sản của các công trình điện, hệ thống dây dẫn, cáp điện, công tơ, máy biến áp; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công khắc phục sự cố lưới điện; xác nhận những thiệt hại để sớm được cấp kinh phí sửa chữa.

Hoa màu của nông dân xã Vũ Chính bị thiệt hại sau bão.

 

* Đông Hưng

Bão số 1 đã làm 10.000ha lúa mùa, 750ha cây màu hè, 450 cây lâu năm, gần 14.000 cây chuối và các loại cây khác, 46,7ha thủy sản bị đổ gẫy, dập nát và ngập lụt; 88 cột điện cao thế, hạ thế và 01 trạm biến áp, 51 cụm loa truyền thanh , 27 cột thông tin bị đổ gẫy; 51 phòng học và 935m2 mái tôn, tường bao của các trường học, trên 18.000m2 mái nhà, tường bao, vách chắn của các hộ dân, nhà xưởng của doanh nghiệp, trạm y tế, nhà văn hóa, 3 gian nhà bị tốc và bị sập; thiệt hại trên 2300 con gia súc, gia cầm.

 


Người dân Đông Hưng thu dọn cây đổ, gẫy sau bão.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng cho biết: Ngay sau khi bão tan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã gửi công điện số 06 yêu cầu các thành viên của Ban, các đồng chí lãnh đạo phụ trách cụm, xã đến ngay các xã, các đơn vị được phân công để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 1. Nhanh chóng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị giải tỏa cây đổ bảo đảm giao thông thông suốt. Tu sửa ngay các cột điện đổ gẫy để sớm cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là hệ thống điện cấp cho các trạm bơm tiêu úng. Kiểm tra và giúp đỡ các gia đình chính sách có nhà bị đổ hoặc tốc mái. Nhanh chóng giải tỏa dòng chảy, sử dụng các loại máy bơm dã chiến để bơm nước tiêu úng bảo vệ lúa mùa và hoa màu. Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại, chủ động chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả do bão gây ra.

 

Sau một đêm cơn bão quét qua, hầu hết các cây xanh trên các tuyến đường ở Đông Hưng bị đổ, gẫy; các lực lượng chức năng và bà con nhân dân đã tập trung thu dọn, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện. Các hộ dân cũng đã tập trung thu dọn, khắc phục nhà ở và các công trình phụ trợ bị hư hỏng.

 

 

* Lực lượng vũ trang tỉnh

Ngay trong sáng ngày 28/7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh huy động 100% quân số tham gia khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra tại cơ quan, đơn vị và cùng với các lực lượng chức năng giúp nhân dân tham gia thu dọn hệ thống cây xanh bị đổ, sửa chữa, khắc phục một số công trình nhà ở bị sập, tốc mái do bão, chống úng cục bộ đối với diện tích cây màu bị ngập úng. Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bệnh viện Nhi Thái Bình khắc phục thiệt hại do bão, tham gia tiêu độc, khử trùng tại một số khu vực bị ngập úng. Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia với quân số gần 7.400 đồng chí lực lượng thường trực và dân quân tự vệ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn, hải đội đóng quân trên địa bàn huyện Thái Thụy và Tiền Hải tổ chức kiểm tra, rà soát số phương tiện tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng đang neo đậu tại các bến, cảng cá trên địa bàn, số lượng chòi ngao bị hư hỏng do bão. Số lượng phương tiện, chòi ngao bị thiệt hại là 65 phương tiện, 30 chòi ngao. 5 giờ sáng ngày 28/7, đơn vị đã triển khai 2 ca nô 520CV cùng 15 cán bộ, chiến sĩ ra khu vực 1 tàu cá bị nạn trên biển Thái Thụy đưa 4 ngư dân vào bờ an toàn. Trong đêm ngày 28/7, các trạm kiểm soát biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, chốt tại các cửa sông, cửa biển để tuyên truyền, ngăn không để người và phương tiện ra khu vực bãi nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê ra khơi trong thời gian cấm biển. Trên toàn tuyến biên phòng, không để xảy ra thiệt hại về người.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia khắc phục hậu quả do Cơn bão số 1 gây ra tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

* Công ty Điện lực Thái Bình

Bão số 1 đổ bộ vào tỉnh Thái Bình với sức gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, kèm theo mưa lớn đã gây sự cố mất điện 4 đường dây 110kV, 28/28 đường dây 35kV, 76/76 đường dây 10kV. 100% các huyện, thành phố bị thiệt hại về tài sản, trong đó huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư bị thiệt hại nặng nề về hệ thống trạm biến áp, đường dây, cột điện…

 

Cột điện đường dây trung thế đổ hàng loạt.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty Điện lực Thái Bình đã khẩn trương triển khai tổ chức kiểm tra, xử lý sự cố trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị; ưu tiên những đường dây cấp điện cho các trạm bơm chống úng, các cơ quan, đơn vị quan trọng của tỉnh và các huyện, thành phố, với thời gian nhanh nhất. Đến 12 giờ ngày 28/7, đã khôi phục đóng điện 6/8 trạm biến áp 110kV, 11/28 đường dây 35kV, 5/76 đường dây 10kV. Tuy nhiên, tại hầu hết các huyện, thành phố vẫn chưa được cấp điện. Dự kiến, đến 17 giờ, khu vực nội thành và một số huyện sẽ có điện, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

 

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình khắc phục hậu quả sau bão.

 

 

Nhóm phóng viên 
  • Từ khóa