Thứ 6, 09/08/2024, 14:21[GMT+7]

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

Thứ 3, 14/06/2011 | 10:31:03
1,752 lượt xem
TBĐT: Ngày 2/6/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Công văn số 182 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Toàn văn như sau:  

Ảnh nguồn thaibinhtv

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng nói chung, người nhiễm chất độc da cam nói riêng, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện và thực hiện có hiệu quả phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, huy động toàn xã hội tham gia chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm chất độc dam cam giảm bớt khó khăn, vượt lên bệnh tật, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

 

Toàn tỉnh hiện có trên 3 vạn người nhiễm chất độc da cam, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người mắc các chứng bệnh nan y, con cháu của họ bị dị dạng, dị tật và nhiều gia đình có từ 2-3 con bị nhiễm, đang cần sự giúp đỡ của toàn xã hội. Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại do cuộc chiến tranh hóa học của quân đội Mỹ gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam nói chung và người dân Thái Bình nói riêng; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

 

Thực hiện Thông báo số 409-TB/TW, ngày 6/1/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2011), Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

 

1. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về thảm họa da cam ở Việt Nam, tính chất nguy hiểm, những thiệt hại đối với môi trường sống và sức khỏe con người do cuộc chiến tranh hóa học của quân đội Mỹ đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam gây ra; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội và mỗi người dân trong tỉnh đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; phát huy vai trò tích cực và huy động toàn xã hội, nhất là cộng đồng dân cư, tham gia ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần.

 

2. Tổ chức mít tinh kỷ niệm ở cấp tỉnh và cấp huyện, gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam ở các xã, phường thị trấn và các hoạt động phong phú kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, bảo đảm có ý nghĩa thiết thực, tiết kiệm, khơi dậy và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhân đạo của dân tộc, tinh thần cảm thông, chia sẻ sâu sắc của cộng đồng đối với những nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ; thăm hỏi động viên các nạn nhân chất độc da cam, biểu dương những gương người nhiễm chất độc da cam vượt lên bệnh tật, nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo; nêu gương người tốt việc tốt trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

 

3. UBND tỉnh chỉ đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cảm ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền các huyện, Thành phố chỉ đạo và tạo điều kiện tổ chức lễ kỷ niệm; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức gặp mặt các nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động kỷ niệm khác ở xã, phường, thị trấn, bảo đảm các yêu cầu nêu trên; đồng thời, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 8/6/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

 

4. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm, gặp mặt và các hoạt động kỷ niệm; chủ trì, phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ người bị nhiễm chất độc da cam; quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đúng mục đích, khác quan, hiệu quả.

 

5. Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì, phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các tổ chức thành viên phát động, tổ chức thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” và tiến hành tổng kết vào ngày 11/8 hằng năm.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam, những thiệt hại mà người dân Thái Bình đang phải gánh chịu; phản ánh các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và hoạt động kỷ niệm ở các địa phương, đơn vị.

 

Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

  • Từ khóa