Thứ 7, 18/05/2024, 10:57[GMT+7]

Giải quyết tình trạng thiếu công chức cấp xã ( Kỳ 1)

Thứ 2, 21/08/2017 | 09:37:00
3,872 lượt xem
Trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu nhiều công chức cấp xã gây khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chính quyền và việc giải quyết công việc của các xã, phường, thị trấn. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp để bố trí công chức cấp xã còn thiếu theo quy định.

Cán bộ HTX SXKD DVNN xã Thụy Hưng (Thái Thụy) cùng xã viên kiểm tra đồng ruộng.

Tình trạng thiếu công chức cấp xã đã kéo dài mấy năm nay và ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. Qua thực tế cho thấy, có địa phương thiếu 3 - 4 công chức, phổ biến thiếu 1 - 2 công chức ở cả ví trí công chức bắt buộc và công chức tăng thêm.

Khó khăn cho bộ máy chính quyền cơ sở

Năm 2017, huyện Kiến Xương được giao biên chế 453 công chức cấp xã nhưng đến thời điểm hiện nay mới có 381 công chức, còn thiếu 72 công chức. Nhiều xã thiếu 3 - 4 công chức ở các vị trí khác nhau và đều tự xoay sở, bố trí người để giải quyết các công việc nên gặp khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thanh Tân là một trong những xã thiếu nhiều công chức của huyện Kiến Xương với 5 vị trí là: tài chính - kế hoạch, xây dựng - giao thông - công thương, văn phòng UBND xã, phó trưởng công an xã, phó chỉ huy trưởng quân sự xã. 

Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Toàn xã hiện có 6.300 nhân khẩu. Để duy trì các hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì cần có cán bộ, công chức thực hiện. Thanh Tân đang trong quá trình đô thị hóa, chuẩn bị các công việc phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại V nên khối lượng công việc rất lớn mà thiếu công chức xã nên rất khó khăn. Giải quyết tình trạng trên, xã tạm thời bố trí đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên không đủ điều kiện về độ tuổi tái cử nhiệm kỳ 2017 - 2022 sang đảm nhận công việc của Văn phòng UBND xã chờ tỉnh bố trí công tác, thuê người đảm nhận công việc lĩnh vực xây dựng - giao thông - công thương; những vị trí còn lại bố trí cán bộ và công chức cùng vị trí kiêm nhiệm nên dù thiếu công chức nhưng mọi công việc đều được giải quyết nhanh gọn. Tuy nhiên, khối lượng công việc hàng ngày rất nhiều mà cán bộ, công chức kiêm nhiệm thời gian dài lại chưa có chế độ phụ cấp rất thiệt thòi, vì vậy xã rất mong muốn tỉnh, huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phương án giải quyết phù hợp.

Giống như Kiến Xương, huyện Thái Thụy hiện cũng thiếu 91 công chức cấp xã ở các vị trí khác nhau và ở nhiều xã, 3 cán bộ đoàn không đủ điều kiện về độ tuổi tái cử nhiệm kỳ 2017 - 2022 chờ bố trí công tác. Huyện Vũ Thư hiện cũng thiếu 58 công chức cấp xã ở các vị trí khác nhau, trong đó có xã 3 - 4 công chức, phổ biến thiếu 1 - 2 công chức, có những xã thiếu cả trưởng và phó công an và xã Trung An là một điển hình. 

Ông Nguyễn Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã Trung An cho biết: Xã có 4 thôn, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp mà thiếu cả trưởng công an xã và phó trưởng công an xã nên rất khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Hiện nay, chúng tôi bố trí đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm nhiệm vị trí Trưởng Công an xã. Hàng tuần, lãnh đạo UBND xã tổ chức giao ban với lực lượng công an xã, chỉ đạo phối hợp tích cực với các đồng chí thuộc lực lượng công an huyện nằm vùng để giữ vững an ninh trật tự của địa phương. Hiện nay, xã đang tìm nguồn đề xuất với cấp trên xét tuyển vị trí trưởng công an xã, còn vị trí phó trưởng công an xã vẫn chờ phương án bố trí sắp xếp. Đây là những vị trí công việc nhạy cảm, phức tạp, cần người nắm chắc địa bàn nên tôi đề nghị tỉnh và Sở Nội vụ tạo điều kiện cho xét tuyển cả 2 chức danh, sau khi bố trí công việc cần tạo điều kiện cho các đồng chí đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công việc được giao.

Công chức xã ở cơ sở phải đảm nhiệm nhiều công việc.

Nguyên nhân do đâu?

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Theo Nghị định số 92 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Thông tư liên tịch số 03 liên bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 92 thì ngoài 7 chức danh công chức Chính phủ quy định bắt buộc trong toàn quốc, có quy định về số lượng công chức tăng thêm. Trong đó, UBND cấp tỉnh quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng xã, không nhất thiết xã, phường, thị trấn nào cũng bố trí tối đa số lượng cán bộ, công chức quy định; đồng thời căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ từng xã, phường, thị trấn hướng dẫn việc kiêm nhiệm và bố trí những chức danh công chức được tăng thêm người đảm nhiệm. Đối với Thái Bình, HĐND tỉnh (khóa XIV) có nghị quyết và UBND tỉnh đã có quyết định bố trí mức tối đa số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định nên tỉnh không quy định kiêm nhiệm chức danh cán bộ, công chức cấp xã và chế độ phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2017, tổng số biên chế công chức cấp xã trong toàn tỉnh giao là 3.414 người, song số công chức cấp xã có mặt đến thời điểm tháng 4/2017 mới có 2.982 người, thiếu 432 người. Cụ thể công chức thiếu phải xét tuyển đối với 2 vị trí: trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự cấp xã là 15 người. Công chức thiếu phải thi tuyển là 417 người. Trong đó, chức danh văn phòng - thống kê 39 người, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã) hoặc địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) 96 người; chức danh tài chính - kế toán 29 người; chức danh tư pháp - hộ tịch 179 người; chức danh văn hóa - xã hội 74 người. Trong số 417 công chức cấp xã thiếu thuộc diện thi tuyển có 25 công chức bắt buộc và 392 công chức tăng thêm. Số công chức thiếu thuộc 220 xã, phường, thị trấn; trong đó 203 xã, phường, thị trấn tuy thiếu về số lượng song vẫn bảo đảm đủ 7 chức danh công chức bắt buộc.

Được biết, thiếu công chức cấp xã xuất phát từ các nguyên nhân: Năm 2014, UBND tỉnh đã tổ chức thi tuyển để kiện toàn đủ số công chức cấp xã theo định biên nhưng một số địa phương vẫn chưa tuyển dụng đủ. Năm 2015 - 2016 và từ đầu năm 2017 đến nay, có một số lượng công chức cấp xã đến tuổi nghỉ hưu, chuyển sang lĩnh vực công tác khác, trong khi UBND tỉnh chưa tổ chức thi tuyển bổ sung dẫn đến tình trạng thiếu chung trong toàn tỉnh. Do đặc thù của 1 công chức xã chỉ thực hiện một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà thiếu đã gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương đã bố trí người kiêm nhiệm hoặc tuyển dụng hợp đồng ngắn hạn song không phải ai và vị trí nào cũng có thể kiêm nhiệm được bởi liên quan đến trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ và chế độ phụ cấp cho người kiêm nhiệm. Đặc biệt, việc các xã tự hợp đồng người vào làm việc ở những vị trí khuyết thiếu cũng không có nguồn chi trong ngân sách nhà nước nên các địa phương cũng rất khó khăn. Hiện tại, các xã, phường, thị trấn đang phải tiếp tục bố trí người kiêm nhiệm công việc của vị trí còn thiếu để chờ thực hiện phương án bố trí sắp xếp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và  hướng dẫn của Sở Nội vụ.

Công chức cấp xã là lực lượng quản lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở. Đây là đối tượng đảm nhiệm các công việc với nhiều nhóm kỹ năng tác nghiệp khác nhau, từ quản lý, theo dõi, điều tra, xây dựng văn bản báo cáo đến việc thực hiện các công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gia đình, truyền thông… Tình trạng thiếu công chức cấp xã đã kéo dài mấy năm nay không chỉ khó khăn cho hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở mà đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt thòi nhất vẫn là người dân khi đến cơ quan hành chính cấp xã liên hệ giải quyết công việc. Thiếu công chức có thể sẽ giải quyết chậm các thủ tục hành chính, từ đó sẽ gây nên những bức xúc, mâu thuẫn tại cơ sở. Vì vậy, giải quyết tình trạng thiếu công chức cấp xã là yêu cầu bức thiết hiện nay nhưng cũng cần phải có giải pháp đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở. Điều này chỉ có thể thực hiện tốt khi tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các huyện, thành phố và quan trọng nhất là của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

(còn nữa)

Nguyễn Hình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày