Thứ 7, 18/05/2024, 22:32[GMT+7]

Chăm sóc, hỗ trợ và điều trị toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS

Thứ 4, 11/05/2011 | 16:11:53
2,882 lượt xem
Theo số liệu quản lý của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, tính đến 31/12/2010, Thái Bình có 3714 người nhiễm HIV/AIDS tại 250/286 xã, phường, thị trấn; trong đó có 841 trường hợp đang ở giai đoạn AIDS, 796 người đã tử vong, 775 phu nữ nhiễm HIV, 688 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Cùng với việc tăng cao số nhiễm HIV/AIDS đặt ra cho Thái Bình một thách thức trong việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho đối tượng này.

Chung tay nâng đỡ những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Những năm gần đây, hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại Thái Bình bước đầu được triển khai khá hiệu quả. Chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện triển khai từ năm 2003, hàng năm thu hút một lượng lớn khách hàng đến tư vấn và xét nghiệm. Chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS triển khai năm 2005 với phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi đáp ứng được phần nào nhu cầu chăm sóc, điều trị của người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, do địa bàn tỉnh rộng, nhiều khách hàng không tiếp cận được với dịch vụ tư vấn và xét nghiệm tự nguyện. Bên cạnh đó, do số người nhiễm ngày một tăng, nhu cầu đăng ký chăm sóc điều trị ngày càng cao, trong khi các phòng khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi ngày một quá tải, việc mở rộng các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS đã thực sự cần thiết.

Trước yêu cầu đó, Thái Bình được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ mở rộng hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Với sự hỗ trợ này, chương trình đã triển khai xuống các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thuỵ. Các can thiệp mà Dự án ưu tiên thực hiện là hỗ trợ, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm tại nhà và cộng đồng; tư vấn, xét nghiệm tự nguyện; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng lây nhiễm HIV/AIDS; cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Triển khai dự án, tại Trung tâm y tế các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thuỵ đã thành lập các phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và các phòng khám, điều trị ngoại trú.

Đội ngũ cán bộ tham gia dự án cũng được đào tạo về tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.  Tháng 8 năm 2010, các phòng khám chính thức đi vào hoạt động với nhiều hoạt động chuyên môn như đón tiếp khách hàng, thu nhận bệnh nhân vào điều trị...

Từ khi triển khai đến hết năm 2010, các phòng khám đã đón tiếp 1.455 khách hàng (đạt 98% kế hoạch năm) tư vấn, xét nghiệm, số khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính là 46 người, tiếp nhận điều trị 70 người nhiễm HIV/AIDS (đạt 42,4% kế hoạch). Hoạt động dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được triển khai tại 2 huyện Vũ thư và Thái Thuỵ cũng đạt kết quả tốt, đã có 2188 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm đầy đủ trong đó phát hiện 4 trường hợp dương tính HIV.

Đặc biệt, từ hệ thống các câu lạc bộ người nhiễm đang hoạt động tại các huyện, thành phố, với sự hỗ trợ của Dự án, các câu lạc bộ này đã mở rộng các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị tại nhà cho người nhiễm. Qua các buổi sinh hoạt hàng tháng, các câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm về điều trị tại nhà, đồng thời cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực này cho thành viên câu lạc bộ. Hoạt động khá hiệu quả nên hàng tháng có hơn 100 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc hỗ trợ điều trị tại nhà.

Ngoài các hoạt động hỗ trợ chăm sóc điều trị tại nhà, các câu lạc bộ người nhiễm còn tham gia tích cực các hoạt động có tính xã hội cao như tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ, giao lưu giữa câu lạc bộ với các đoàn thể quần chúng địa phương. Nhờ các hoạt động này, nhận thức của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS tại các địa phương có nhiều  thay đổi, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm giảm mạnh, phong trào phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng nhờ đó đã được nhiều ngành, nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, chăm sóc, điều trị toàn diện HIV/AIDS là một vấn đề mới, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham gia triển khai chương trình còn hạn chế. Để nâng hiệu quả hoạt động của chương trình, các hoạt động sẽ được dự án quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới là nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ dự án từ tỉnh đến huyện, duy trì và tăng cường các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở y tế và cộng đồng, nhân rộng mô hình hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm tại nhà trong các câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người nhiễm và gia đình họ vào công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn về HIV/AIDS.

Kế hoạch của dự án có 2400 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, 20 phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng, 20 trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ và được cấp sữa thay thế, 1650 khách hàng được tư vấn xét nghiệm HIV, 175 người nhiễm đựoc chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng và có 25 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị lao kết hợp trong năm 2011. 

       Trần Thu Hương

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày