Thứ 4, 31/07/2024, 13:31[GMT+7]

“Bắc Kỳ con” và nẻo đường hướng thiện

Thứ 2, 29/08/2016 | 08:39:00
2,171 lượt xem
Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt thư sinh, tính tình “hiền khô”, ít ai nghĩ Phạm Văn Hướng từng một thời ngang dọc với biệt danh “Bắc Kỳ con” và không ít lầm lỗi. Hành trình trên nẻo đường hướng thiện của chàng trai trẻ gặp nhiều gian truân nhưng nghị lực và lòng quyết tâm đã giúp anh tìm lại chính mình.

Anh Hướng và bố thường trực tiếp thực hiện các khâu sản xuất kỹ thuật cao.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê Mỹ Bổng, xã Việt Hùng (Vũ Thư), năm 2001, khi chưa tròn 20 tuổi, Phạm Văn Hướng vào Thành phố Hồ Chí Minh với mơ tưởng về một miền đất hứa. Tuổi trẻ bồng bột, ham chơi, Hướng bị bạn bè lôi kéo, thường xuyên tụ tập ở các tụ điểm ăn chơi rồi nhanh chóng trở thành bảo kê cho đường dây kinh doanh gái gọi, cho vay nặng lãi... Trong một lần ở vũ trường Phi Thuyền, nơi quy tập của dân "xã hội đen" Sài Gòn hồi đó, Hướng bị ép phải hạ gục được Thuận "chân to" - một thủ lĩnh tên tuổi của băng nhóm đối địch. Vốn ham mê và cũng có số vốn kha khá về Karatedo, Hướng lặng lẽ đi về phía Thuận, dùng đòn độc đánh trúng gáy đối thủ khiến Thuận gục ngã trong chớp mắt. Sau trận đó, Hướng được đàn anh, đàn chị để mắt đến, cất nhắc lên vị trí cao hơn và bắt đầu lao vào những trận chiến đẫm máu để tranh giành địa bàn làm ăn. Kể từ ngày lên làm đại ca, Hướng nuôi tóc dài, vóc người nhỏ nên biệt danh "Bắc Kỳ con" cũng nổi lên từ đó. Tiền và quyền lực ảo khiến Hướng càng ngày càng trượt sâu vào con đường tội lỗi. Nhớ lại, Hướng trầm ngâm: Lúc bấy giờ, trong đầu tôi đâu có khái niệm về luật pháp, chỉ nghĩ rằng ai mạnh thì người ấy sống mà thôi... Cuối năm 2002, sau lần thoát chết trong gang tấc vì chính huynh đệ của mình đồng thời suýt phải vào tù, Hướng mới giật mình biết sợ và chiêm nghiệm lại giá trị của cuộc sống. Ðược một người bạn già chân tình khuyên nhủ, Hướng quyết định từ bỏ con đường lầm lỗi, làm lại cuộc đời.

Hướng bắt đầu từ hai bàn tay trắng, làm thuê làm mướn để mưu sinh. Năm 2004, khi đang bốc dỡ hàng thuê ở cảng, Hướng gặp người bạn cũ giúp đỡ kinh doanh hàng từ Nhật Bản về Việt Nam. Gặp những con người tốt, Hướng cắt tóc ngắn, quyết tâm từ bỏ Sài Gòn.

Về quê hương, phải đối mặt với những lời đàm tiếu, dị nghị của người làng, Hướng buồn nhưng không nản. Nhận thấy thời điểm đó miền Bắc rất hiếm khu vui chơi và đồ chơi cho trẻ em cộng với chút nghề học lỏm từ lúc làm công nhân trong xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hướng quyết định thử làm. Nguyên vật liệu phải trực tiếp vào Sài Gòn tìm mua. Hướng tự mình đắp thạch cao và xốp làm mẫu khuôn. Loay hoay mãi, cuối cùng Hướng cũng sản xuất được con thiên nga bằng composite đầu tiên, khá đẹp. Làm ra sản phẩm rồi nhưng không biết bán cho ai và giá bao nhiêu, Hướng cơm nắm muối vừng một tuần ở công viên Vị Xuyên (Nam Ðịnh), nơi có dịch vụ vui chơi trẻ em để tìm hiểu tâm lý, sở thích của trẻ, nhu cầu của các chủ kinh doanh và chào hàng sản phẩm. Con thiên nga đầu tiên được khách trả giá cao đến nỗi chính Hướng phải bất ngờ, sung sướng. Say mê làm, mỗi ngày chỉ ngủ vài ba tiếng, trong vòng một năm anh sản xuất được 20 con thú nhún mắc vào các bộ đồ chơi đu quay ở công viên. Năm 2005, được xã tạo điều kiện cho thuê đất 5%, Hướng vay mượn thêm vốn liếng, mở một cơ sở sản xuất đồ chơi nhỏ gần nhà, thuê thêm lao động, vừa dạy nghề cho họ vừa trực tiếp đảm nhận các khâu đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngoài sản xuất, anh còn nhận bảo dưỡng thiết bị đồ chơi cho các doanh nghiệp, đồng thời tranh thủ thời gian buổi tối kinh doanh dịch vụ vui chơi trẻ em ở các khu vực trung tâm.

Trải qua nhiều thăng trầm, từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, Phạm Văn Hướng đã thành lập được công ty riêng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty của Hướng hiện có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều lô sản phẩm đã được xuất sang những thị trường khó tính như Cộng hòa liên bang Ðức, mỗi năm thu lãi vài tỷ đồng. Chia sẻ bí quyết thành công, Hướng cho rằng, yếu tố đầu tiên là phải thực sự đam mê; ngoài ra, người sản xuất phải thực sự am hiểu trẻ nhỏ để làm ra những sản phẩm thực sự phù hợp với tâm lý, sở thích của trẻ chứ không dùng con mắt của người lớn để thay bằng cái nhìn của trẻ.

Trong phòng khách, Hướng bày nhiều đồ lưu niệm độc đáo mà mỗi lần vấp ngã, thất bại anh mua để ghi dấu lại. Thấy số đồ vật cũng đã nhiều lên, anh càng tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bố anh, ông Phạm Văn Tấn chia sẻ: Thay vì những tháng ngày lo lắng, thấp thỏm vì con trước kia, giờ đây, gia đình và làng xóm đều thấy mừng cho Hướng. Nẻo đường hướng thiện với những trái tim nhân ái đã giúp Hướng tìm lại chính mình và thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa