Thứ 6, 09/08/2024, 14:22[GMT+7]

Điểm đến của những người đam mê sinh vật cảnh.

Thứ 6, 10/06/2011 | 07:43:56
2,066 lượt xem
Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Bình được thành lập năm 1993, với 36 sáng lập viên. Gần 18 năm qua, 11.687 người đam mê sinh vật cảnh toàn tỉnh đã cùng nhau hội tụ và xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh.

Triển lãm sinh vật cảnh Thái Bình.

Hoạt động sôi nổi của Hội đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân, giúp họ xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, vừa thỏa mãn thú chơi tao nhã của nhiều người và góp phần giữ cho cảnh quan, môi trường xanh- sạch- đẹp.

Với mong muốn đưa sinh vật cảnh thành một nghề có thu nhập cao, đóng góp xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, 5 năm qua (2006- 2010) Hội Sinh vật cảnh (SVC) đã tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế sinh vật cảnh bằng nhiều hình thức như: Phối hợp làm gần 30 phóng sự truyền hình về sinh vật cảnh, thường xuyên tuyên truyền về SVC trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức nhiều hội nghị biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Mở 106 lớp dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ, mỹ thuật cho gần 7000 hội viên, trong đó có 686 lao động nông thôn. Tổ chức 433 đoàn, với 9.760 lượt cán bộ, hội viên đi thăm quan, học tập kinh nghiệm làm sinh vật cảnh  ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; liên hệ với chính quyền, các cơ quan chức năng tạo điều kiện về vốn, đất đai cho hội viên trồng cây cảnh…

Đến nay, toàn tỉnh có 4126 hội viên làm kinh tế SVC, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3 vạn lao động chính, lao động thời vụ. 10 hội viên đã thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Gần 3000 hội viên chuyển đổi 700 ha sang làm SVC thì có 698 hội viên xây dựng trang trại, nhà vườn, giá trị từ một đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều vùng, hộ gia đình thoát nghèo, giàu lên nhanh chóng nhờ phát triển SVC và ngày càng có thêm những cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng, chỉ ngắm thôi cũng đủ làm người xem ngây ngất.

Bên cạnh mục đích kinh tế, làm sinh vật cảnh còn góp phần cho cuộc sống thêm tươi đẹp, cảnh quan môi trường trong xanh, thoáng đãng, cũng là bù vào lượng cây xanh đang dần bị thu hẹp nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, xí nghiệp, nhà máy…

Chính vì sớm thấy được tầm quan trọng của cây cảnh nên thời gian qua, Hội SVC tỉnh không chỉ xây dựng kế hoạch cụ thể mà còn tích cực vận động hội viên tham gia quy hoạch, thiết kế bài trí, tư vấn kỹ thuật, mượn đất, bán tặng gửi tác phẩm SVC để tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển sinh vật cảnh tại gần 2500 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, nơi công cộng... 

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2004 giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Tài nguyên, môi trường, Tỉnh Hội đã xây dựng, hướng dẫn các cơ sở Hội thực hiện chương trình hành động “Bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững”. Phối hợp với Hội Y học cổ truyền cung cấp danh sách và những đặc tính cơ bản, kỹ thuật trồng, chăm sóc 30 loại cây cảnh thông thường có tác dụng chữa bệnh. Kiến nghị các giải pháp thiết thực, góp phần duy trì và phát triển các “Vườn cảnh- vườn thuốc nam” ở trạm y tế 286 xã, phường, thị trấn.

Được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh và ngành văn hóa, Tỉnh Hội đã đưa SVC vào làm đẹp thêm cho khuôn viên Nhà bảo tàng, đồng thời thành lập Trung tâm SVC trực thuộc tỉnh là nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thư giãn, giải trí của những người say mê, gắn bó và yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, đặc biệt là với lớp người cao tuổi.

Các cấp Hội trực tiếp hoặc phối hợp tổ chức 250 cuộc trưng bày, triển lãm SVC phục vụ nhân dân vui xuân đón tết, phục vụ đại hội Đảng các cấp, các ngày kỷ niệm lớn trong năm của tỉnh, của đất nước… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến chiêm ngưỡng. Trong đó phải kể đến triễn lãm SVC Đồng bằng sông Hồng năm 2010 “Mừng 80 năm thành lập Đảng- mừng xuân Canh Dần”. Hội đã chọn lựa những cây cảnh đẹp tham dự Festival SVC tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt tại Lễ hội SVC chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, 71 tác phẩm của Thái Bình tham gia trưng bày đều được đánh giá cao.

Chí tính từ năm 2006 đến hết năm 2010, Hội SVC tỉnh Thái Bình đã được Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TƯ Hội SVC Việt Nam, UBND tỉnh, UBND thành phố Hà Nội tặng 7 bằng khen, 95 lượt  tổ chức hội các cấp và 178 lượt cán bộ, hội viên được các cấp, các ngành, các tổ chức khen thưởng.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa