Chủ nhật, 04/08/2024, 07:16[GMT+7]

Chở mùa xuân đến sớm

Thứ 5, 19/01/2017 | 08:29:34
672 lượt xem
Với mỗi người, tết là thời gian để gia đình đoàn tụ, sum vầy bên mâm cỗ, chén trà thơm. Nhưng với những đối tượng đang được chăm sóc và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, tết tuy không được đoàn tụ cùng gia đình nhưng họ luôn nhận được sự động viên, sẻ chia từ rất nhiều đoàn khách. Những món quà nặng nghĩa tình từ các tổ chức, cá nhân như chở mùa xuân đến sớm với họ.

Chăm sóc vườn rau xanh.

 

Những ngày giáp tết Nguyên đán Ðinh Dậu 2017, chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần. So với cách đây một năm, cuộc sống của các đối tượng nơi đây có nhiều đổi khác. Từng dãy nhà như được khoác lên màu áo mới, nơi ăn, chỗ ở cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, có một điều không khác mọi năm đó là số đối tượng ở lại Trung tâm ăn tết năm nay vẫn rất đông. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Mặc dù trước tết, Trung tâm đã vận động gia đình đón những đối tượng có tình trạng bệnh ổn định về ăn tết cùng gia đình, song tỷ lệ đối tượng ở lại ăn tết tại Trung tâm vẫn rất cao. Tết năm nay, trong tổng số 207 đối tượng được chăm sóc và điều trị tại Trung tâm, chỉ có trên 30 đối tượng được gia đình đăng ký đón về quê ăn tết. Bởi đa phần họ đều là những đối tượng mắc bệnh nặng, dễ bị kích động, hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Có những đối tượng kể từ khi vào Trung tâm đến nay đã gần 30 năm nhưng chưa một lần người thân đón về quê ăn tết, vì vậy công việc chăm sóc các đối tượng trong mấy ngày tết của cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng bận rộn hơn. Hôm chúng tôi đến thăm đúng vào thời điểm các y tá, hộ lý đang tổ chức khám bệnh và lau dọn phòng cho các đối tượng để chuẩn bị đón tết. Nghe những lời dặn dò ân cần của các cán bộ y tế xen lẫn tiếng nói, tiếng cười giúp chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi giữa họ. Là người có 15 năm công tác tại Trung tâm và cũng là thế hệ thứ hai có cơ duyên gắn bó với nơi đây, hộ lý Ðỗ Thị Nhung, Khoa Bệnh nhân nặng dành cho người có công có rất nhiều kỷ niệm với các bác thương binh, bệnh binh, nhất là trong những ngày tết. Chị kể: Ở Khoa Bệnh nhân nặng dành cho người có công có 59 đối tượng là thương binh, bệnh binh và con của người nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết các bác tuổi đã cao, sức khỏe yếu do di chứng của chiến tranh nên việc chăm sóc rất vất vả. Mọi việc từ tắm giặt, ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân đều phải nhờ đến y tá, hộ lý. Chưa kể tháng nào cũng có bác phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Vào ngày 28 tháng Chạp năm ngoái, trong Khoa có bác thương binh nặng do sức khỏe yếu phải chuyển lên Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Tôi được cơ quan phân công đi cùng chăm sóc bác. Mặc dù tết đã cận kề nhưng tôi và các cán bộ cùng đi luôn xác định phải chăm sóc các bác thật chu đáo. Các bác có khỏe chúng tôi mới yên tâm ăn tết.

Năm nay, để ngày tết của đối tượng được tổ chức chu đáo, ngoài việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các cán bộ Trung tâm còn nuôi được lợn, trồng được rau xanh. Trong những ngày giáp tết, tùy theo sức khỏe và khả năng của từng đối tượng mà phân công cho họ cùng tham gia vào việc chuẩn bị tết. Với những bệnh nhân thuyên giảm có sức khỏe thì tham gia nấu bánh chưng, gói giò. Người khéo tay thì cắt tỉa cây cảnh, quét vôi ve, chỉnh trang lại khuôn viên Trung tâm. Chị em phụ nữ tỉ mẩn, cẩn thận thì rửa lá dong, nhặt rau... Ðược tham gia làm việc, ai cũng phấn khởi và chộn rộn lắm. Vì vậy, mỗi dịp tết đến, xuân về, những bệnh nhân ở đây luôn cảm nhận được sự khác biệt trong nhịp sống ngày tết khác xa với ngày thường như thế nào. Ðặc biệt là thời khắc giao thừa, có những bệnh nhân ngậm ngùi hỏi cán bộ tết này gia đình có đón tôi về không? Câu hỏi ấy đủ khiến cán bộ, y tá, hộ lý ngậm ngùi, thương cảm. Bởi thế, năm nào cũng vậy, tập thể cán bộ Trung tâm luôn động viên nhau cố gắng chăm lo cho bệnh nhân một cái tết đầy đủ, đầm ấm.

Cũng như mọi năm, để chia sẻ với những đối tượng không về ăn tết cùng gia đình, năm nay theo kế hoạch ngày 30 tết, ngoài tổ chức ăn uống tập thể, Trung tâm sẽ tổ chức vui văn nghệ. Trong đêm giao thừa, cùng với liên hoan bánh kẹo sẽ có chúc sức khỏe và tổ chức mừng tuổi cho những đối tượng là người có công, người cao tuổi và người cô đơn. “Cả đời họ đã cống hiến cho Tổ quốc, thiếu thốn tình cảm từ người thân, giờ lại sống trong ốm đau, bệnh tật, lúc tỉnh lúc mê, vì vậy mọi người trong Trung tâm luôn bảo ban nhau cố gắng tổ chức cho họ một cái tết đầm ấm nhất” - điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tươi chia sẻ.

Rời Trung tâm trong không khí tết ấm áp đang đến gần, tôi vẫn nhớ câu nói của đồng chí Giám đốc Trung tâm: Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn tận tâm chăm sóc và là chỗ dựa cho những người bệnh đặc biệt ở đây. Bởi với mỗi đối tượng, Trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ hai của họ, nhất là mỗi khi tết đến xuân về.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa