Như bản tình ca thầm lặng
Bộ phận chế bản Báo Thái Bình.
Xưởng in Tỉnh ủy (sau đổi thành Xưởng in báo Thái Bình) có đội ngũ thợ in lành nghề với đôi bàn tay khéo léo và đức tính kiên nhẫn, tỷ mỷ song hành cùng sự phát triển của tờ báo, gắn bó từ thuở Báo Tiến Lên, Báo Thái Bình Tiến Lên. Họ làm công việc sắp chữ, dập bản bông, sửa bản in và khâu cuối cùng là in báo. Hàng vạn con chữ bằng chì nhỏ li ti được người thợ in nhặt đưa vào compositor sắp thành từng chữ, từng dòng. Sắp chữ chì (in ty-pô) rất khó, đòi hỏi kỹ năng làm việc bằng cả trái tim của người thợ, chữ phải sắp ngược lại so với bản thảo để in ra mới xuôi. Một trang Báo Thái Bình thuở ấy một người thợ tay nghề giỏi cũng phải mất một ngày sắp chữ mới xong.
Thập niên 90 của thế kỷ XX, máy vi tính đã thay thế người thợ thủ công trong khâu sắp chữ và bình bản báo. Ngày nay, "sắp chữ" bằng máy vi tính đã đạt tới trình độ kỹ thuật cao với những phần mềm hỗ trợ chuyên dụng vừa nhanh, nhiều kiểu chữ vừa nét, vừa đẹp. Không còn cảnh những đôi bàn tay nhọ nhem cần mẫn nhặt những con chữ bằng chì nhỏ bé nữa. Nó đã đi vào dĩ vãng nhưng dư âm về một thời Báo Thái Bình in bằng "công nghệ" sắp chữ chì vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người thợ cả đời gắn bó với nghiệp in báo.
Là công nhân Xưởng in Tỉnh ủy từ ngày hòa bình lập lại năm 1954, ông Bùi Văn Tâm năm nay đã ngoài 90 tuổi, ông kể, nghề in ty-pô một thời gắn bó máu thịt với ông. Xưởng in Tỉnh ủy sau này chuyển thành Xưởng in báo Thái Bình trong niềm vui Báo ra số báo đầu ngày 1/1/1962, xưởng in và tòa soạn luôn song hành, gắn kết keo sơn để cùng nhau cho ra những số Báo Thái Bình Tiến Lên kịp thời, chính xác. Những lớp thợ sau này được bổ sung thêm vào đội ngũ những người in báo có hai cha con ông Nguyễn Văn Nam và chị Nguyễn Thị Mây cùng là thợ sắp chữ in báo đảng. Thời trước đó, ông Nam, ông Lãnh, ông Long… là công nhân Xưởng in Tỉnh ủy đã từng phải đào hầm giấu máy in tránh giặc Pháp. Rồi đến những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Xưởng in phải sơ tán về Thăng Long (Đông Hưng) theo tòa soạn Báo Thái Bình Tiến Lên, có những đêm in báo dưới ánh đèn dầu le lói, ngoài trời mưa bão, để tránh bom giặc Mỹ mọi người phải tìm cách che hết các khe cửa không để lọt ánh sáng ra ngoài. Hai cha con chị Mây cùng làm việc thâu đêm bám xưởng, bám nghề giống như hai người lính chiến đấu cùng một chiến hào, chẳng ai bảo ai tất cả đều ngầm thi đua sắp chữ nhanh nhất. Công việc thường ngày của người thợ sắp chữ in báo thuở ấy lặp đi lặp lại khi hàng vạn con chữ nhỏ li ti đựng trong hơn 200 ô ở một hộp chữ được người thợ in lắp vào compositor sắp thành từng câu, từng chữ, từng dòng, vậy mà không ai nản chí. Có một điều không ngờ, chính những người thợ sắp chữ cũng là độc giả của Báo và đọc báo đầu tiên. Sau khi sắp chữ xong là sửa mo-rát rồi đến khâu mi báo. Mi báo thành trang nếu thừa chữ phải gọi mấy bác ở tòa soạn biên tập lại cho gọn rồi cắt xén cho vừa khuôn. Ảnh in báo là bản kẽm, phải mang lên tận Hà Nội chế ảnh. Chế xong mang về để đấy, hễ có tin, bài thì "ấn" vào. Thời nay chế bản điện tử trên máy vi tính, thừa chữ chỉ cần nhấp chuột ấn nút xóa là xong nhưng thời sắp chữ thủ công, "cắm chữ" vào compositor đã mất thời gian nhưng "nhổ chữ" khỏi compositor cũng không dễ. Nếu không có đức tính cẩn thận, tỷ mỷ thì dễ "nhổ" nhầm chữ mà đã nhầm thì coi như hỏng bản báo. Năm Bác Hồ mất, nhận nhiệm vụ cấp trên giao phải in báo kịp đưa tin, bài về lễ tang của Người, những người thợ in báo nghe tin Bác đi về cõi vĩnh hằng đã khóc như mưa. Họ vừa sắp chữ in báo lại phải sắp chữ in các tài liệu của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh khiến họ vừa làm vừa khóc, nước mắt lã chã rơi nhòe cả con chữ. Những ngày tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, những người thợ sắp chữ in báo xong liền bê những khuôn in từ nơi sắp chữ sang hầm in báo, nhiều lần chẳng may bom Mỹ ném gần nơi sơ tán nổ rung chuyển trời đất, lối ngõ mưa trơn, chẳng may trượt chân hất tung cả khuôn chữ, thế là công toi. Để kịp ra báo, những người thợ in không ai bảo ai xúm vào sắp chữ đến quên cả ăn. Đã 55 năm trôi qua, giờ đây, có dịp ngồi đối diện với ông Tâm, nghe ông kể về một thời quá khứ tôi có cảm nhận trong đôi mắt thẳm sâu của người thợ in kỳ cựu cũng là một người sửa mo-rát lâu năm ký ức về Xưởng in Tỉnh ủy với lỉnh kỉnh hòm tôn đựng chữ chì nặng hàng tấn, những trận bom Mỹ rơi trúng kho Xưởng in đất cát bụi mù, giấy in báo bay tả tơi; những lần chuyển chữ chì cũ lên Hà Nội đổi chữ mới bằng tàu thủy suýt rơi cả người lẫn chữ xuống sông. Ông Tâm nghỉ hưu đã ba chục mùa lá rụng, ba chục năm xa rời Xưởng in, giờ chân đã mỏi, gối đã chồn, đôi mắt không còn tinh như ngày nào còn làm công việc sắp chữ, sửa mo-rát nhưng ký ức thì không thể nhạt phai về một thuở gian khó với nghề. Những hình ảnh đẹp về xưởng in báo, về những người thợ bình dị, những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt nhặt những con chữ thì mãi ghi xương khắc cốt trong ông. In báo đã là cái nghiệp ngấm vào huyết quản của ông để mãi mãi là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên cùng những đồng nghiệp cặm cụi sắp chữ in báo dưới ánh đèn dầu và không khí khét lẹt khói bom. Giờ không còn cảnh những cô thợ in ngồi "ôm" hộp chữ với hàng vạn con chữ chì các loại, cũng chẳng còn cảnh những anh chàng thợ in buộc xấp báo sau xe đạp ra bưu điện dưới mưa bão. Một thời ông Tâm và nhiều đồng nghiệp của ông như ông Nam, chị Mây... gắn bó với nghề in báo đến nỗi thuộc cả nét chữ của cả phóng viên lẫn cộng tác viên, thuộc đến nỗi nhìn nét chữ biết ngay tên người viết và nhiều cái tên cộng tác viên rất đỗi thân thuộc nhưng chẳng bao giờ biết mặt. Ông Tâm chia sẻ: Tôi, ông Nam, chị Mây là lớp thợ in thời xưa lạc hậu, giờ nhường lại cho lớp trẻ với kiến thức khoa học công nghệ cao cấp và trang thiết bị kỹ thuật chế bản điện tử tiên tiến, những phần mềm, phần cứng để rồi những câu chuyện về chúng tôi, những người thợ in báo sắp chữ chì, tay lọ lem và máy in ty-pô "cổ lỗ sĩ" sẽ trở thành câu chuyện huyền thoại mà mỗi lần kể không ai trong số họ hình dung ra được. Vừa nói ông Tâm vừa nhìn ra chốn xa xăm như thể đang cố dõi tìm một hình bóng xa xưa dội về trong ký ức, về một thuở khó khăn mà yêu đời, yêu nghề. Ông bảo, mỗi sáng thức dậy ông vẫn nhớ những con chữ chì nhỏ li ti, mắt phải căng ra nhìn cho kỹ, tay nhón nhặt chính xác. Nhớ cỗ máy in "cổ lỗ sĩ" từ "thời Napoleon" vậy mà với lòng yêu nghề những thợ in của Xưởng in báo Thái Bình vẫn thúc giục chúng chạy nhả ra chữ, ra hình. Ông nhớ những ngày thứ hai, thứ năm của ngày xưa, cái ngày mà Báo Thái Bình Tiến Lên ra hai kỳ một tuần vào thứ tư, thứ bảy, những ngày này ông cùng các đồng nghiệp của mình nhận bản thảo từ tòa soạn gửi sang, mọi người chia nhau sắp chữ. Và ông đã cùng các đồng nghiệp của mình bỗng dưng trở thành độc giả trung thành số một của Báo Thái Bình.
Nếu nghề chọn người thì với ông Tâm, ông Nam, ông Lãnh, ông Long và sau này là ông Bi, bà Thê, chị Mây… đã không có sự chọn lựa nào khác là chấp nhận nghề in chữ chì chọn lựa mình thành người thợ in báo. Cả cuộc đời làm công việc thầm lặng sắp những con chữ nhỏ li ti thành những trang báo mang hơi thở cuộc sống đến bạn đọc, những con chữ bằng chì vô tri dưới bàn tay người thợ in chúng biến thành những nốt nhạc của bản tình ca thầm lặng, dâng hiến.
Ông Bùi Văn Tâm, 90 tuổi, nguyên công nhân sửa bản in Xưởng in báo Thái Bình (Xí nghiệp in Thái Bình sau này) Năm 1962 - 1964, Xưởng in phải sơ tán về vùng nông thôn cùng với tòa soạn Báo Tiến Lên để tránh bom Mỹ, các thiết bị, máy móc in ấn vốn đã cũ, rão lại quá nặng nề, riêng chữ chì cũng đã nặng hàng tấn. Anh em công nhân chỉ có một thứ duy nhất mang theo đó là lòng nhiệt tình cách mạng với nghề in báo và được coi là tài sản tinh thần không gì thay thế được vì chúng tôi đã gửi trọn niềm tin yêu Báo Thái Bình, yêu nghề in báo. Ông Trần Quang Bi, 71 tuổi, nguyên công nhân vận hành máy in Xưởng in báo Thái Bình Chúng tôi xác định là công nhân in báo của Đảng, nhiệm vụ được giao phải hoàn thành xuất sắc. Nhớ lại những thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh hay những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, chúng tôi thường làm việc cả đêm để Báo phát hành kịp thời. Các anh chị bên tòa soạn Báo Thái Bình Tiến Lên ngày ấy và Báo Thái Bình sau này cũng luôn bên cạnh chúng tôi, vừa động viên chúng tôi sắp chữ in báo cho chính xác vừa sẵn sàng xử lý sự cố thừa chữ, thiếu dòng. Ngày nay, Báo Thái Bình in 4 màu, giấy đẹp, chữ nét, nội dung phong phú, tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
-
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế