Thứ 4, 09/10/2024, 19:20[GMT+7]

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 1

Thứ 5, 28/07/2016 | 15:11:55
1,980 lượt xem
Đêm qua, cơn bão số 1 với gió mạnh và mưa lớn đổ bộ vào Thái Bình đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Ngày 28/7, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác tiêu úng tại Cống Lân, huyện Tiền Hải.

* Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng sau bão số 1 tại một số địa phương, đơn vị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 1 kèm mưa lớn với lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh gần 200mm, đồng thời làm gẫy nhiều hệ thống cột điện, gây mất điện dẫn đến không tiêu úng được tại nhiều trạm bơm. Đến 16 giờ ngày 28/7 đã có 10/21 trạm bơm lớn tiêu úng vận hành; ngoài các trạm bơm, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các công ty thủy nông bố trí lực lượng thường trực tại các cống để mở cống tiêu nước khi có thể.

Tại các nơi đến kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương tinh thần sẵn sàng ứng phó của ngành Nông nghiệp, đồng thời đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động tiêu nước phục vụ sản xuất.

Đồng chí động viên cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình trong việc khắc phục hậu quả sau bão số 1, mong tập thể Bệnh viện sớm khắc phục hậu quả, sửa chữa cơ sở vật chất, thay mới các trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân kịp thời.

* Rạng sáng 28/7, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra những thiệt hại do bão gây ra tại các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư và thành phố Thái Bình.  

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra những ảnh hưởng của cơn bão số 1 tại cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy.

Sau khi kiểm tra tại các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu  các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án cụ thể khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt cần chú trọng việc tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng cho diện tích lúa và hoa màu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu: ngành Điện lực tập trung sửa chữa hệ thống lưới điện bị hư hỏng, ưu tiên tại các trạm bơm để tiêu úng cho lúa mùa mới cấy và điều tiết nước cho hệ thống nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân ven biển; ngành Giao thông Vận tải huy động tối đa lực lượng, phương tiện tập trung cắt cành, thu gom cây bị  gẫy, đổ, đặc biệt tại các tuyến đường chính để đảm bảo an toàn  giao thông; các địa phương, cơ quan đơn vị chủ động khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng, bố trí lực lượng giúp người dân khắc phục những thiệt hại như tốc mái, đổ cây... góp phần làm giảm những thiệt hại do bão gây ra.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác khắc phục sau bão tại Trạm bơm Hậu Thượng (Đông Hưng).

* Sáng ngày 28/7, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đi kiểm tra công tác khắc phục sau bão số 1 tại Đông Hưng và Hưng Hà. Cùng đi có các đồng chí: Đỗ Xuân Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy;  Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh.

 

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác khắc phục sau bão tại xã Hồng An (Hưng Hà).

 

Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra Trạm bơm Hậu Thượng (Đông Hưng) và xã Hồng An (Hưng Hà). Tại các điểm đến kiểm tra, đồng chí ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại  chỗ” đã hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản do bão số 1 gây ra. Đồng chí yêu cầu chính quyền, các cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương cần khẩn trương khơi thông dòng chảy để bảo vệ lúa và hoa màu; các trạm bơm chủ động, sẵn sàng bơm tiêu nước ngay khi có điện; tranh thủ mở các cống tiêu nước để hạ mực nước trên các trục tiêu của hệ thống; huy động mọi lực lượng để cắt tỉa cành và dựng lại cây bị đổ, bảo đảm giao thông thông suốt; đôn đốc, hướng dẫn nhân dân khẩn trương thu dọn, vệ sinh môi trường; tổ chức các lực lượng giúp đỡ các gia đình thiệt hại trong cơn bão, nhất là với các hộ gia đình chính sách, neo đơn, không nơi nương tựa, góp phần khắc phục hậu quả cơn bão số 1 nhanh chóng, hiệu quả.

* Sáng ngày 28/7, các đồng chí: Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 1 tại huyện Quỳnh Phụ. 

Các đồng chí: Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 1 tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ, đêm ngày 27/7 rạng sáng ngày 28/7, địa bàn huyện Quỳnh Phụ xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được gần 100mm; lúc 5 giờ sáng 28/7, mực nước đo được tại Trạm Yên Lộng(thị trấn Quỳnh Côi) 90mm, đập Neo 47mm, Trạm bơm Cao Nội 120mm, Trạm bơm Đại Nẫm 87mm; làm ngập 1.200ha rau màu, 1.000ha lúa mùa vừa cấy, trong đó có 150ha ngập sâu, 15ha chuối bị đổ, 10 phòng học bị tốc mái, 10 cột điện gãy đổ, không có thiệt hại về người. 

Lực lượng vũ trang huyện Quỳnh Phụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 1.

Sau khi kiểm tra, nắm bắt tình hình tại Trạm bơm Quỳnh Hoa, xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hải, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng của địa phương trong công tác chủ động phòng chống bão số 1, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng huyện Quỳnh Phụ thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm lực lượng ứng trực 24/24 tại các trạm bơm, cống qua đê, các địa điểm xung yếu, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu và sự cố xảy ra. Triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi… đang thi công; tập trung khơi thông dòng chảy, kịp thời tiêu úng bảo vệ lúa và hoa màu cho nhân dân; có phương án hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình có nhà ở tạm, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân. 

Người dân thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ)thu dọn cây đổ sau bão.

* Chiều ngày 28/7, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình thiệt hại sau bão số 1 của Công ty TNHH Liên Hạnh (Cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư), Nhà máy Chế biến hạt giống chất lượng cao Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (xã Vũ Chính, Thành phố), Công ty TNHH Minh Long (Khu công nghiệp Tiền Hải). Cùng đi có đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thiệt hại sau bão số 1 tại Công ty TNHH Liên Hạnh.

Cơn bão số 1 đã khiến Công ty TNHH Liên Hạnh bị tốc mái hai nhà xưởng, hư hỏng 600 tấn cám, 400 tấn thóc, dự tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhà máy Chế biến hạt giống chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình bị ảnh hưởng 700 tấn thóc giống, hệ thống cột điện bị đổ gãy gây mất điện phải dừng sản xuất. Công ty TNHH Minh Long bị tốc hơn 6.000m 2 mái nhà xưởng, hư hỏng 3.500 bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh, 2,700 bộ bán thành phẩm, tổng thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Hiện tại các doanh nghiệp đang huy động nhân lực, máy móc khắc phục hậu quả bị thiệt hại sau bão.

 Nhà máy Chế biến hạt giống chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tập trung khắc phục hậu quả sau bão.

Sau khi thăm thực tế các khu nhà xưởng, kho chứa của các doanh nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh động viên, chia sẻ các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, tập trung huy động cán bộ, công nhân viên thu dọn nhà xưởng, kho chứa, hàng hóa bị hỏng, nhanh chóng khắc phục hậu quả của cơn bão. Đối với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cần chủ động trong công tác chuẩn bị giống để cung cấp kịp thời cho các địa phương bị thiệt hại sau bão cho kịp thời vụ. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành sớm có báo cáo thẩm định về tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp để tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.

* Sáng ngày 28/7, ngay sau khi cơn bão số 1 suy yếu, các đồng chí: Vũ Đức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hiền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư và lãnh đạo các ban, ngành của huyện đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc các biện pháp phục hậu quả bão số 1 tại huyện Vũ Thư.

Đồng chí Vũ Đức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chỉ đạo công tác hỗ trợ tìm kiếm lồng cá bị trôi dạt trên sông Hồng của nông dân xã Vũ Đoài.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, cơn bão số 1 gây hậu quả rất nặng nề, cụ thể: 3 người bị thương (gãy chân, tay), 50m đê dân cư và 100m đê bao vùng màu bị sạt lở, 35 phòng học bị tốc mái, 2 phòng học bị đổ, 15.000m2 mái tôn, mái ngói, prô xi măng nhà ở, chuồng trại bị tốc, 2.250m2 tường dậu bị đổ, 25 cột điện cao thế bị gãy đổ, 2.500m dây điện bị đứt, 1 trạm biến áp, 1 cột viễn thông, hàng ngàn cây xanh bị đổ, gây cản trở, ách tắc giao thông nhiều tuyến đường. Hệ thống điện lưới bị hư hỏng nặng và đến chiều ngày 28/7 địa bàn huyện vẫn mất điện. Ngoài nhiều công trình hư hỏng, thiệt hại về sản xuất do cơn bão số 1 gây ra trên địa bàn huyện Vũ Thư rất lớn với 7.500/8.100 ha lúa mùa bị ngập úng, trong đó 5.000 ha lúa bị ngập nặng, 1.650 ha cây màu bị dập nát, 700 ha hòe, 253 ha dâu tằm bị gãy, đổ, dập nát cây. Đặc biệt, cơn bão số 1 với sức gió mạnh, lượng mưa lớn đã làm trên 100 lồng cá nuôi trên sông Hồng, sông Trà Lý của nông dân Vũ Thư trôi dạt, mất tích hoặc bị quăng, quật làm chết cá, thiệt hại ban đầu ước tính trên 500 tấn cá, trị giá hàng chục tỷ đồng.

 

Lãnh đạo huyện Vũ Thư chỉ đạo triển khai giải tỏa cây cối gãy đổ, tạo thuận lợi cho giao thông.

Sáng sớm ngày 28/7, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang huyện được huy động hỗ trợ các địa phương giải tỏa cây cối gãy, đổ, thu dỡ các công trình bị tốc mái sập đổ ở ven đường để đảm bảo an toàn giao thông. Khó khăn hiện nay là toàn bộ hệ thống điện bị mất khiến việc vận hành các máy móc, trạm bơm, phương tiện hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão không thực hiện được.

Ngay sau khi nắm bắt sơ bộ tình hình thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra, đồng chí Vũ Đức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Thư trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra tại trang trại nuôi cá lồng của nông dân xã Vũ Đoài, Duy Nhất. Đồng chí chỉ đạo huyện tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực hỗ trợ các gia đình tìm kiếm, trục vớt các lồng cá, nỗ lực khắc phục giảm bớt thiệt hại do bão gây ra; huyện và các xã, thị trấn cần tập trung lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục đảm bảo chỗ ở an toàn; triển khai khẩn trương các biện pháp chống úng, nhất là các vùng úng trọng điểm kịp thời để đảm bảo an toàn cho 7.500 ha lúa bị ngập úng.

Lực lượng công an huyện Vũ Thư hỗ trợ giải tỏa cây cối gãy đổ, vật cản đảm bảo an toàn giao thông.

* Sáng ngày 28/7, các đồng chí: Hà Công Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 1 tại huyện Kiến Xương.

 

Đồng chí Hà Công Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện Kiến Xương kiểm tra công tác chống úng tại Trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương: bão số 1 không gây thiệt hại về người, có 3 trường hợp bị thương; hàng trăm nhà tạm bị đổ và làm tốc mái tôn của nhiều hộ dân, cơ quan, xí nghiệp, trường học; toàn huyện có trên 120 cột điện, cột phát sóng điện thoại bị đổ, gẫy; 1 tàu bị chìm; kè Bình Trật, kè Đồng Xâm bị sạt, tụt; với lượng mưa lớn, 9.000/11.400ha lúa mùa, 1.200ha hoa màu hè thu và 1.170ha nuôi trồng thủy sản đã bị ngập úng nặng.

 

Đồng chí Hà Công Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện Kiến Xương kiểm tra diện tích lúa bị ngập tại xã Quốc Tuấn. 

 

Sau khi nghe lãnh đạo huyện Kiến Xương báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra và kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đồng chí Hà Công Toàn và đồng chí Phạm Văn Xuyên yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện khẩn trương phân công nhiệm vụ cho các thành viên xuống cơ sở nắm bắt chính xác mức độ thiệt hại, kịp thời báo cáo về tỉnh đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng giải tỏa tất cả các tuyến giao thông bảo đảm thông suốt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và công tác khắc phục sau bão; tiến hành di dời tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn, tránh gây thiệt hại cho các công trình cầu, cống và cản trở giao thông thủy, gây ách tắc hệ thống sông trong quá trình tiêu úng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với ngành Điện lực, các địa phương tổ chức ngay phương án tiêu thoát nước nội đồng, giải tỏa dòng chảy chống úng nhanh nhất cứu lúa, hoa màu và thủy sản để giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp đến mức thấp nhất; xác định những diện tích lúa mùa có khả năng chết do ngập úng để chỉ đạo, tổ chức cho nông dân chuẩn bị giống gieo mạ cấy thay thế ngay, không để ruộng bỏ hoang vì lúa chết; các ngành điện lực, viễn thông tổ chức khắc phục sự cố, nhanh chóng cấp điện và dịch vụ thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục sau bão và nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp, trường học huy động nhân lực thu dọn đổ nát, khắc phục thiệt hại để duy trì sản xuất và đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Ngành Y tế tăng cương tuyên truyền và cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn, tổ chức cho các các cơ quan, đơn vị, hộ dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường tránh ô nhiễm dẫn đến phát sinh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Các công việc khắc phục thiệt hại sau bão số 1 đang được huyện Kiến Xương triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

 

 
Nhóm phóng viên  và CTV
 
 

  • Từ khóa