Chủ nhật, 19/05/2024, 01:04[GMT+7]

Sân chơi cho trẻ em: “Chiếc áo quá chật”

Thứ 5, 19/05/2011 | 07:34:43
1,757 lượt xem
Sau một năm học tập căng thẳng, hè là lúc các em được “xả hơi”, thư giãn với các hoạt động vui chơi giải trí khác nhau. Đối với các em ở thành phố việc ghi danh vào một lớp học năng khiếu hè để rèn luyện, nâng cao thể chất, tinh thần hoặc tham gia các trò vui chơi, giải trí ngoài trời là chuyện đơn giản; còn ở nông thôn, những vùng khó khăn, không có điều kiện thì những ngày hè các em sẽ làm gì? Vui chơi, giải trí như thế nào? Đó là một câu hỏi chưa có lời giải đối với nhiều địa phương.

Hoạt động vui chơi tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh.

Thời gian 3 tháng hè khá dài, các em không còn sự ràng buộc của kỷ luật nhà trường, nhiều địa phương không có sân chơi, lại được sự thả nổi của gia đình nên các em dễ bị rủ rê, lôi kéo với đám bạn xấu và vấn đề phạm pháp là không tránh khỏi.

Nhìn lại toàn tỉnh hiện nay, chỉ có Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh là nơi duy nhất đáp ứng nhu cầu học tập các môn năng khiếu cũng nhu vui chơi, giải trí cho các bạn nhỏ. Tuy nhiên, cũng chỉ có thể đáp ứng một cách khiêm tốn, còn rất nhiều trẻ em và nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn đang cần lắm một sân chơi như thế.

Không có sân chơi, các em nhỏ thường tụ tập đá bóng trong những ngõ nhỏ, hay trên vỉa hè, thậm chí hai bên lề đường, mặc kệ nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hệ lụy từ việc thiếu sân chơi lành mạnh, thiếu người đứng ra tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí một cách khoa học, bài bản cũng là nguyên nhân để các em đến với các sân chơi tự phát thiếu kiểm soát của người lớn. Thực tế, không ít trẻ em đã chọn phòng internet làm sân chơi với các game bạo lực hay những hình ảnh đồi trụy, chat online... Một số trẻ em khác chọn ao hồ, sông suối... làm nơi tổ chức những trò chơi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trên địa bàn Thành phố mới chỉ có 2- 3 bể bơi dành cho thiếu niên nhi đồng, còn tại các huyện vẫn “trắng” bể bơi. Khi không có sự quản lý của gia đình, bố mẹ đi làm cả ngày, các em tự do rủ nhau ra sông, hồ tắm và nguy cơ dẫn đến chết đuối là điều có thể xảy ra. Nếu không có sự quan tâm của cộng đồng và gia đình, đặc biệt là việc tuyên truyền giáo dục ý thức và kỹ năng tự bảo vệ cho các em thì sẽ có nhiều cái chết đau lòng.

Cứ mỗi dịp hè về, hầu hết các bậc phụ huynh học sinh, nhất là tại thành phố lại đau đầu vì việc quản lý con cái. Cho con chơi gì, học gì, làm gì 3 tháng hè? Nhiều vị phụ huynh đưa con đến các lớp học. Nào là học nâng cao kiến thức, học vẽ, đàn, hát... nhưng chỉ với mục đích quản lý con 8 giờ hành chính. Nhiều gia đình “nhốt” con trong nhà, thích chơi gì, làm gì tùy con chọn- phim hoạt hình, siêu nhân, game online, truyện tranh... Vì vậy, đối với nhiều em ngày hè trở thành cực hình mà các em phải gánh chịu.

Nhiều phụ huynh chưa tính đến điều các em mong muốn. Đó là một sân chơi mang tính tập thể, bổ ích và an toàn. Còn đối với thiếu nhi nghèo vẫn cứ phải quanh quẩn trong xóm, khu lao động mà chưa có được sự quan tâm đúng mức. Nhiều sân chơi, trò chơi với các mô hình tàu lượn, nhà hơi, vẽ tranh, tô tượng... được đầu tư từ nguồn ngân sách, hay bằng phương thức xã hội hóa cũng chưa đến thật gần với trẻ em nghèo. Nhiều lắm, chỉ là dịp Tết trung thu được xã, phường, thị trấn tổ chức cho một đêm vui. Suy cho cùng, sân chơi dịp hè cũng chỉ là điểm đến của thành phần trung lưu, có đủ điều kiện kinh tế.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em không thể thiếu là quyền được vui chơi, giải trí. Các em đang “khát” lắm những sân chơi lành mạnh, bổ ích để có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Đã đến lúc, trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ em không chỉ dựa hết vào Nhà nước, mà cần hướng đến cộng đồng, sự chung tay của toàn xã hội. Điều này, phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở. Nhà nước cũng nên thực sự tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức có năng lực, tâm huyết đầu tư xây dựng những sân chơi tốt nhất cho trẻ em.

         Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày