Thứ 6, 09/08/2024, 20:04[GMT+7]

Năm đầu thực hiện Luật BHYT học sinh

Thứ 6, 19/08/2011 | 16:28:30
1,507 lượt xem
Năm học 2010 – 2011, là năm đầu tiên Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh có hiệu lực. Theo Luật thì đối tượng học sinh tham gia BHYT từ tự nguyện sang bắt buộc, được hỗ trợ một phần từ Ngân sách nhà nước. Nhìn lại một năm thực hiện Luật BHYT học sinh, có nhiều vấn đề đặt ra, ngay trước thềm năm học mới 2011 - 2012.

Ảnh: Thành Tâm

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành thì: Năm học 2010 – 2011 năm đầu thực hiện BHYT học sinh theo Luật BHYT, tuy có nhiều khó khăn; song, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của BCĐ các cấp, tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn của ngành BHXH, nỗ lực phấn đấu của các nhà trường, công tác BHYT học sinh ở tỉnh ta tiếp tục đạt kết quả cao; duy trì 100% các trường và 99,58% học sinh tham gia BHYT, hoàn thành kế hoạch đề ra, đưa sự nghiệp BHYT nói chung và BHYT học sinh nói riêng tiếp tục phát triển. Đó cũng là sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao của các thầy, cô giáo; sự đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh, vai trò tổ chức, thực hiện của các nhà trường... dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Thái Bình vẫn là tỉnh được đánh giá cao về công tác BHYT học sinh, y tế nhà trường. Hệ thống y tế trường học tại các nhà trường ngày càng được củng cố, mở rộng và tăng cường, đi vào hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn. Từ tiền đóng BHYT học sinh, quỹ BHYT đã để lại các nhà trường năm học vừa qua, trên 5,587 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí quan trọng giúp các nhà trường triển khai, thực hiện tốt các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình y tế, tạo điều kiện để học sinh giữ gìn, nâng cao thể lực, sức khỏe nhằm học tập tốt hơn. Quỹ BHYT đã bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh tham gia BHYT theo các quy định của Luật.

Trong năm học vừa qua có hàng trăm ngàn lượt học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe, KCB ngoại trú và điều trị nội trú tại các bệnh viện từ tuyến huyện đến các bệnh viện Trung ương; được qũy BHYT trả thay toàn bộ viện phí. Trong đó, có hàng nghìn em mắc bệnh nặng, hiểm nghèo đã được các bệnh viện tận tình cứu chữa, chi phi thuốc men hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như: Nguyễn Xuân Hiếu, học sinh trường THCS Vân Trường (Tiền Hải) bị bệnh bạch cầu, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung uơng hai đợt, tổng chi phí BHXH đã thanh toán với bệnh viện là 149.872.800 đồng; Trần Quốc Trung, học sinh trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư) điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương, tổng chi phí KCB: 51.731.000 đồng; Phạm Hương Lan, học sinh trường THCS Lê Lợi (Kiến Xương), điều trị tại Viện Huyết học, tổng chi phí: 48.682.000 đồng. Vũ Thị Nhâm, học sinh trường THPT Đông Hưng Hà, điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí KCB: 42.101.000 đồng.

Nhiều học sinh có chi phí cao từ 10 triệu đồng trở lên. Nếu không có BHYT học sinh đảm nhiệm chi phí thì nhiều gia đình gặp khó khăn lớn trong chữa chạy, điều trị cho con em mình. Các gia đình HSSV khá yên tâm về mặt tài chính khi con, em tham gia BHYT, không may ốm đau, bệnh tật. Quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng góp phần tích cực làm giảm bớt nỗi lo cho những “nhà nghèo, bệnh trọng”, có điều kiện được điều trị khỏi bệnh, tiếp tục trở lại học tập và hòa nhập cộng đồng.

Thông qua thực hiện BHYT học sinh đã nâng cao thêm trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành: BHXH, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các nhà trường và gia đình trong việc chăm lo sức khỏe cho thế hệ học sinh. Thực hiện BHYT học sinh góp phần giáo dục cho HSSV những kiến thức về y học thường thức; phòng, chống các bệnh học đường, các tai, tệ nạn xã hội và giáo dục cho các em lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm với cộng đồng ngay từ khi đang còn trên ghế nhà trường, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện.

Mục tiêu đặt ra trong năm học này là: Phấn đấu thực hiện 100% số trường học, 100% HSSV trong toàn tỉnh tham gia BHYT. Bảo đảm 100% trường học trong tỉnh thực hiện tốt công tác y tế trường học để CSSKBĐ cho HSSV. Trước hết thực hiện nghiêm túc Luật BHYT, các nghị định hướng dẫn và Thông tư liên tịch số 09 của liên Bộ, Chỉ thị 16 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Luật BHYT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành... đối với công tác BHYT học sinh. Ngành GD-ĐT lãnh đạo, chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tuyên truyền thực hiện Luật BHYT.

Xác định kết quả thực hiện công tác BHYT học sinh, y tế trường học là những nhiệm vụ quan trọng của năm học mới. Ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác KCB cho HSSV; tổ chức truyền thông sâu rộng, hướng dẫn cho HSSV cách phòng chống các bệnh tật và các tai, tệ nạn xã hội ở lứa tuổi học đường; nâng cao chất lượng CSSKBĐ tại y tế trường học. Ngành BHXH tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thu phí, phát hành thẻ kịp thời cho HSSV. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KCB bảo đảm đầy đủ quyền lợi khi tham gia BHYT theo quy định. Bảo đảm quyền lợi của các bên và giải quyết kịp thời những vướng mắc. Quản lý quỹ BHYT học sinh hợp lý, an toàn và hiệu quả theo quy định của Luật.

Chỉ có như thế, mới làm giảm đi thách thức, khó khăn và công tác BHYT học sinh năm nay mới đạt kết quả cao, như mong đợi.

Phạm Viết Thanh

 

  • Từ khóa