Thứ 7, 18/05/2024, 13:17[GMT+7]

Giải pháp nào để báo chí Thái Bình tuyên truyền, đấu tranh, phản bác có hiệu quả những thông tin xấu, độc hại trên internet hiện nay?

Thứ 2, 21/08/2017 | 09:12:56
2,119 lượt xem
Sự ra đời và phát triển như vũ bão của không gian mạng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người và cho quá trình phát triển tất yếu của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển ấy cũng mang đến nhiều hệ lụy khó lường, trong đó xuất hiện không ít thông tin xấu, độc hại, sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều khi làm rối loạn môi trường thông tin.

Ảnh minh họa.

Trong thời đại công nghệ số, các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại đã góp phần đưa các quốc gia, khu vực trên thế giới xích lại gần nhau thông qua không gian mạng. Sự phát triển kỳ diệu của không gian mạng đã tạo ra một thế giới phẳng với xa lộ thông tin rộng lớn kết nối toàn cầu. Sự ra đời và phát triển như vũ bão của không gian mạng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người và cho quá trình phát triển tất yếu của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển ấy cũng mang đến nhiều hệ lụy khó lường, trong đó xuất hiện không ít thông tin xấu, độc hại, sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều khi làm rối loạn môi trường thông tin.

Trước thực trạng trên, báo chí truyền thông nói chung, các cơ quan báo chí trong tỉnh nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp cận thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội để mọi người có nhận thức đúng đắn về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh, ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như hiểu rõ và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tuyên truyền, đấu tranh, phản bác có hiệu quả những quan điểm sai trái, những thông tin xấu, độc hại xuất hiện trên không gian mạng. Vậy, giải pháp nào để báo chí Thái Bình đấu tranh, phản bác có hiệu quả thông tin xấu, độc hại trên mạng internet hiện nay?

Thực tiễn cho thấy chỉ khi nào người dân được tiếp cận thông tin chính thống một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác thì khi đó họ mới có nhận thức đúng và “miễn dịch” và “tự đề kháng” trước những quan điểm sai trái, những thông tin thất thiệt, độc hại; từ đó, chủ động đấu tranh loại bỏ những thông tin này một cách hiệu quả nhất. Để giữ vững “trận địa thông tin”, bảo vệ quyền tự do thông tin, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc cơ chế cung cấp thông tin (người phát ngôn) đối với báo chí, truyền thông. Cùng với đó, chủ động định hướng tư tưởng cho người dân trước những sự kiện “nóng”, sự kiện nhạy cảm, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời làm rõ những vấn đề phức tạp mà xã hội đang quan tâm, không để người dân bị “đói”, bị “nhiễu” thông tin.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 cơ quan báo chí chủ lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động báo chí, đó là Báo Thái Bình và Đài PTTH tỉnh. Với gần 160 hội viên Hội Nhà báo đang sinh hoạt, công tác ở 5 chi hội và Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi, đây là lực lượng nòng cốt của Hội Nhà báo tỉnh trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và phản bác thông tin xấu và độc hại. Lực lượng này rất cần được quan tâm, tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn để họ không ngừng sáng tạo các tác phẩm báo chí, tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc hại dưới mọi hình thức, góp phần định hướng, làm sạch môi trường thông tin.

Đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng là việc làm thường xuyên nhưng không hề đơn giản. Do đó, cùng với lực lượng rộng rãi, cần tổ chức lực lượng đấu tranh nòng cốt, chuyên sâu. Đây là lực lượng bao gồm những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ lý luận sắc bén, nhiệt huyết, dũng khí và có khả năng chuyên môn cao trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật, khai thác thông tin để viết bài đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc hại. Để phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ này ngoài việc quan tâm chú trọng mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, cần khuyến khích, động viên tự học, tự rèn nâng cao trình độ mọi mặt, cập nhật thông tin và tình hình thực tiễn... Đồng thời chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và các điều kiện giúp họ phát huy năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp, chấp hành nghiêm Luật Báo chí, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, chủ động, tích cực đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng. Cùng với với đó, cần thực hiện tốt phương châm gắn “xây với chống”, lấy xây là chính, chống là quan trọng. Trong quá trình thực hiện, cần xây dựng quy chế, quy định sử dụng mạng phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ tài liệu mật; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, kỷ luật thông tin, không để kẻ xấu lợi dụng thông tin để “nhào nặn” thành tin thất thiệt phục vụ cho mưu đồ xấu.

Khi phát hiện có thông tin xấu, độc hại lan truyền trên không gian mạng, các cơ quan báo chí cần chủ động kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí. Khi có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan báo chí cần thống nhất quan điểm và tư tưởng chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, kịch bản tuyên truyền, phản bác trên các ấn phẩm, từng số báo; tổ chức viết tin, bài phản bác đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng (cử những hội viên, nhà báo có uy tín và kinh nghiệm, nhanh chóng xác minh cụ thể nội dung nguồn tin, động cơ, mục đích đối tượng đưa tin). Sau khi đăng tải hàng loạt bài đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại, các cơ quan báo chí tiến hành kiểm soát, đánh giá dư luận xã hội, ý kiến phản hồi của công chúng báo chí về những vấn đề báo chí đã đăng tải. Từ đó điều chính bổ sung nội dung, tần suất tin, bài những số báo tiếp theo cho phù hợp. Khi cần thiết có thể mở các chuyên đề, chuyên mục, chuyên trang, tọa đàm để công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu đạt hiệu quả cao.

Chính kiến của các cơ quan báo chí trước những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng phải chủ động, kiên quyết, tích cực, có quan điểm đúng đắn,  vững vàng; đấu tranh, phản bác có cơ sở, có lý, có tình, có tính thuyết phục, đúng pháp luật, tạo được sự ổn định chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của công chúng báo chí và toàn xã hội.

Để báo chí hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài sự chủ động, nỗ lực, tự thân của mỗi cơ quan báo chí rất cần sự phối hợp có hiệu quả của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đặc biệt là sự chỉ đạo, định hướng kịp thời sâu sát, cụ thể của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý báo chí. Có như vậy việc tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng mới đạt hiệu quả cao.

"Thời gian qua, các cơ quan báo, đài trong tỉnh đã thể hiện rõ chính kiến, quan điểm của mình trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng cũng như có những đóng góp quan trọng và hiệu quả trong việc định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề bức xúc, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn."


Phí Văn Thành 

(Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày