Thứ 7, 05/07/2025, 23:43[GMT+7]

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Thành phố: Ấm tình người trong đau thương và quyết tâm vượt khó

Thứ 6, 05/08/2016 | 08:17:25
1,095 lượt xem
Với truyền thống "Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm" vì nạn nhân chất độc da cam, ngay từ khi mới ra đời, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin thành phố Thái Bình đã xác định chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên. Các cấp hội của thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các đoàn thể chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà nạn nhân chất độc da cam phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình. Ảnh: Trung Thịnh

55 năm đã qua, cứ đến những ngày đầu tháng 8 hàng năm là cả dân tộc ta lại nhớ đến một kỷ niệm đau thương: ngày 10/8/1961, lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã cho máy bay rải chất độc hóa học xuống những cánh rừng già vùng Bắc Tây Nguyên nhằm làm cho cây rừng trụi lá, chết khô, bộ đội không còn chỗ trú quân, sinh hoạt, buộc phải quy hàng. Trong vòng 10 năm, tính đến cuối năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam chứa 336kg Điôxin) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu héc-ta, trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu là nạn nhân. Hiểm độc nhất là CĐDC không đánh gục con người một cách tức thì mà thực hiện "chung sống hòa bình" với cơ thể những năm đầu, sau một thời gian mới "chui sâu, leo cao", đánh gục từng bước, tiến tới tiêu diệt sự sống. Hàng vạn bà mẹ đã phải chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp khi sinh ra những đứa trẻ dị dạng, dị tật, không có hình hài của sự sống.

Trong nỗi đau da cam của cả nước, Thái Bình là một trong những tỉnh phải hứng chịu hậu quả hàng đầu. Khi Tổ quốc lâm nguy, hàng vạn con em Thái Bình đã tình nguyện cầm súng ra mặt trận. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ trên dân số của tỉnh đứng ở hàng cao nhất miền Bắc: mặc dù chỉ chiếm 2,3% dân số cả nước (2/90 triệu người) nhưng chiếm tới 4,3% số liệt sĩ của cả nước (51.000/1.200.000), 4% thương binh (32.000/800.000), 5% bà mẹ Việt Nam anh hùng (5.000/117.000), 6% nạn nhân CĐDC (21.000/360.000).

Riêng trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện có 2.377 nạn nhân CĐDC đã được hưởng trợ cấp, trong đó có 330 cháu là nạn nhân gián tiếp. Thực ra, số người bị nhiễm CĐDC phải gấp nhiều lần số đã được hưởng trợ cấp. Thật đau lòng khi 198 nạn nhân CĐDC đã phải từ giã cõi đời khi mới trên dưới 60 tuổi. Phần lớn gia đình các nạn nhân CĐDC đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật. Chứng kiến tận mắt những nạn nhân CĐDC điển hình, ai cũng phải thốt lên: Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ và bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Đến với nạn nhân CĐDC là đến với nỗi đau tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây, tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam "Thương người như thể thương thân" được thể hiện rõ nhất. Cũng chính ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm, trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh.

Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội, nhân đạo, có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 6/8/2005, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin thành phố Thái Bình được thành lập. Đây là hội nạn nhân CĐDC/Điôxin cấp huyện đầu tiên được thành lập của cả nước. Khi mới thành lập, Hội có hơn 700 hội viên, 13 hội phường, xã; đến nay Hội có 2.377 hội viên, 19 hội phường, xã, 125 chi hội. Đội ngũ cán bộ hội hầu hết được tôi luyện và trưởng thành qua kháng chiến, có uy tín xã hội. Nét đặc thù của Hội là 100% hội viên là người có công, được hưởng sự "Đền ơn đáp nghĩa" của xã hội. Ngoài ra, Hội thường xuyên chăm lo động viên, giáo dục hội viên làm tròn trách nhiệm công dân, vượt qua mặc cảm, vươn lên khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực công tác. Đã xuất hiện nhiều nạn nhân là tấm gương tiêu biểu trên địa bàn dân cư như ông: Trần Văn Lại (phường Phú Khánh), Phạm Văn Bắc (phường Trần Lãm), Phạm Văn Thắng (xã Đông Thọ), Đinh Văn Hán (phường Hoàng Diệu), Mai Thanh Thuần (xã Vũ Phúc), cháu Nguyễn Thị Bình (xã Vũ Lạc), cháu Phạm Thị Hồng (phường Lê Hồng Phong)...

Với truyền thống "Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm" vì nạn nhân CĐDC, ngay từ khi mới ra đời, Hội đã xác định chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên. Các cấp hội của thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các đoàn thể chung tay giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Qua hơn 10 năm, đã có 23 gia đình nạn nhân được hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa nhà ở, hơn 3.600 lượt nạn nhân được tặng quà, 1 nạn nhân được phẫu thuật chỉnh hình, 1 nạn nhân được mổ tim bẩm sinh, 45 con nạn nhân được dạy nghề, hàng trăm cháu dị dạng, dị tật được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; 550 nạn nhân được khám bệnh, cấp thuốc đông y miễn phí trị giá gần 100 triệu đồng; 141 nạn nhân được tẩy độc tại trung tâm của Tỉnh hội. Số dụng cụ sinh hoạt tặng cho các nạn nhân có: 3 giường, 1 máy giặt, 54 xe lăn, xe đẩy, 108 quạt bàn, quạt cây. Số quà và tiền trợ giúp nói trên trị giá gần 1,6 tỷ đồng.

Ghi nhận hiệu quả hoạt động của Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin thành phố Thái Bình, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đã trao tặng 6 bằng khen; Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tặng bức trướng; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tôn vinh Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin thành phố Thái Bình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua hoạt động nhân đạo.

Trần Kim Dung
(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa