Thứ 6, 09/08/2024, 14:26[GMT+7]

Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở Cần có một cơ chế phù hợp

Thứ 6, 08/07/2011 | 08:05:31
1,897 lượt xem
Cán bộ công đoàn là khâu quan trọng, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Thực tế phong trào công nhân, hoạt động công đoàn cho thấy “cán bộ nào phong trào ấy”.

Dây chuyền là hơi của Công ty TNHH Hanul (Kiến Xương).

Ở đâu cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ, khả năng vận động, tập hợp quần chúng, có bản lĩnh và tâm huyết thì ở đó phong trào công nhân, hoạt động công đoàn phát triển, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động được bảo đảm, vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên, người lao động (NLĐ) tin tưởng và gắn bó với công đoàn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là ở hầu hết các doanh nghiệp kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, không đủ mạnh để có thể bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chưa có một cơ chế phù hợp đối với cán bộ công đoàn ở cơ sở. Vai trò của công đoàn tại các đơn vị cơ sở hiện nay còn mờ nhạt. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu còn kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, lại phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp nên không phát huy được vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ ở cơ sở.

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Hữu Hoàn- Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Hanul (Kiến Xương) đã thẳng thắn bộc bạch: Cái khó nhất đối với cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay là cán bộ công đoàn ăn lương của chủ doanh nghiệp nên việc phát huy khả năng, vai trò của mình trong việc đòi quyền lợi cho NLĐ là “khó”, nhiều lúc phải “tế nhị” và thực sự phải là người tâm huyết, phải có cái tâm thì mới có thể làm một cán bộ công đoàn giỏi trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đối với bản thân tôi, là người làm công ăn lương cho chủ nhiều lúc tôi cũng rất khó xử nhưng quan điểm của tôi mình là người Việt Nam, trước tiên phải vì lợi ích của những người “trong nhà”.

Có rất nhiều việc mà tổ chức công đoàn đã đứng ra bảo vệ được quyền lợi của công nhân lao động, như : Yêu cầu chủ sử dụng lao động phải tăng tiền chuyên cần, tiền ăn ca, một số chế độ chính sách khác cho người lao động sau khi Công ty đã hứa tăng nhưng không đáp ứng.

Với sự vào cuộc trực tiếp của Liên đoàn lao động huyện, Công ty Hanul đã phải chấp nhận tăng từ 100.000 lên 300.000 đồng tiền chuyên cần, tiền ăn ca từ 5.000 lên 7.000 đồng, phụ cấp 100.000 đồng tiền xăng xe, hỗ trợ 50.000 đối với mỗi công nhân ngồi may trực tiếp trong năm 2010. Đặc biệt là Công đoàn Công ty đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho NLĐ khi mà Ban giám đốc Công ty quyết định những ngày mất điện sẽ làm bù vào ngày chủ nhật và công nhân vẫn hưởng lương như ngày thường nhưng công nhân không đồng ý. Sau các cuộc họp, thương lượng giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn, cuối cùng chủ doanh nghiệp đã phải chấp nhận trả lương 200% cho NLĐ vào các buổi làm bù ngày chủ nhật. Nhiều người cho đó là việc làm nhỏ, nhưng đối với những người làm công tác công đoàn thì thật có ý nghĩa, bởi họ đã góp một phần giúp bảo vệ quyền lợi của NlĐ.

Nhưng không phải ở doanh nghiệp nào, tổ chức công đoàn cũng đứng ra bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ. Thực tế đã có những cán bộ công đoàn có năng lực nhưng bị chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động. Thực trạng này đã khiến cho nhiều cán bộ công đoàn khác vì sợ mất việc làm mà không muốn tham gia tổ chức công đoàn hoặc nhận rồi để đó, chỉ muốn an phận làm việc, có thu nhập.

Các cuộc đình công, lãn công tự phát diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày một tăng nhưng vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở rất nhờ nhạt, thậm trí hoàn toàn không có vai trò. Mặc dù biết những nguyên nhân và manh nha diễn ra lãn công nhưng họ không dám đứng ra là vì sợ chủ trù dập, sa thải, bị mất việc làm. Từ đầu năm đến nay đã có 3 cuộc lãn công diễn ra trên địa bàn tỉnh, dù đều sai luật, không có sự tổ chức của công đoàn, nhưng ở tất cả các cuộc lãn công đó, mâu thuẫn phát sinh đều do chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho NLĐ.

Sau khi có sự vào cuộc của các ngành liên quan, trong đó có tổ chức công đoàn một số quyền lợi của NLĐ đã được chủ sử dụng lao động chấp nhận. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn cơ sở. Bởi, công đoàn chính là cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và NLĐ; là con đường ngắn nhất để chủ doanh nghiệp và NLĐ hiểu biết lẫn nhau, có những trao đổi kịp thời, tránh dẫn tới bức xúc, hiểu lầm làm phương hại đến quan hệ lao động.

Vì vậy, cần phải có những giải pháp để bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở bị chủ doanh nghiệp trù dập, sa thải và nhất là để tiếng nói của cán bộ công đoàn cơ sở thực sự là tiếng nói chính đáng của NLĐ, thực sự mạnh, đủ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ đang là một đòi hỏi đặt ra từ thực tế ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: Đức Dũng
        

  • Từ khóa