Thứ 6, 17/05/2024, 18:40[GMT+7]

Nguồn sáng cho tâm hồn

Thứ 5, 01/06/2017 | 18:01:55
1,046 lượt xem
Các bạn lớp tiền hòa nhập, Hội Người mù tỉnh từ lâu đã quen thuộc với giọng đọc của cô Hà, cô Hương, cô Lan, cô Khuyên, cô Quỳnh Trang... Nhiều tháng qua, các cô luôn là người sát cánh cùng các bạn học sinh trong lớp, đọc cho các bạn nghe những cuốn sách hay, kể cho các bạn nghe những câu chuyện ý nghĩa. Các cô là những “giáo viên đặc biệt” đến từ Thư viện tỉnh.

Cán bộ Thư viện tỉnh đọc sách cho học sinh lớp tiền hòa nhập.

Với mục tiêu đưa sách đến phục vụ mọi đối tượng bạn đọc, Thư viện đã phối hợp với Hội Người mù tỉnh thực hiện chương trình đọc sách cho người khiếm thị, chương trình nhằm hỗ trợ người khiếm thị có cơ hội tiếp cận gần hơn với nguồn tri thức nhân loại. 

Khác với những tiết học văn hóa vào những ngày bình thường, chiều thứ năm hàng tuần, luôn có một giờ học mà các bạn lớp tiền hòa nhập mong chờ nhất đó là giờ nghe đọc sách. Giờ đọc tuy chỉ diễn ra trong 2 tiếng nhưng là sự chờ đợi của hơn 20 bạn học sinh trong suốt cả tuần liền. 

Cô giáo Nguyễn Hoài Thương, chủ nhiệm lớp cho biết: Cứ đến chiều thứ tư là các con đã hỏi tôi tuần này các cô bên thư viện có đến không?, các cô sẽ mang những sách gì đến?, bạn nào cũng háo hức chờ đợi. 

Còn Bùi Đức An, một học sinh của lớp hào hứng: Từ hôm các “cô giáo thư viện” đến đây đọc sách, em đã được nghe rất nhiều câu chuyện hay như: chuyện Thạch Sanh, sự tích dưa hấu, quả bầu tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng... Hôm nay, em rất mong được các cô kể thêm cho nghe nhiều câu chuyện hay nữa.

Giờ đọc bắt đầu, không khí lớp trở nên tĩnh lặng nhường chỗ lại cho giọng đọc truyền cảm của các “cô giáo thư viện”. Những bạn học sinh hiếu động nhất trong lớp cũng nghiêm chỉnh khoanh tay, ngồi ngay ngắn chờ nghe các cô đọc sách. 

Cô Phạm Thị Thắm, giáo vụ phụ trách công tác học tập Hội Người mù tỉnh cho biết: Người khiếm thị cũng có nhu cầu đọc sách giống như người bình thường, tuy nhiên nguồn sách phục vụ riêng cho đối tượng này còn hạn chế, các em trong lớp lại chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, kinh tế còn khó khăn do đó gia đình cũng ít chú ý đến việc tìm sách cho con đọc. Hệ thống sách của thư viện trường lại chủ yếu là sách giáo khoa, phục vụ giảng dạy nên học sinh ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn sách báo khác. Việc phổ biến đọc sách của thư viện là cơ hội tuyệt vời để các em mở mang vốn kiến thức cũng như nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Chị Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng Công tác bạn đọc Thư viện tỉnh cho biết: Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, Thư viện đã triển khai chương trình đưa sách tới Hội Người mù. Hoạt động này được duy trì vào chiều thứ năm hàng tuần, phục vụ chủ yếu đối tượng học sinh lớp tiền hòa nhập, đối tượng chưa được tiếp cận nguồn sách nói điện tử. Mỗi tuần, Phòng Công tác bạn đọc sẽ cử 2 cán bộ sang Hội Người mù thực hiện công việc đọc cho các học sinh lớp tiền hòa nhập.

Đồng hành cùng lớp tiền hòa nhập trong nhiều giờ đọc sách, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, cán bộ Phòng Công tác bạn đọc cảm nhận: Việc đọc sách cho người khiếm thị có rất nhiều khác biệt so với việc đọc sách cho những người bình thường. Nếu như người bình thường dễ dàng tưởng tượng được các nhân vật, sự việc diễn ra trong câu chuyện thì người khiếm thị cần nhiều hơn sự mô tả để có thể nắm bắt được nội dung một cách sát thực nhất. Do đó, cán bộ thư viện không chỉ tập trung vào nhiệm vụ đọc sách mà còn phải chỉ bảo cho các em học sinh những điều các em còn khúc mắc. Cũng giống như giáo viên, trong quá trình đọc, chúng tôi thường xuyên phải đặt ra những câu hỏi, vừa để các em ý thức sự tập trung, vừa để kích thích sự tư duy của các bé. Việc hướng dẫn cho các em tuy có đôi chút vất vả nhưng chỉ cần sau mỗi giờ đọc, các em có thể nêu cảm nhận về câu chuyện vừa nghe là chúng tôi đã cảm thấy vui lòng. 

Em Phạm Bá Lộc, học sinh lớp tiền hòa nhập tâm sự: Từ khi nghe các cô đọc truyện, em hiểu ra được nhiều rất điều hay. Em hiểu rằng khi chúng ta làm được điều tốt đẹp thì chúng ta sẽ được lại những điều tốt đẹp. Em mong muốn mình có thể thuộc được nhiều câu chuyện hay để kể lại cho các bạn khác cùng nghe và quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt, để khi lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

 Chương trình đọc sách cho người khiếm thị mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, giúp cho những con người không may khiếm khuyết một phần cơ thể có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi như những người bình thường, giúp họ có cơ hội khám phá những chân trời tri thức mới, hiểu thêm những giá trị sống tốt đẹp đồng thời cũng nuôi dưỡng tâm hồn người khiếm thị thêm lạc quan, yêu đời. Theo kế hoạch, việc đưa sách tới phục vụ các đối tượng chuyên biệt như người khuyết tật, trẻ mồ côi, phạm nhân,... sẽ tiếp tục được Thư viện tỉnh thực hiện trong thời gian tới. 

Hy vọng, với những nỗ lực của Thư viện tỉnh, việc đọc sách trong cộng đồng sẽ ngày càng được quan tâm, lợi ích tích cực của việc đọc sách sẽ được xã hội nhìn nhận đúng đắn.

Thảo Tiên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày