Thứ 6, 17/05/2024, 18:52[GMT+7]

70 năm thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Thái Bình

Thứ 3, 25/07/2017 | 10:30:23
1,678 lượt xem
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với đoàn đại biểu người có công Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đóng góp trên 100 triệu ngày công, trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến.

Với những đóng góp to lớn đó, Thái Bình đã có 98 tập thể, 78 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; 5.381 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; trên 26 vạn người được thưởng huân chương, huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Toàn tỉnh có trên 51.000 liệt sĩ, gần 33.000 thương binh, bệnh binh, gần 34.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nghi phơi nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Giúp binh sĩ bị thương”, nhân dân Thái Bình đã tích cực quyên góp tiền mua thuốc men, vật dụng… tặng bộ đội và chiến sĩ bị thương. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi Nhà nước ban hành các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, các cấp chính quyền trong tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ “hưu bổng thương tật” đối với thương binh và “chế độ tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ. Ngoài ra còn ưu tiên chia công điền, công thổ cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Nhiều cuộc vận động chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ do trung ương phát động như thành lập “Hội mẹ chiến sĩ", “Đón thương binh về làng” được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và thực hiện có kết quả.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Thái Bình đã tiếp nhận và giải quyết chính sách cho hơn 4.000 quân nhân phục viên về địa phương, 15.000 thương binh, bệnh binh miền Nam tập kết ra Bắc. Nhân dân trong tỉnh còn góp công, góp của cất bốc gần 8.000 hài cốt liệt sĩ quy tụ vào các nơi tập trung và xây dựng thành các nghĩa trang liệt sĩ. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ đã được thực hiện tốt như điều lệ ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ, chia cấp ruộng đất, giảm tô, giúp đỡ những người có công với cách mạng trong phong trào đổi công, hợp tác… Cuộc vận động “Đón thương binh về làng” phát triển thành phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Các mẹ, các chị đã đón nhận hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng về gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng, góp phần quan trọng để điều trị bệnh lý và ổn định sức khỏe cho anh em.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Thái Bình vừa tiếp tục động viên con em lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội và công tác thương binh, liệt sĩ. Các cơ sở an dưỡng tiếp nhận thương binh, bệnh binh gấp rút được thành lập, kịp thời đón 30.000 lượt thương binh, bệnh binh về điều trị, an dưỡng và giải quyết chính sách. Ngoài ra, Thái Bình còn tiếp nhận hơn 5.000 thương binh, bệnh binh tỉnh ngoài và gần 3.000 học sinh là con em chiến sĩ, đồng bào “tuyến lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị) về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục giải quyết các chính sách về thương binh, liệt sĩ, chế độ đãi ngộ người có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện các pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công của Thái Bình ngày càng được coi trọng, được chỉ đạo chặt chẽ, đạt kết quả đáng ghi nhận.

Các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cơ bản đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời như thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa 19/8/1945, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; thực hiện chi trả trợ cấp một lần cho người tham gia hoạt động kháng chiến theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 quy định chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến… 

Hiện toàn tỉnh có 70.099 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trong đó cán bộ hoạt động cách mạng 36 người; 239 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 15.873 người; bệnh binh 9.230 người; thân nhân liệt sĩ hưởng tuất hàng tháng 13.000 người…

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức, đoàn thể thăm, tặng quà thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng người có công Thái Bình.

Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình, đối tượng chính sách, người có công, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, 286/286 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 98,65% gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng.  Hàng năm có gần 50.000 người có công được hưởng chế độ điều dưỡng; hàng trăm nghìn người có công và thân nhân được cấp thẻ BHYT; gần 95.000 người có công, thân nhân liệt sĩ được tặng quà nhân dịp lễ, tết, ngày 27/7 với kinh phí từ ngân sách tỉnh gần 60 tỷ đồng. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện:

- Giai đoạn 1992 - 2011, toàn tỉnh xây mới, tu sửa, nâng cấp 17.282 nhà ở cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí 251,8 tỷ đồng từ nguồn huy động thông qua quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp; vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ và huy động ngày công lao động của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương.

- Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã tạm ứng ngân sách các cấp và huy động các nguồn khác hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 6.112 hộ người có công khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 247,26 tỷ đồng.

Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Ban Chỉ đạo đã tiến hành khảo sát mộ liệt sĩ hiện đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 18.193 mộ liệt sĩ, trong đó nằm trong 98 nghĩa trang liệt sĩ có 16.784 mộ; nằm trong các nghĩa trang nhân dân có 1.409 mộ. Mỗi năm có hàng trăm hài cốt liệt sĩ người Thái Bình được giám định, xác định danh tính và di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ quê hương.

Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 8 đền thờ liệt sĩ; 74 đài tưởng niệm liệt sĩ; 56 nhà bia liệt sĩ; 98 nghĩa trang liệt sĩ. 70 năm qua, ngân sách trung ương đầu tư cho công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ của tỉnh lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương, huy động thông qua quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và vận động các tổ chức, cá nhân  cũng đã dành hàng nghìn tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật và giáo dục truyền thống như Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ Liệt sĩ các huyện Kiến Xương, Hưng Hà, Tiền Hải…

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Ðảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ lao động - thương binh và xã hội, đặc biệt là cấp cơ sở. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.

3- Tiếp tục giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để sót theo đúng chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo đảm mọi người có công đều được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước.

4- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

5- Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

6- Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác người có công với cách mạng và phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

7- Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng, thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi cho người có công với cách mạng.

Nguyễn Văn Bái 

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày