Thứ 6, 09/08/2024, 14:22[GMT+7]

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG Mục tiêu số 1 của công tác dân số trong giai đoạn mới

Thứ 6, 08/07/2011 | 16:15:21
1,702 lượt xem
Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Những năm gần đây, chất lượng dân số tại Thái Bình đang từng bước được nâng cao.

Theo báo cáo đánh giá của Ban Tuyên giáo và Sở Y tế về 10 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ và Chiến lược Dân số/SKSS  giai đoạn 2001-2010, tuổi thọ trung bình của dân số Thái Bình đạt 75 tuổi, thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2010 là 850 USD. Trong giáo dục, Thái Bình cũng là một trong 9 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; huy động trẻ em vào lớp 1 đạt 99,9% (cả nước 97,5%); tỷ lệ hộ nghèo bảo đảm theo tiêu chuẩn; chỉ số phát triển con người (HDI) 0,714, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, chất lượng dân số tại Thái Bình ở nhiều khía cạnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có những nghiên cứu cụ thể song theo đánh giá của ngành y tế, các tố chất về thể lực trong dân số Thái Bình còn hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng, sức bền của vị thành niên và thanh niên. Tỷ lệ người khuyết tật tại Thái Bình cũng chiếm tỷ lệ cao so với cả nước. Vấn đề sức khoẻ người già, sức khoẻ sinh sản của phụ nữ, vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.

Điều này thể hiện trên các khía cạnh như tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa và tái nhiễm sau điều trị còn cao (tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản trong các đợt khám cộng đồng chiếm tới hơn 70%), tình trạng nạo hút thai khá phổ biến (0,6 ca/1 ca sinh), đặc biệt có xu hướng tăng ở vị thành niên và thanh niên: giới, bình đẳng giới và vị thành niên trong chăm sóc SKSS chưa được quan tâm đúng mức...

Là tỉnh có mật độ dân số đông, Thái Bình cũng phải chịu những sức ép của việc giải quyết việc làm, di dân tự do. Những năm gần đây, vấn đề di dân tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nhà ở, nâng cao mức sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và công tác quản lý xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội. 

Chính vì vậy, chất lượng dân số đang được đặt lên hàng đầu, được coi là mục tiêu số 1 của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay. Làm gì để cải thiện mục tiêu này. Đó là việc thực hiện các vấn đề cải thiện chất lượng giống nòi, phấn đấu giảm dần tỷ lệ dị tật bẩm sinh, tỷ lệ chết trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, cân bằng giới tính khi sinh... Bên cạnh đó là việc nâng cao trí tuệ, tinh thần, mức sống cho người dân...

Quan tâm đến công tác dân số, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa ban hành Nghị quyết số 04 về công tác dân số, sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020. Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu giảm dần tỷ lệ dị tật bẩm sinh, giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống dưới 10%o, trẻ em dưới 5 tuổi dưới 13%o, tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2500gram dưới 3%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 15%.

Nghị quyết cũng nêu, toàn tỉnh phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, khống chế ở mức 111 nam/100 nữ năm 2015 và 109 nam/100  năm 2020; tỷ lệ người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 80%; giảm tỷ lệ nạo phá thai xuống còn 0,3ca/1ca đẻ sống vào năm 2020, cải thiện sức khoẻ sinh sản cho các nhóm dân số đặc thù.

Bên cạnh đó là mục tiêu về tăng thể lực và tuổi thọ trung bình của người dân lên 77 tuổi vào năm 2020; phấn đấu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 1800-1900 USD; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 55% trở lên trong đó đào tạo nghề là 41,5%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 32 nghìn lao động.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết đã nêu 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho công tác dân số trong giai đoạn tới là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác dân số và sức khỏe sinh sản; nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và sức khoẻ sinh sản; nâng cao chất lượng dịch vụ dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số và sức khoẻ sinh sản các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực tài chính và xây dựng cơ chế chính sách dân số, KHHGĐ.

Hiện tại, ngành Y tế cũng đang triển khai một số chương trình nhằm cải thiện tình trạng thể chất của dân số Thái Bình. Chương trình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” nhằm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh sinh ra bị dị tật. Chương trình “Tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân” nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản cho thanh niên và vị thành niên. Đề án “Kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển”nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản và chất lượng dân số các vùng biển... Các chương trình, đề án này bước đầu đạt một số kết quả so với mục tiêu đề ra. Với sự chỉ đạo của Nghị quyết, sự triển khai tích cực các hoạt động của ngành chuyên môn, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hy vọng chất lượng dân số Thái Bình sẽ tiếp tục được nâng cao trong giai đoạn tới.

Trần Hương

  • Từ khóa