Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn KỲ 2: Giữ mãi màu xanh của rừng
Cảnh bán mua khi trời vẫn còn tối.
(Tiếp theo và hết)
Sống nhờ rừng ngập mặn
4 giờ 30 phút sáng, đoàn người từ khắp các ngả rừng đổ về đoạn đê xã Thụy Trường, điểm xuất phát ban đêm cũng là nơi tập kết sản phẩm thu được lúc sáng sớm. Như thường lệ, các chủ buôn sẽ có mặt ở đây từ rất sớm. Họ đến từ khắp các chợ trong vùng để mua hàng kịp cho phiên chợ sáng. Việc mua bán cũng diễn ra nhanh chóng, chừng 1 giờ đồng hồ là kết thúc. Chị Hà Thị Thoa, người xã Thụy Xuân, một chủ thu mua còng cho biết: Vì là khách quen nên không có sự cạnh tranh trong mua bán. Khách của ai, người ấy mua. Số lượng còng đổ buôn cũng không nhiều nên mỗi người lấy một ít, chủ yếu bán lẻ tại các chợ nhỏ, lấy công làm lãi chứ không lời nhiều. Ðây đều là còng gọng đỏ, 100% sinh sống ngoài tự nhiên nên giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Còng gọng đỏ là thực phẩm sạch, được nhiều người ưa chuộng, chế biến được nhiều món nhưng chủ yếu để nấu canh, nấu riêu, còng rang và làm mắm còng.
Phụ nữ Thụy Trường tham gia trồng rừng.
Người bán hồ hởi cầm những đồng tiền kiếm được sau một đêm đánh đổi mồ hôi, công sức. Người mua hào hứng khi mua được mẻ còng tươi ngon. Sau khi bán xong số còng bắt được, anh Chác hồ hởi khoe với chúng tôi: Số còng của tôi bán được 250.000 đồng, hơn đêm trước 50.000 đồng. Còn mấy chị đi cùng, người nhiều được 200.000 đồng, người ít được 150.000 đồng. Ít hay nhiều phụ thuộc vào thời tiết, có hôm nhiều còng sữa, còng bé chúng mình không bắt, chỉ chọn những con to, khỏe thôi, không vì cái lợi trước mắt mà vơ vét cho cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên.
Trên chiếc xe đạp cà tàng, anh Chác còn gọi với lại phía chúng tôi: Khi nào rửa cho mình kiểu ảnh làm kỷ niệm nhé. Ðêm mai muốn theo chúng mình thì cứ ra khúc đê này. Giờ mình phải về đưa tiền cho vợ nộp tiền học cho con đây. Rồi bóng anh khuất dần sau những tốp người đi thể dục buổi sáng.
Khi cuộc sống mưu sinh trong đêm ở Thụy Trường nói riêng, trên khắp dọc dài con đê biển từ Thụy Trường đến Nam Phú (Tiền Hải) nói chung khép lại thì công việc mưu sinh bằng nghề cào ngao, don, hến… ngoài bãi biển của người dân lại bắt đầu. Guồng quay mưu sinh nơi đây vẫn chuyển động không ngừng như kiếp người dập dềnh theo con nước thủy triều.
Thành quả sau một đêm vất vả.
Trước đây, ở Thụy Trường từng có chuyện các thầy cô giáo phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động học sinh không được nghỉ học sớm. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, lo từng bữa ăn, bố mẹ cho con nghỉ học sớm để đi bắt còng, bắt cáy. Sự hấp dẫn từ nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới cánh rừng ngập mặn đã kéo theo nhiều lớp học sinh phải gác lại giấc mơ đèn sách để lao vào cuộc sống mưu sinh. Ðó là chuyện trước đây, còn bây giờ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân biết đến các hiện tượng như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, siêu bão… thì ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng lên rõ rệt. Ở Thụy Trường, không có tình trạng người dân sử dụng kích điện, lưới giã cào, không chặt phá cây rừng, họ chủ yếu đánh bắt bằng các công cụ thô sơ.
Tiếp tục chung tay bảo vệ rừng
Ngay sát mép đê biển xã Thụy Trường là nhà bảo vệ rừng ngập mặn của xã. Công trình kiên cố được xây dựng từ năm 1994 nằm trong Dự án trồng rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Ðan Mạch tài trợ. Ở đó, chúng tôi được ông Vũ Ðình Tốn, đội trưởng đội bảo vệ rừng ngập mặn xã Thụy Trường kể về sự hình thành, phát triển của cánh rừng này. Hơn 20 năm trước, vùng bãi triều ven biển của Thụy Trường còn hoang sơ, thưa thớt cây cối. Từ năm 1994, được sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Ðan Mạch trồng rừng ngập mặn và qua nhiều dự án nữa, đến nay cánh rừng phòng hộ này được xếp vào bậc trù phú nhất của tỉnh Thái Bình. Rừng ngập mặn là “lá phổi xanh” không thể thiếu bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Nó được coi là nguồn tài nguyên ven biển vô cùng hữu ích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Sinh ra, lớn lên ở vùng biển, ông Tốn không ít lần chứng kiến cảnh thiên tai, bão gió gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân. Cũng vì lẽ đó, ông đã hăng hái, tình nguyện tham gia đội bảo vệ rừng ngập mặn của xã. Hơn 20 năm qua, đội bảo vệ rừng ngập mặn xã Thụy Trường vẫn hoạt động tích cực, hiệu quả, là lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng. 4 thành viên được biên chế là những dân quân biển có kinh nghiệm, thường trực 24/24 giờ, luôn có mặt kịp thời xử lý những vụ việc xâm hại rừng trái phép.
Lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân tham gia trồng rừng tại Thái Thụy.
Ông Tốn kể: Từ khi có rừng, Thụy Trường đã thay đổi rất nhiều, thay đổi từ cuộc sống của người dân đến thay đổi hệ sinh thái ở nơi đây. Cứ chiều đến, từng đàn cò, đàn chim lại tíu tít bay liệng trên bầu trời mà thấy bình yên đến thế. Không chỉ mang lại thu nhập cho người đánh bắt thủy hải sản trong rừng mà rừng còn mang lại nguồn thu từ phấn hoa cho người nuôi ong ở khắp nơi đổ về đây. Vừa nói, ông Tốn vừa chỉ tay ra phía con đê, rồi nói với chúng tôi: Mấy ngày nay, bên chủ thầu cung cấp cây giống phục vụ trồng rừng đang tập kết cây ở ngoài đó, chỉ chờ con nước lên là chúng tôi đưa ra bãi triều để trồng. Theo kế hoạch thì năm 2016, Thái Thụy trồng mới thêm 250ha rừng. Chẳng mấy chốc mà khu vực đầm hoang, bãi triều ngoài biển được phủ một màu xanh của cây bần, cây vẹt. Cũng theo ông Tốn, nhiều năm nay, ở khu vực rừng phòng hộ xã Thụy Trường không còn xảy ra cảnh xâm hại rừng ngập mặn. Ðể bảo vệ diện tích rừng ngập mặn lâu năm, rừng được trồng mới thì công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương đẩy mạnh.
Còn với ông Phan Ngọc Luân, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Ðà (đơn vị cung ứng giống cây cho dự án trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Thái Bình) cho biết: Ðại đa số người dân đã hiểu rõ vai trò của rừng ngập mặn nên chúng tôi rất yên tâm khi hợp đồng với người dân cùng bảo vệ, chăm sóc rừng. Vài năm nữa thôi, khu vực trồng mới của cánh rừng ngập mặn này sẽ tăng độ che phủ của rừng ở địa phương, giúp nâng cao chất lượng môi trường sống và chống lại sự biến đổi khí hậu cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân. Người dân là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ dự án và cũng như nguồn lợi mà rừng ngập mặn mang lại nên họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ sự bền vững của rừng.
Chia tay những người dân miền biển chất phác, hiếu khách, chúng tôi trở về trong niềm vui khi hoàn thành một chuyến đi ý nghĩa, đọng lại nhiều kỷ niệm khó phai. Phóng tầm mắt từ đê ra phía biển, ngắm hoàng hôn buông xuống, chúng tôi thầm nghĩ vẻ đẹp của cánh rừng ngập mặn xã Thụy Trường vẫn như viên ngọc thô càng khám phá càng cảm nhận được vẻ hoang sơ, thuần khiết như níu chân du khách đừng trở về. Chúng tôi tin rằng, một ngày nào đó, Thụy Trường sẽ cùng với các địa phương ven biển của tỉnh đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái biển, làm giàu thêm cho quê hương.
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
-
Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn