Thứ 6, 09/08/2024, 20:09[GMT+7]

Nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình Đối tượng có công cần được "Đền ơn đáp nghĩa"

Thứ 3, 09/08/2011 | 14:33:37
1,635 lượt xem
Đến với nạn nhân CĐDC là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam “Thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nhất, cũng chính ở đây lòng nhân ái, tính đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh".

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Anh hùng LLVTND, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Hội, Chủ tịch Hội nạn nhân CDDC tỉnh (trái) tặng quà cho nạn nhân CĐDC.

Đúng ngày này 50 năm trước (10/8/1961) để cứu vãn nguy cơ thất bại, quân đội Mỹ lần đầu tiên đem một loại vũ khí mới – vũ khí hóa học – ra sử dụng trên chiến trường miền Nam.

Theo số liệu của chính các nhà khoa học Mỹ, từ 1961 – 1971 đã có khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (61% là chất da cam chứa 366 kg Điôxin) rải xuống khoảng 25% diện tích toàn miền Nam. Điôxin là chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra được cho đến nay. Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em (cả thế hệ con cháu). Hàng vạn người đã chết, hàng triệu người bị các bệnh ung thư và bệnh nan y khác cùng con cháu của họ bị dị dạng, dị tật đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của CĐDC.

Những ai là nạn nhân của CĐDC? Họ là các cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, du kích, tự vệ, dân công hỏa tuyến đã từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị rải CĐDC trên chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là dân thường sinh sống ở những vùng bị rải hoặc tồn trữ CĐDC. Họ còn là một số người trước đây từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn cũ, kể cả một bộ phận quân nhân Mỹ, bị mắc bệnh do tiếp xúc với CĐDC. Các nạn nhân đã mang trong mình những căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con cháu. Họ đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Trong số họ có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bị bệnh tật dày vò, cô đơn, không nơi nương tựa.

Với trách nhiệm của mình, ngay từ đầu năm 1980, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban 10-80 để điều tra và lập Ban Chỉ đạo 33 để khắc phục hậu quả của CĐDC. Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC được thành lập, có chức năng bảo vệ quyền lợi các nạn nhân CĐDC và là đại diện pháp lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Ngay từ khi ra mắt hoặt động, Hội đã lập đề án “Giúp đỡ các nạn nhân CĐDC trong cuộc sống”, đồng thời “Tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CĐDC để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình thật sự tự hào là tỉnh có tỷ lệ tính theo số người nhập ngũ/số dân cao nhất miền Bắc. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã tình nguyện nhập ngũ, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ra chiến trường trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, Thái Bình đã hiến dâng cho Tổ quốc 51.000 liệt sĩ, 32.000 người là thương binh, 6000 người bị địch bắt hành hạ, tù đày. Đặc biệt là theo điều tra bước đầu toàn tỉnh có khoảng 34.000 người bị phơi nhiễm mà mang di chứng của CĐDC.

Là một trong những tỉnh thực hiện tốt nhất công tác chính sách hậu phương quân đội “Đền ơn đáp nghĩa”, bởi vậy khi có sự chỉ đạo của T.Ư về tổ chức mạng lưới hội chuyên trách để chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân CĐDC Thái Bình đã hưởng ứng, triển khai với tinh thần tích cực nhất, khẩn trương nhất. Từ 10/8/2004, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho phép thành lập tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC trong toàn tỉnh. Thái Bình đã được công nhận là tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác xây dựng kiện toàn tổ chức cũng như triển khai các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.

Trải qua 7 năm thành lập, đến nay Hội đã hình thành hệ thống tổ chức hoàn chỉnh với 8/8 huyện, thành hội, 286/286 hội cơ sở (xã, phường, thị trấn), 1839 chi hội thôn, tổ dân phố, thu hút 2 vạn hội viên tham gia sinh hoạt. Là tổ chức xã hội tự nguyện gặp không ít khó khăn trong hoạt động, nhưng toàn thể cán bộ, hội viên các cấp đã đoàn kết, nhiệt tâm, chủ động, sáng tạo “Tất cả vì nạn nhân CĐDC”, luôn được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và xã hội ghi nhận, nạn nhân CĐDC tin tưởng, yêu mến.

Trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC chúng ta cần xác định và thống nhất một số quan điểm. Như phần trên đã nêu, CĐDC mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây tác hại khôn lường đối với tính mạng, sức khỏe của tất cả mọi người tham gia cuộc chiến bất kể họ thuộc phía nào, kể cả nhân dân sống ở vùng bị phun rải CĐDC. Xét ở khía cạnh chung nhất, tất cả những người bị CĐDC, gây hại đều là nạn nhân. Lẽ thường tình là khi kết thúc chiến tranh thì kẻ gây ra thảm họa phải đền bù, bồi thường các nạn nhân. Chính vì vậy, ngay tại Hoa Kỳ, do sự đấu tranh của các cựu chiến binh, chính quyền Mỹ đã phải quyết định chi hàng chục tỷ Đôla để giúp họ khắc phục hậu quả do CĐDC gây ra. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC hiểu theo nghĩa khái quát, toàn cục là thể hiện rõ bản chất nhân đạo, tình thương yêu, nhân ái trong cộng đồng, một nghĩa cử cao đẹp mà mọi người, mọi tổ chức cần thực hiện.

Nhưng xét trong phạm vi Thái Bình nói riêng, các tỉnh miền Bắc nói chung thì những người bị nhiễm CĐDC chính là những bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, cán bộ dân chính đảng đã tình nguyện vào Nam đánh Mỹ, đã trực tiếp góp phần đem lại độc lập, thống nhất cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Họ là những người có công với nước mà toàn xã hội phải có trách nhiệm “đền ơn đáp nghĩa”. Cũng thuộc đối tượng người có công nhưng các thương binh và người nhiễm CĐDC có những nét rất khác nhau.

Thương tật của thương binh do vũ khí nóng gây ra tức thời, rõ ràng, thể hiện bên ngoài, có thể quan sát, xác định ngay được. Còn sự hy sinh, mất mát về sức khỏe, bệnh tật của người nhiễm CĐDC do vũ khí hóa học gây ra thật kinh khủng nhưng lại diễn ra âm thầm, lâu dài, giấu kín, không thể nhìn mà thấy được. Thương tật của thương binh đa số là ổn định nhưng bệnh tật do CĐDC gây ra diễn biến rất bất thường, không theo một quy luật nào, nó như một trận đồ bát quái. Vũ khí nóng chỉ gây thương tật cho bản thân thương binh, còn CĐDC không chỉ hủy hoại người trực tiếp tiếp xúc mà còn di chứng cho nhiều đời sau. Thực tế đã cho thấy, có nhiều người nhiễm CĐDC và con cháu họ bị tước mất quyền làm người ngay cả ở mức tối thiểu nhất.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Thái Bình đã thực hiện tốt phương châm xã hội hóa hoạt động này, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành LĐTBXH cùng các hội, ban ngành có liên quan và các địa phương đã sớm điều tra, khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ, tạo điều kiện cho gần 2 vạn người nhiễm CĐDC và con cái họ được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước.

Đến thời điểm này, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước về cả số người và tỷ lệ nạn nhân CĐDC được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh số người nhiễm CĐDC chưa được hưởng trợ cấp ưu đãi còn nhiều. Bởi vậy thời gian tới, các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban ngành có liên quan để góp phần làm cho tất cả những nạn nhân CĐDC hội đủ mọi tiêu chuẩn sớm được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội nạn nhân CĐDC trong tỉnh mong mỏi và đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức  xã hội, các địa phương phát huy đạo lý truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC để giảm bớt nỗi đau và bất hạnh cho họ.

“Đền ơn đáp nghĩa” người nhiễm CĐDC phải là hành động thường xuyên, hàng ngày, không có giới hạn về thời gian và mức độ của mọi tổ chức chính trị xã hội và mọi người có lương tri trong xã hội. Nhân kỷ niệm ngày thảm họa da cam, chúng ta cần ghi sâu và thực hiện đúng lời căn dặn của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, cố Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ... đến với nạn nhân CĐDC là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam “Thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nhất, cũng chính là ở đây lòng nhân ái, tính đồng loại của mỗi con người có lương tâm là trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh”.

Nguyễn Đức Hạnh

(Anh hùng LLVTND, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nạn nhân CĐDC Việt Namon>, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Thái Bình )

 

 

  • Từ khóa