Thứ 6, 09/08/2024, 20:07[GMT+7]

Trọng Quan Chăm sóc các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ

Thứ 5, 15/09/2011 | 15:30:21
1,360 lượt xem
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân Trọng Quan đều biết ơn những người có công với cách mạng, quan tâm chăm sóc các thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình liệt sĩ bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Thành Tâm

Trọng Quan (Đông Hưng) là một xã thuần nông ven sông Trà Lý với diện tích đất tự nhiên 513,5 ha, dân số 6830 khẩu.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, giặc Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược nước ta, Trọng Quan đã vận động được gần 200 thanh niên đi bộ đội đánh giặc giữ nước, góp phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam. Tiếp đó, suốt hơn 20 năm chống Mỹ, năm nào Trọng Quan cũng chi viện cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp phần xứng đáng vào chiến thắng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ từ đất liền đến biển đảo.

Từ năm 1945 đến nay, Trọng Quan đã lần lượt tiễn đưa 1402 nam nữ thanh niên đi bộ đội và 105 thanh niên xung phong ra tiền tuyến. Con em Trọng Quan đều xả thân chiến đấu dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ nên không tránh khỏi những mất mát đau thương. Đến nay, Trọng Quan có 223 người được truy tặng là liệt sĩ, 75 thương binh, 65 bệnh binh, 10 bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân Trọng Quan đều biết ơn những người có công với cách mạng, quan tâm chăm sóc các thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình liệt sĩ bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”, sau khi rời trại điều dưỡng trở về quê hương, các đồng chí thương binh, bệnh binh không quản sức yếu, vết thương chưa lành hẳn, đều tình nguyện đem chút sức tàn còn lại của mình tham gia sản xuất và công tác, xây dựng hậu phương vững mạnh, 15 thương binh, bệnh binh được Đảng tin dân mến bầu vào cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Đồng chí bệnh binh Đặng Xuân Tình đã có khoá được bầu vào chức danh Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã; đồng chí bệnh binh Đầu Văn Phái đang giữ chức danh Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã; đồng chí thương binh Phạm Văn Miên nguyên là Phó Bí thư Đảng uỷ xã.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 70% quân số nhập ngũ dưới tuổi 20 nên lớp chiến sĩ này thường chưa có vợ. Trọng Quan có 52 vợ liệt sĩ, trong đó nhiều chị chưa có con. Được sự quan tâm bồi dưỡng của cấp uỷ và chính quyền, nhiều chị vợ liệt sĩ đã được kết nạp vào Đảng và được giao công tác. Tiêu biểu là chị Bùi Thị Phương (vợ liệt sĩ Bùi Văn Trường) đã kiên trì phấn đấu đến chức danh Chủ tịch UBND xã 2 khoá liền.

Các con liệt sĩ ở Trọng Quan đều được chăm sóc học hành đến nơi, đến chốn, nhiều người đã phấn đấu được vào Đảng và được giao nhiều chức danh ở xã như: Phó Bí thư Đảng uỷ, cán bộ địa chính xây dựng, cán bộ lao động thương binh xã hội... Đặc biệt có 1 con thương binh và 10 con liệt sĩ được ưu tiên cử đi du học ở Liên Xô và các nước XHCN. Học xong trở về nước các anh đều ứng dụng được kiến thức đã học vào sản xuất và công tác. Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Nhương con liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc về nước phấn đấu lên đến chức Giám đốc nhà máy cơ khí nông cụ 19-5 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, anh Lại Hữu Miễn con liệt sĩ Lại Hữu Ru tuy không đi học nước ngoài đã phấn đấu là Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Giang, sau về làm Vụ phó Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Các trường hợp: bố, mẹ, vợ, con liệt sĩ ở Trọng Quan đủ điều kiện hưởng chế độ đều được làm thủ tục chi trả đầy đủ và kịp thời. Các thương binh nặng, bệnh binh nặng và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều có người nuôi dưỡng chu đáo.

Trong các gia đình liệt sĩ ở Trọng Quan có 4 cụ cô đơn, không người chăm sóc, Trọng Quan đã xây căn nhà tình nghĩa 4 phòng, mỗi phòng 18m2 ở thôn Tràng Quan, trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đón 4 cụ về ở. Xã bao cấp lương thực, chất đốt và cử một lao động nấu ăn phục vụ các cụ ngày 2 bữa. Khi mẹ: Nguyễn Thị Sụi và mẹ Đào Thị Nhớn được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xã xây ngôi nhà tình nghĩa hai phòng mỗi phòng 24m2 ở gần trạm y tế đón hai mẹ về ở để bác sĩ có điều kiện chăm sóc sức khoẻ hai mẹ thường xuyên, đồng thời cử hai người nuôi dưỡng hai mẹ. Mẹ Đào Thị Nhớn được cơ quan Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình phụng dưỡng, Mẹ Nguyễn Thị Sụi được Công ty Cơ khí Nông nghiệp Đông Hưng phụng dưỡng.

Mẹ Phạm Thị Nhớn (có chồng và 2 con liệt sĩ) được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ được Viện Thiết kế thuỷ lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụng dưỡng đặc biệt hàng tháng với số tiền là: 300.000đ. Năm 2006, ngôi nhà ngói của mẹ xuống cấp, cơ quan phụng dưỡng đã đóng góp với gia đình 50 triệu đồng, con cháu đóng góp thêm xây được ngôi nhà tình nghĩa khang trang bề thế, có đủ công trình phụ. Hàng tháng các cơ quan phụng dưỡng đều về thăm và trao quà phụng dưỡng các mẹ. Khi các mẹ ốm, chính quyền địa phương cùng với cơ quan phụng dưỡng đưa các mẹ đi viện bằng xe con và cử người chăm sóc chu đáo. Khi mẹ Nguyễn Thị Sụi và mẹ Đào Thị Nhớn qua đời đều đã được cơ quan phụng dưỡng và địa phương tổ chức lễ tang trọng thể và lo phần mộ hương khói đầy đủ.

Hiện nay ở xã Trọng Quan chỉ còn Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nhớn còn sống, được cô con dâu hiếu thảo là giáo viên đã nghỉ hưu còn khoẻ mạnh nuôi dưỡng, nên ở độ tuổi 91 mẹ vẫn còn mạnh khoẻ, minh mẫn, vui vẻ.

Hàng năm cứ vào dịp 27/7, Quốc khánh 2/9, Tết âm lịch, Trọng Quan đều thành lập các đoàn mang hương hoa ra viếng tại nghĩa trang Đông Hưng, đồng thời tặng quà các gia đình chính sách.

Được Nhà nước, địa phương và nhân dân chăm sóc, các gia đình chính sách ở Trọng Quan đều phấn khởi hăng hái thi đua chung lòng, góp sức phấn đấu xây dựng thành công mô hình “Nông thôn mới” trên đất quê hương.

Mạnh Nghiễn
(Đông Hưng)

 

  • Từ khóa