Thứ 6, 16/05/2025, 09:24[GMT+7]

Thanh niên bứt phá làm giàu

Thứ 2, 23/01/2017 | 15:30:34
386 lượt xem
Những năm qua, thanh niên Thái Bình luôn thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Trong số đó, nhiều người đang ra sức thi đua lao động, sản xuất vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.

Không chỉ là cán bộ đoàn giỏi, anh Nguyễn Duy Bình còn là nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2016.

 

Mới tờ mờ sáng, anh Nguyễn Duy Bình, Bí thư Đoàn xã Hồng Lý (Vũ Thư) đã tranh thủ cùng vợ chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Giới thiệu với khách về cơ ngơi của mình, anh tự hào cho biết: Đến giờ vợ chồng tôi rất vui mừng vì giấc mơ lập nghiệp từ chính mảnh đất mình sinh đã trở thành hiện thực. Gia trại thường xuyên nuôi khoảng 1.000 con gà chọi, 200 cặp chim bồ câu, 100 con lợn nái, 200 con lợn thịt, nuôi 1 ao cá rộng gần 10.000m2... Ngoài ra, anh còn mở đại lý bán thức ăn gia súc, gia cầm. Anh bộc bạch: Không giống những chủ trang trại khác có thể dành toàn bộ thời gian để phát triển sản xuất thì với tôi là cán bộ đoàn xã nên vừa phải làm tốt việc nhà vừa phải bảo đảm công việc ở cơ quan. Do vậy, mình phải chủ động sắp xếp công việc hợp lý, thức khuya dậy sớm, cần mẫn lao động thì mới có thành quả như mong muốn. Với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, trước mắt vợ chồng tôi vẫn duy trì hợp đồng lao động với 3 - 4 nhân công với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Khi tích lũy được số vốn kha khá, tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng thêm chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi gia cầm, trồng trọt, kết hợp kinh doanh...

 

Gia trại của anh Bình chỉ là một trong hàng nghìn mô hình khởi nghiệp của giới trẻ ở Thái Bình. Việc gây dựng cơ đồ của các ông chủ, bà chủ trẻ cũng gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sống, nắm bắt thị trường... Anh Nguyễn Xuân Tiến, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) chia sẻ: Để đạt doanh thu 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và thời vụ với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng như ngày hôm nay mình đã không ít lần gặp thất bại. Nhưng mình có quan điểm không bỏ cuộc, không nản chí. Thất bại đầu tiên và lớn nhất của mình trong sản xuất tăm, đũa tre là dồn hết gần 700 triệu tiền vốn ra mua 2 quả đồi luồng và vầu. Khi đó chưa có kinh nghiệm, mình chỉ kiểm tra sơ qua ở sườn đồi. Ngoài sườn đồi luồng, vầu hấp thụ ánh sáng tốt, chất lượng cây tốt. Càng vào sâu càng thiếu ánh sáng, mặc dù cây rất đẹp nhưng bị xốp, tơ, không thể làm đũa, tăm được. Trong khi mình đã trả tiền hết cho người dân rồi, mình đành phải bán luồng, vầu cho các công trình xây dựng làm cọc ép móng nhà. Lúc đó, tôi gần như trắng tay.

 

Trong phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh Thái Bình bên cạnh những yếu tố luôn “có thừa” như lửa nhiệt huyết, quyết tâm vượt khó làm giàu là những khó khăn về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng khởi nghiệp. Phần lớn các bạn trẻ theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp có lưng vốn dắt lưng rất eo hẹp. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để góp phần biến giấc mơ lập thân, lập nghiệp của thanh niên thành hiện thực cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức để tổ chức Đoàn Thanh niên xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ, đồng hành với thanh niên. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã chú trọng làm tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, huy động các nguồn lực hỗ trợ thanh niên triển khai các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn, dạy nghề và tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, giám sát, khuyến nghị, thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên tiếp cận nhanh nhất các nguồn vốn vay để lập nghiệp. Bản thân nhiều thanh niên cũng đã chủ động tiếp cận chương trình, tích cực tham gia vào các hoạt động để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, vận dụng những kiến thức được đào tạo tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh, lập nên các dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn cao, cho hiệu quả thiết thực.

 

Rất nhiều thanh niên đã đúc kết: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Sự thành công của gần 5.800 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, 27 thanh niên tham gia câu lạc bộ Lương Định Của tỉnh Thái Bình, gần 500 thanh niên tham gia các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi trong toàn tỉnh đã chứng minh một điều là dù còn khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nhưng nếu quyết tâm nhìn về tương lai, những người trẻ hoàn toàn có thể tiến lên phía trước. Câu chuyện làm giàu của họ đã khẳng định bản lĩnh, nghị lực và ý thức sống có trách nhiệm của thế hệ trẻ. Trong gian khó, thử thách, họ quyết không từ bỏ ước mơ. Cuộc bứt phá vươn lên của những triệu phú, tỷ phú trẻ đã và đang tiếp thêm động lực, niềm tin, hun đúc khát vọng làm giàu chính đáng cho nhiều thanh niên khác học tập và noi theo.

 

 

"Để khởi nghiệp thành công, nhất thiết thanh niên phải nhớ cho mình 8 chữ “T” cần thiết: tức khí, tò mò, thử nghiệm, tìm kiếm, chữ tín, thất bại, thử lại, thành công. Đó là những nhân tố cơ bản cần thiết để thanh niên trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trên con đường khởi nghiệp, xác định năng lực bản thân, sự mạo hiểm, thách thức và dĩ nhiên là cả những thất bại".

 

(Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại diễn đàn cùng thanh niên Thủ đô khởi nghiệp)

 

 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ

 

Huyện Quỳnh Phụ có hơn 350 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập trung bình đạt khoảng 300 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế, các cấp bộ đoàn tiếp tục duy trì có hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên địa bàn 32/38 xã, thị trấn với tổng dư nợ trên 39 tỷ đồng. Để nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế, các cấp bộ đoàn các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ Lương Định Của, thường xuyên tới thăm, động viên, biểu dương, khen thưởng các mô hình tại các hội nghị của đoàn.

 

Anh Nguyễn Duy Bình, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư

 

Năm đầu tiên  khi bắt tay vào chăn nuôi do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, lợn bị dịch bệnh, nuôi gần đến lúc xuất chuồng thì chết 100 con lợn thịt nên gia đình thiệt hại khá lớn. Có lúc tôi cũng rất lo nhưng rồi nghĩ “vạn sự khởi đầu nan”, mình là cán bộ đoàn nên càng phải quyết tâm vượt khó để đoàn viên thanh niên trong xã có thể tham khảo, làm theo. Và chính những nỗ lực đó đã giúp tôi nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Xuân Phương

  • Từ khóa