Thứ 6, 09/08/2024, 14:24[GMT+7]

Cấp cứu 115 xin nghe!

Thứ 6, 22/07/2011 | 08:17:20
6,604 lượt xem
Tôi đã từng nhấc máy điện thoại gọi đến 115 và nhận được câu trả lời: Cấp cứu 115, xin nghe! Bất kỳ người nhà bệnh nhân nào đang trong cơn nguy kịch, nhận được tín hiệu như thế đều thấy nhẹ nhõm, vơi bớt nỗi lo. Một ngày, một tháng, thậm chí mỗi giờ... có  bao nhiêu cuộc gọi đến 115 như thế? Và, có bao số phận được cứu sống, bao con người được kéo ra khỏi tay “thần chết”?

Đội xe cấp cứu 115 tham gia xử lý tình huống giả định cứu người bị mắc dịch trong cuộc diễn tập khống chế và tiêm phòng bao vây ổ dịch cúm gia cầm năm 2010 tại huyện Đông Hưng. Ảnh: Ngọc Trâm

Câu chuyện vào buổi chiều mưa đầu tháng 7, giữa tôi và Giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, Trần Văn Bội, có thể không thỏa mãn những ai quan tâm đến “cấp cứu 115”. Song, cũng phần nào chia sẻ được với công tác cấp cứu trước viện, những khó khăn và cả nghịch lý nữa.

Anh Bội kể rằng: Không phải các chiến sĩ công an hay quân đội trực chiến đấu 24/24 giờ... mà các  anh – những cán bộ, nhân viên cũng luôn thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ, bất kể lúc nào, mưa hay nắng, bão bùng hay lúc nửa đêm... Chỉ cần nhận được tín hiệu là lên đường. Mỗi ngày Trung tâm bố trí 5 đội thường trực và hai đội thường trú. Vậy mà do nhu cầu cấp cứu lên cao, phải huy động 100% quân số.

Trong các dịp lễ, tết... Khi mọi người đang quây quần bên mâm cỗ tất niên hoặc đón năm mới... cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn phải gác lại niềm vui riêng, lên đường làm nhiệm vụ cấp cứu. Giây phút ấy, trước mặt họ là cái chết và sự sống của nhân dân, bất luận họ là ai, ở đâu? Anh Bội chuyển cho tôi danh sách một số trường hợp cụ thể.

Hồi 15 giờ 50 phút ngày 5/1/2011, Bệnh viện Thái Ninh gọi 115 cấp cứu bệnh nhân Vũ Thị Nhuần, 28 tuổi, quê ở xã Thái Hòa (Thái Thụy). Chẩn đoán: Rau cài răng lược, đã chi viện kỹ thuật, máu, mổ cấp cứu, tại bệnh viện huyện. Truyền 4 đơn vị máu A+ 2 đơn vị khối H/C (A); sau mổ, bệnh nhân mạch, huyết áp ổn định, để lại điều trị tiếp.

Hồi 15 giờ 55 phút, ngày 26/2/2011, Bệnh viện Tiền Hải gọi cấp cứu bệnh nhân Trần Thị Mồi, 63 tuổi, quê Đông Cơ (Tiền Hải). Chẩn đoán vỡ tạng, đặc, do tai nạn giao thông. Đã chi viện kỹ thuật, máu, mổ cấp cứu tại bệnh viện huyện. Bệnh nhân bị đứt khúc 2 tá tràng, nối vị tràng, dẫn lưu truyền 500ml máu A. Sau mổ, bệnh nhân mạch huyết áp ổn định.

14 giờ 20 phút ngày 23/3/2011, trạm y tế xã Bình Nguyên (Kiến Xương) gọi 115 cấp cứu bệnh nhân Đào Thị Nguyệt 39 tuổi, chẩn đoán: Chửa ngoài tử cung, vỡ, trụy mạch... Đã chi viện kỹ thuật, máu và mổ cấp cứu tại xã. Cắt khối chửa, khâu, cầm máu, truyền 1250ml máu O, 500 ml huyết tương O. Sau mổ, huyết áp bệnh nhân ổn định.

9 giờ 30 ngày 28/3/2011, Bệnh viện Tiền Hải, gọi cấp cứu bệnh nhân Đỗ Thanh Hải, 19 tuổi ở thị trấn Tiền Hải, bị vỡ gan. Đã chi viện kỹ thuật, máu, mổ cấp cứu tại bệnh viện huyện. Khâu cầm máu,  truyền 900ml máu O.

Bệnh viện Kiến Xương gọi cấp cứu bệnh nhân Vũ Thị Hương, 32 tuổi, bị băng huyết sau đẻ đã chi viện kỹ thuật, máu, mổ cấp cứu.

4 giờ sáng ngày 14/6/2011, Bệnh viện Quỳnh Côi, gọi cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàn 32 tuổi, ở Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ), chẩn đoán rau cài răng lược, chảy máu, trụy mạch, đã truyền máu, mổ cấp cứu tại trạm y tế xã Quỳnh Châu.

10 giờ ngày 29/6/2011, trạm y tế xã Duy  Nhất (Vũ Thư) gọi cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, 34 tuổi bị đau bụng, trụy mạch. Trung tâm đã điều kíp cấp cứu xuống hồi sức bệnh nhân GEU vỡ, trụy mạch, xin kíp phẫu thuật máu, mổ cấp cứu tại nhà bệnh nhân. Chẩn đoán: Chửa ngoài tử cung, vỡ, trụy mạch. Biện pháp xử lý: cắt khối chửa, khâu cầm máu truyền 2200 ml máu gồm 700ml máu O và 1500 ml máu A. Sau mổ, bệnh nhân mạch, huyết áp ổn định, chuyển đến bệnh viện phụ sản điều trị tiếp.

Đó chỉ là 7 trường hợp tiêu biểu phải xử lý. 6 tháng đầu năm 2011. Trung tâm  vận chuyển cấp cứu (VCCC) 115 đã cấp cứu 3750/3200 ca. Đạt 117,2%. Trong đó, VCCC nội tỉnh 2462/2450, đạt 100,5% VCCC Hà Nội 888/750 ca, đạt 118,4%. Truyền máu 246/180 ca (136,6%); chi viện kỹ thuật 21 ca, chi viện ngoại: 2 ca và chi viện sản: 21 ca... Có được những con số, tưởng như không có hồn, nhưng đằng sau nó là số phận một con người... là nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm VCCC 115.

Tấm lòng y đức, trong sáng, sự quả cảm, quyết đoán trong từng trường hợp cấp cứu cụ thể, giữa ranh giới mong manh: cái chết và sự sống... các anh, chị đã thắp sáng niềm tin trong từng ca cấp cứu. Những người lính cấp cứu luôn lấy xe làm nhà, lấy thời gian làm mục tiêu phấn đấu, thực hiện đúng phương châm: mỗi xe cứu thương là một buồng bệnh di động. Trê xe được trang bị đầy đủ thuốc, monitor, máy thở, nẹp các loại... Đặc biệt xe dự án có đủ điều kiện để phẫu thuật ngay trên xe.

Điều đáng băn khoăn là: Đại bộ phận nhân dân nhận thức về sơ cấp, cứu ban đầu, quy trình vận chuyển còn hạn chế. Có cán bộ chuyên môn y không cao hoặc thiếu trách nhiệm... nên các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, nạn nhân chết trước viện do vận chuyển bằng tắc xi, xe máy. Vì thế, việc tuyên truyền, đào tạo sơ, cấp cứu ở cộng đồng, đào tạo vận chuyển chuyên nghiệp cho tổ cấp cứu 115 các bệnh viện là hết sức cần thiết.

Để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các loại bệnh đang diễn biến rất phức tạp... Trung tâm VCCC 115 đã quan tâm tạo điều kiện để cán bộ nhân viên đi học tập trung dài hạn, ngắn hạn, tham gia hội thảo: cử một người đi học chuyên khoa cấp II, 2 chuyên khoa cấp I, một học đại học điều dưỡng, một học quản lý Nhà nước. 100% cán bộ chuyên môn y trẻ tuổi đều tham gia tích cực học và làm lâm sàng tại các khoa của bệnh viện Đa khoa, Phụ sản và Nhi. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về cấp cứu tại đơn vị, đào tạo sơ, cấp cứu cho cộng đồng. Phối hợp với phòng cảnh sát giao thông và Đài PTTH hướng dẫn sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

Cấp cứu 115 – xin nghe. Sau cái tín hiệu ấy là sự tất bật lo toan là tấm lòng y đức là sự giành giật cuộc sống cho mỗi con người... của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Trong câu chuyện với tôi, giám đốc Trần Văn Bội, không giới thiệu gương mặt nào cụ thể; Điều đó, đồng nghĩa với niềm tin về cái tập thể ấy, phiên hiệu 115.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa