Thứ 5, 08/08/2024, 00:20[GMT+7]

Lao động - việc làm: Cơ hội và thách thức

Thứ 7, 30/12/2017 | 12:05:14
1,080 lượt xem
Năm 2017, số lượng người được tạo việc làm mới tăng so với năm 2016. Đặc biệt, việc giảm số lao động ra tỉnh ngoài, tăng số người có việc làm tại địa phương là một trong những tín hiệu vui trong công tác lao động - việc làm nhiều năm qua. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thu hút đầu tư đang mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh song vấn đề lao động - việc làm cũng đứng trước những thách thức mới.

Công nhân Công ty TNHH May Texhong Thái Bình.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, tổng số người được tạo việc làm mới trên địa bàn tỉnh là hơn 33.000 người, đạt 100% so với mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng so với trung bình giai đoạn 2010 - 2015 và tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số người mới được tạo việc làm tại địa phương là gần 26.000 người; tại tỉnh ngoài là hơn 4.000 người, có hơn 3.000 người đi xuất khẩu lao động. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua so sánh với các năm gần đây, số người được tạo việc làm tại địa phương tăng so với những năm trước trong khi đó, số người đi lao động ngoài tỉnh có xu hướng giảm, số xuất khẩu lao động giữ ổn định. Đây được coi là một trong những tín hiệu vui trong công tác lao động - việc làm bởi trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong chương trình việc làm của tỉnh, việc thúc đẩy tăng số lao động có việc làm tại địa phương là một trong những nội dung trọng tâm nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững. Số lao động có việc làm tại địa phương tăng bởi trong năm 2017, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng (hiện nay toàn tỉnh có hơn 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động tăng so với năm trước 700 doanh nghiệp). Tích tụ ruộng đất cũng là một trong những chính sách có tác động tích cực làm gia tăng số lao động có việc làm tại chỗ. Đặc biệt với Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã và 1 thị trấn của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải cũng bước đầu góp phần tạo việc làm dịch vụ tại chỗ cho lao động địa phương hai huyện trong năm 2017. Theo dự báo, số lượng và chất lượng lao động việc làm tại các địa phương còn có xu hướng tăng cao khi khu trung tâm kinh tế Thái Bình hình thành và đi vào hoạt động.

Việc tăng số lao động được tạo việc làm mới là một trong những nỗ lực của tỉnh qua nhiều năm. Gắn lao động - việc làm với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng số người được tạo việc làm mới mỗi năm. Năm 2017, nhiều nhiệm vụ tiếp tục được các ngành, địa phương phối hợp triển khai như thực hiện hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới, đào tạo nghề, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tăng cường thông tin, dự báo, kết nối thị trường lao động… Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, việc có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng đặc thù là một trong những nhiệm vụ được tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong năm 2017, riêng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và dạy nghề cho 5.700 lao động nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 690 hộ nghèo vay vốn tín dụng phát triển sản xuất... Không chỉ có các ngành, một số địa phương cũng thực hiện tốt việc tạo việc làm mới cho người lao động nói chung, đối tượng lao động đặc thù nói riêng. 

Được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt việc tạo việc làm mới tại chỗ cho người lao động, ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Vũ Thư đã tập trung vào các giải pháp như dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm; giải quyết việc làm cho người nghèo thông qua việc thúc đẩy chương trình vay vốn cho người nghèo đầu tư phát triển sản xuất; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đăng ký và mở rộng hoạt động cũng như tuyển dụng lao động tại địa phương. Vì vậy, trong năm 2017, huyện đã tạo việc làm mới cho gần 6.000 lao động, tăng so với năm 2016. 

Tại Quỳnh Phụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 là thực hiện đề án dỡ bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn (thị trấn An Bài). Thực hiện đề án này, UBND tỉnh chỉ đạo địa phương phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động trực tiếp làm việc tại các lò vôi. 

Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cho biết: Với hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai của tỉnh, huyện, hơn 1.500 lao động trực tiếp lao động tại các lò vôi (đủ 100%) đã được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp. Không chỉ hỗ trợ kinh phí trực tiếp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn hỗ trợ mở 3 lớp đào tạo nghề mới cho hơn 600 người dân địa phương, tổ chức tư vấn về nghề nghiệp cho hơn 400 người. Với sự hỗ trợ này, đến nay 400 lao động trong độ tuổi đã tìm được nghề mới, số còn lại chuyển nghề phù hợp với sức khỏe và điều kiện gia đình.

Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn xã An Ninh (Tiền Hải).

Có số lượng lao động dồi dào (dân số đang trong độ tuổi lao động của tỉnh hiện là 1,1 triệu người, chiếm hơn 61% dân số), thị trường lao động rộng mở song giải quyết việc làm cho người lao động vẫn đang còn là bài toán khó ở không ít địa phương và việc tìm kiếm việc vẫn đang là khó khăn đối với nhiều lao động trong độ tuổi. “Hai nguồn cung và cầu lao động đang có sự lệch pha khá lớn”, đó là nhận định của nhiều người làm công tác quản lý lao động hiện nay. 

Ông Lê Văn Côn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mỗi năm trung bình Trung tâm đón tiếp 11.000 - 12.000 lượt người lao động đến với sàn giao dịch việc làm, qua đó số lượng người được tuyển dụng đạt khoảng 50 - 55% song phần lớn là lao động may mặc và lao động phổ thông. Trên thực tế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cao, có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cao nhưng cũng khó tuyển do người lao động không đáp ứng được yêu cầu. Một ví dụ nữa, hiện nay Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh đã thẩm định cho 28 doanh nghiệp được tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động song qua nhiều hội nghị tư vấn, số người đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động rất thấp mà nguyên nhân từ cả hai phía: người lao động chưa có nhận thức đúng về đi làm việc ở ngoài nước và doanh nghiệp chưa hài lòng về kỷ luật, trình độ, tay nghề của người lao động.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thu hút đầu tư của tỉnh đang mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh song với tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức thấp, chất lượng lao động hạn chế đã làm mất đi cơ hội được có việc làm tốt của người lao động. Người lao động không sợ không có việc làm chỉ sợ có đáp ứng được với yêu cầu của vị trí việc làm hay không, đó là thách thức trong công tác lao động - việc làm cũng là thông điệp cần chuyển tới người lao động trong năm 2018.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa