Thứ 7, 03/08/2024, 19:14[GMT+7]

Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần Nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ đối tượng

Thứ 4, 21/09/2016 | 09:12:12
880 lượt xem
Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn song thời gian qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) luôn nỗ lực vượt khó để các đối tượng được điều trị và chăm sóc tốt nhất.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần luôn nỗ lực để các đối tượng được điều trị và chăm sóc tốt nhất.

 

Cách đây 9 năm, không ngày nào ông Đinh Xuân Đấu (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) được sống vui vẻ cùng gia đình. Người con gái đầu Đinh Thị Kiều Oanh bị mắc bệnh tâm thần do di chứng của chất độc hóa học từ người cha tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc sống với ông tưởng như sẽ gắn liền với những tiếng hét, tiếng đập phá của con gái mỗi khi lên cơn. Nhưng từ khi được đưa vào Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, được sự chăm sóc của cán bộ, nhân viên Trung tâm, bệnh tình của con gái ông có nhiều chuyển biến, sức khỏe ngày một tốt hơn. Hôm chúng tôi xuống Trung tâm đúng dịp ông đến thăm con, vui mừng vì con khỏe mạnh, ông phấn khởi chia sẻ: Tháng nào tôi cũng lên Trung tâm thăm con, thấy con được cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm sóc chu đáo từ việc điều trị, ăn uống đến công tác vệ sinh tôi thấy rất vui và yên tâm.

 

Ông Đấu chỉ là một trong số rất nhiều người có công đang gửi con ở Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần để được chăm sóc, điều trị. Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị hơn 200 bệnh nhân tâm thần, trong đó 59 đối tượng là người có công với cách mạng (40 thương binh, bệnh binh nặng, 18 con đối tượng nhiễm chất độc hóa học, 1 con liệt sĩ), còn lại là các đối tượng xã hội. Hầu hết các đối tượng đều thuộc dạng tâm thần đặc biệt nặng, thường không làm chủ được bản thân, không tự chủ trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, nhiều đối tượng thường xuyên lên cơn kích động dẫn tới đập phá đồ dùng, do vậy việc chăm sóc đối với cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm ngoài việc thăm khám, cấp thuốc còn lo bữa ăn, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho đối tượng. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế có chứng kiến việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần ở đây mới thấy đó là công việc mà không phải ai cũng chịu được. Hầu hết bệnh nhân không có người nhà chăm sóc thế nên ngoài việc chữa trị, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc… Ở Trung tâm, việc y sĩ nữ thường xuyên tắm cho bệnh nhân nam không phải là chuyện lạ. Hộ lý Quách Thị Hải chia sẻ: Ngày mới vào Trung tâm, lúc đầu tôi cũng sợ hãi, căng thẳng khi tiếp xúc với đối tượng. Nhưng rồi sau một thời gian gắn bó, tôi thấy thương người bệnh hơn. Với họ, mình cần phải có tình thương, sự cảm thông sâu sắc thì mới có thể làm được.

 

Những năm qua, để các đối tượng được điều trị, chăm sóc chu đáo, hàng tháng, Trung tâm mời bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thái Bình xuống để khám và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng người. Cùng với điều trị, chất lượng các bữa ăn cũng được Trung tâm rất coi trọng. Nếu như trước đây trong bữa ăn của đối tượng thực phẩm, rau xanh đều phải mua từ bên ngoài thì nay đã tự chủ được. Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Để bữa ăn của đối tượng bảo đảm độ an toàn, tận dụng các khoảng đất trống, cán bộ, nhân viên Trung tâm tổ chức trồng rau muống, rau đay, mồng tơi, bí xanh… kết hợp nuôi cá, nuôi vịt, ngan để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho đối tượng.

 

Thời gian tới, Trung tâm được Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị  Quân đội nhân dân Việt Nam trang bị thêm một số dụng cụ sinh hoạt gia đình, trang thiết bị y tế để thuận tiện trong hoạt động phục hồi chức năng cho các đối tượng, khi đó cơ hội để các đối tượng sớm trở về với cộng đồng sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện gửi cán bộ y tế đến học tập nâng cao trình độ, qua đó giúp việc điều trị cho các đối tượng ngày một tốt hơn.

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa