Thứ 2, 01/07/2024, 07:25[GMT+7]

Ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch ngay tại gác xép nhà riêng

Thứ 3, 13/12/2016 | 14:54:10
1,604 lượt xem
Sáng sớm ngày 13/12, ngay sau cuộc điện thoại gọi cấp cứu lúc 5 giờ sáng, các bác sĩ đã khẩn trương có mặt tại nhà riêng bệnh nhân và tổ chức ca mổ cấp cứu, cứu sống bệnh nhân nguy kịch do chửa ngoài tử cung vỡ. Ca mổ diễn ra ngay tại gác xép tầng 3 nhà bệnh nhân ở tổ 24, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình trước sự khâm phục của đông đảo người dân.

Sau mổ, bệnh nhân được vận chuyển bằng xe cấp cứu 115 về Bệnh viện Phụ sản hồi sức cấp cứu.

 

Tại hiện trường vụ mổ, Bác sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: 5 giờ sáng ngày 13/12, Trung tâm tiếp nhận cuộc điện thoại của người dân thông báo có bệnh nhân Giang Thị Minh, 46 tuổi bị đau bụng dữ dội yêu cầu được cấp cứu. Ngay lập tức, bộ phận điều hành của Trung tâm điều kíp trực, 2 phút sau, xe cấp cứu lăn bánh và có mặt tại nhà bệnh nhân sau 7 phút.

 

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo cho biết: Khi đến nhà bệnh nhân, khám trực tiếp thấy tình trạng bệnh nhân đang rất nguy kịch, da trắng bệch, đau và chướng căng bụng, không bắt được mạch, không đo được huyết áp. Khi biết bệnh nhân chậm kinh 15 ngày, đã siêu âm thai chưa về ổ bụng, kíp trực xác định bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ cần phải mổ cấp cứu ngay tại chỗ và chống chỉ định vận chuyển. Do đã có kinh nghiệm nên lập tức điều dưỡng Hảo đặt đường truyền trước khi bệnh nhân trụy mạch, đồng thời gọi về Trung tâm xin chi viện kỹ thuật. 7 phút sau, kíp trực thứ hai của Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt. Đến nơi, bác sĩ Ninh Ngọc Toàn đã kịp thời đặt thêm một đường truyền truyền dịch và thuốc để hồi sức, nâng huyết áp cho bệnh nhân, đồng thời chuẩn bị các điều kiện phục vụ mổ tại chỗ trong khi chờ kíp bác sĩ chi viện. Tại Trung tâm, bộ phận điều hành lập tức huy động kíp mổ của Bệnh viện Phụ sản, huy động máu từ Khoa Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh kịp thời chi viện. Do bệnh nhân ở trên gác xép tầng 3, tường và mái làm bằng tôn, tổng diện tích khoảng 9m2 nên rất chật chội, trong phòng không có bàn ghế. Lối đi cầu thang lên gác xép ở ngoài trời, rộng khoảng 60cm, bằng gỗ chắp nối thiếu chắc chắn nên di chuyển lên xuống rất khó khăn. Do mới hơn 5 giờ sáng nên trời còn rất tối, trong gác xép chỉ có một đèn típ nhỏ, ánh sáng mờ. Trước tình hình đó, các bác sĩ lập tức thảo luận, thống nhất cần phải mang băng ca của xe cứu thương dùng làm bàn mổ. Huy động người nhà mượn 1 bàn gỗ làm bàn để dụng cụ. Mượn một đèn bàn dùng cho học sinh và chăng dây treo lên cao làm đèn mổ. Xác định vì thiếu máy thở, máy hút nên phải sẵn sàng bóp bóng bằng tay và thấm máu bằng bông gạc. Ngoài ra còn huy động một số sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình trọ học cùng nhà bệnh nhân phụ giúp một số việc như chuẩn bị xô chậu, chiếu đèn pin ở điện thoại để tăng cường ánh sáng…

 

Mổ cấp cứu tại gác xép, tầng 3 nhà bệnh nhân ở tổ 24, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình.

 

Sau gần 1 giờ làm việc căng thẳng, với sự tham gia của 4 xe cấp cứu, chi viện và vận chuyển tổng số 6 chuyến; mổ tại nhà bệnh nhân trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không có máy thở, không có máy hút, ánh sáng yếu, mọi khâu đều phải làm thủ công… song với sự chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, ca mổ đã diễn ra thành công. 30 phút sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh và huyết áp ổn định, được xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển về Bệnh viện Phụ sản để tiếp tục hồi sức cấp cứu.

 

Tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, bác sĩ mổ Nguyễn Duy Quang và Vũ Mạnh Cường kể lại: Sáng sớm khi còn đang ngủ, các anh nhận được điện thoại yêu cầu mổ cấp cứu bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ tại nhà. Xác định tình trạng khẩn cấp, quãng đường từ nhà riêng đến nhà bệnh nhân chỉ khoảng 2km. Để có thể tiếp cận sớm bệnh nhân, lập tức các anh quyết định di chuyển bằng xe máy đến thẳng nhà bệnh nhân mà không chờ xe cấp cứu đến đón. Đến nơi, thấy bệnh nhân gần như không còn sự sống do mất máu, các bác sĩ đã quyết định phải tiến hành mổ nhanh nhất có thể. Đúng như dự đoán, khi mổ, ổ bụng bệnh nhân tràn đầy máu, các bác sĩ đã lấy ra khoảng 3 lít máu tươi và vón cục. Từ 2 đường truyền ở tay, 2 đường truyền ở cổ, bệnh nhân đã kịp thời được tiếp 1,5 lít máu nhóm O và nhiều dịch truyền. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Minh, vì "phòng mổ” bất đắc dĩ, không bảo đảm vô trùng, trong ca mổ bác sĩ đã chỉ định tiêm kháng sinh liều cao phòng nhiễm trùng song hiện vẫn phải sát sao theo dõi bệnh nhân. Đến thời điểm hơn 9 giờ sáng, các bác sĩ cho biết tình trạng bệnh nhân Giang Thị Minh đang phục hồi tốt.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115: Ca mổ thành công trước hết phải kể đến ý thức, trách nhiệm cao của các cán bộ y bác sĩ tham gia ca cấp cứu; sự điều hành hiệu quả của bộ phận điều hành Trung tâm cấp cứu 115; sự phối hợp tốt trong cấp cứu ngoại viện của Trung tâm, Bệnh viện Phụ sản và Khoa Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngoài ra cũng có yếu tố may mắn là nhà bệnh nhân ở trên địa bàn Thành phố, thuận lợi cho các kíp cấp cứu tiếp cận và chi viện kịp thời, vì nếu chỉ chậm khoảng 15 phút là bệnh nhân tử vong do mất máu. Cùng nhà bệnh nhân lại có nhiều sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình ở trọ nên có hiểu biết chuyên môn, giữ nguyên tình trạng bệnh nhân và giúp gọi cấp cứu 115, bởi nếu thiếu hiểu biết di chuyển bệnh nhân bằng tắc xi đến bệnh viện bệnh nhân sẽ chết vì trụy mạch.

 

Thay mặt gia đình, anh Lê Đình Tiến là con nuôi của bệnh nhân bày tỏ sự biết ơn đến các y bác sĩ. Anh Tiến cho biết: Chứng kiến từ đầu đến cuối sự lao động cật lực của các y bác sĩ trong hơn 2 tiếng đồng hồ nỗ lực cứu sống mẹ, trong điều kiện thiếu thốn do phải mổ tại nhà, anh thấy các y bác sĩ không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì người bệnh mà còn là những bác sĩ tài năng có chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm, phản ứng nhanh và sáng tạo trong xử lý tình huống. Không chỉ anh Tiến, các bạn sinh viên và nhiều người dân trong tổ dân phố khi chứng kiến ca mổ cấp cứu cũng đều bày tỏ sự khâm phục và tin tưởng các y bác sĩ và Trung tâm Cấp cứu 115.

Hà Dung

  • Từ khóa