Chủ nhật, 11/08/2024, 12:26[GMT+7]

Tìm sân chơi cho trẻ

Thứ 5, 08/09/2016 | 09:19:43
5,697 lượt xem
Tìm sân chơi cho trẻ không phải là vấn đề mới song lại được coi là câu chuyện muôn thuở. Khi đời sống ngày càng nâng cao, những sân chơi thực sự bổ ích và lành mạnh cho con trẻ đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục.

Cô và trò Trung tâm Ngoại ngữ Better Language & Skill tận dụng bãi cỏ tại Quảng trường 14/10 để tổ chức hoạt động ngoại khóa.

 

Chuẩn bị tinh thần cho con bước vào năm học mới, chị Bùi Thị Dịu (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ) dự định dành buổi tối cuối tuần cho các con đi chơi song khi tìm thì không thấy có chỗ nào đáp ứng điều kiện đủ của một khu vui chơi thực sự. Cuối cùng, cả nhà đành phải đi ăn kem để thay cho buổi đi chơi hụt. Cô giáo Phạm Thị Loan, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Đông Cường (Đông Hưng) cũng bày tỏ: Đợt vừa rồi, Trường có một số em đạt giải cao trong kỳ thi viết chữ đẹp. Mình muốn thưởng cho các em một buổi đi chơi nhưng lại không biết đi đâu, lên thành phố Thái Bình thì xa quá, không bảo đảm an toàn khi đi lại còn ở địa phương thì địa điểm vui chơi lại nghèo nàn quá.

 

Nói nghèo nàn không ngoa. Tại thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng) hiện tại cũng chỉ có một điểm vui chơi cho trẻ em có tên Hà Thành nằm dưới chân cầu Nguyễn. Tổ hợp này bao gồm vườn sinh thái, quán cà phê, quán ăn và điểm vui chơi. Tuy nhiên, điểm vui chơi này có diện tích rất nhỏ, chỉ có một số ít trò chơi như đu quay, nhà bóng, nhà hơi, câu cá nhựa và cũng chỉ hoạt động vào buổi tối cuối tuần, còn ban ngày thì không một bóng người.

 

Các điểm vui chơi tại Quảng trường 14/10 (thành phố Thái Bình), Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh chiều và tối nào cũng rất đông người đưa trẻ đến vui chơi. Anh Lê Cảnh Đông ở xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho biết: Thỉnh thoảng tôi dành thời gian vào buổi chiều để chở con đến đây chơi. Các trò chơi ở đây có giá dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/trò chơi/cháu. Không khí trong lành, mát mẻ, sân chơi rộng rãi, các trò chơi đa dạng như lái ô tô, đạp xích lô, tô tượng, vẽ tranh, đu quay, nhà cát, nhà bóng… thích hợp là chỗ vui chơi cho các con sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, các điểm vui chơi trên thành phố vẫn ít quá nên phụ huynh cũng không có nhiều sự lựa chọn. Đúng vậy, nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ ngày càng tăng nhưng số lượng các điểm vui chơi lại tăng không đáng là bao. Ngoài các điểm vui chơi xung quanh Quảng trường 14/10, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, tại Trung tâm thương mại Vincom cũng có khu vui chơi nhưng giá vé khá đắt đỏ: 80.000 đồng/vé cho một trẻ vui chơi trong hai tiếng vào ngày thường và 100.000 đồng vào ngày cuối tuần và ngày lễ. Với giá vé như vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con vui chơi.

 

Trên thực tế, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các công trình công cộng nói chung, điểm vui chơi cho trẻ em nói riêng. Hồ bơi ngoài trời tại xã Đông Sơn (Đông Hưng) là một ví dụ, tuy nhiên do hạn chế về kinh phí nên công trình này chưa được đầu tư đến nơi đến chốn. Do chưa có hệ thống xử lý nước nên nước trong hồ không được lọc thường xuyên, chưa bảo đảm vệ sinh. Mặc dù chính quyền địa phương đã thông báo trẻ đi bơi tại hồ phải mặc áo phao và có người lớn đi cùng song thực tế đa phần các em khi đi bơi đều không có bố mẹ đi kèm, nhiều em cũng không có áo phao. Ngoài ra, sự hạn chế về phương tiện cứu hộ và không có bảo vệ túc trực thường xuyên nên khó bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.

 

Thiếu các điểm vui chơi nên nhiều bậc cha mẹ thay vì đưa con đi chơi, dành thời gian chơi với con đã đưa cho con chiếc điện thoại thông minh tích hợp những trò chơi điện tử mới nhất để trẻ tự ngồi chơi một mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến nếp sống mà còn cả sự hình thành tính cách của trẻ. Thay vì thoải mái vận động, sáng tạo với các trò chơi thì trẻ trở nên thụ động khi ngồi lỳ một chỗ chơi trò chơi trên máy tính, điện thoại. Chưa kể, nhiều trẻ khi bố mẹ vắng nhà thường tự chơi với nhau trong các ngõ, trên vỉa hè, gần ao hồ, dễ gặp tai nạn thương tích và đuối nước.

 

Tìm sân chơi cho trẻ đang là vấn đề rất cần các cấp, các ngành quan tâm, vào cuộc tháo gỡ. Vì vậy, cùng với làm tốt công tác quy hoạch các khu vui chơi, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các khu vui chơi cho trẻ; quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, tổ chức các chương trình dạy kỹ năng khám phá, giao tiếp ứng xử, những chuyến du lịch trải nghiệm thực tế... thu hút ngày càng đông phụ huynh và trẻ nhỏ tham gia, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Thùy Dung

 

  • Từ khóa