Thứ 5, 16/01/2025, 23:19[GMT+7]

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và truyền thống nhân ái của nhân dân trong tỉnh.

Thứ 2, 19/09/2011 | 07:42:27
1,753 lượt xem
Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Thái Bình giai đoạn 2006 - 2011 đã có bước chuyển biến rõ nét, nội dung hoạt động đa dạng phong phú, huy động được sức mạnh nhân đạo của các cấp các ngành, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Kết quả hoạt động đạt được ngày càng cao, có giá trị nhân đạo xã hội rất quan trọng

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho bệnh nhân và các cháu thiếu nhi Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào hoạt động nhân đạo. Ban Bí thư T.Ư Đảng đã tổng kết Chỉ thị 14-CT/TW và tiếp tục ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ tạo cơ sở pháp lý cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động.

Hội Chữ thập đỏ Thái Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là một tổ chức hội đặc thù. Tổ chức Hội Chữ thập đỏ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Ngay sau khi có chỉ thị 43-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành chỉ thị số 36-CT/TU ngày  08/9/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác chữ thập đỏ. Thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức Hội cấp tỉnh, huyện được giao biên chế ổn định, chủ tịch hội cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp theo hệ số so với mức lương tối thiểu.

Hội đã tranh thủ thời cơ, phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ, tổ chức kinh tế, xã hội đẩy mạnh phong trào hoạt động nhân đạo, đã đạt được kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị ở địa phương. Với tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo trong  hoạt động, Hội đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện khá toàn diện các hoạt động nhân đạo. Hội đã biết tổ chức, cổ vũ động viên đông đảo cán bộ, hội viên, lực lượng người tình nguyện và nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua như phong trào “Tết và người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”...

5 năm qua, đã có 82.736 lượt người nghèo, đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật được giúp đỡ với tổng kinh phí trị giá 13,964 tỷ đồng;  đã xây dựng và trao 238 ngôi nhà cho các đối tượng là hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và gia đình chính sách khó khăn, với tổng trị giá 3,457 tỷ đồng.

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với những địa chỉ nhân đạo” do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Kết quả sau 3 năm phát động đã được đông đảo cán bộ, hội viên, các cấp các ngành hưởng ứng mạnh mẽ, trở thành hoạt động trọng tâm của Hội; đã giúp đỡ 17.825 địa chỉ nhân đạo, hoàn thành và trao tặng các công trình nhân đạo trị giá 28,325 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ luôn là đơn vị tích cực chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật, người có hoàn cảnh bất hạnh rủi ro, NNCĐDC...

Hội đã tranh thủ và khai thác sự tài trợ từ nhiều nguồn, nhiều tổ chức trong và nước ngoài để giúp đỡ các đối tượng; đầu tư xây dựng những công trình có giá trị và hiệu quả thiết thực như Trung tâm phục hồi chức năng cho NNCĐDC và người khuyết tật tại huyện Đông Hưng và Tiền Hải; trợ giúp đàn bò giống, giao vốn sản xuất và tập huấn kiến thức cho nông hộ nghèo và NNCĐDC ở xã Bình Định, xã Lê Lợi huyện Kiến Xương, một số xã thuộc huyện Đông Hưng là những hoạt động rất thiết thực và hiệu quả. Thông qua các dự án, trong 5 năm, Hội đã huy động nguồn tài trợ 27,9 tỷ đồng giúp cho người nghèo và các chương trình an sinh xã hội, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động phòng ngừa ứng phó thảm hoạ thiên tai được Hội tập trung tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Đã trồng và bảo vệ thành công 3.919 ha rừng ngập mặn, 27 ha cây phi lao ven biển, 50.000 khóm tre chắn sóng và bảo vệ đê sông; Tổ chức nhiều lớp tập huấn vể phòng ngừa thảm họa cho nhiều lượt cán bộ chủ chốt xã phường, giáo viên và các cháu học sinh ở các xã ven biển, ven sông; cấp phát nhiều sách và tài liệu tuyên truyền về phòng ngừa ứng phó thảm họa. Triển khai dự án cảnh báo sớm đa thiên tai tại 2 xã Vũ Bình huyện Kiến Xương và Nam Phú huyện Tiền Hải. Đây là một hoạt động mới, đi trước một bước nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Công tác vận động quyên góp giúp đỡ nhân dân trong và ngoài nước bị bão lũ, thảm họa động đất, sóng thần như: quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ miền trung, đồng bào lũ lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào bị lũ quét miền núi phía Bắc, quyên góp ủng hộ thiệt hại do bão Katrina ở Mỹ, do động đất sóng thần các nước Đông Nam Á và gần đây là ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thảm họa kép. Tổng số tiền vận động ủng hộ 5 năm lên tới trên 7,2 tỷ đồng. Do tổ chức thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, quyên góp, chuyển tiền cứu trợ kịp thời, đúng mục đích và không để xảy ra thất thoát tiêu cực đã tạo được uy tín và niềm tin, khơi dậy lòng nhân ái trong nhân dân.

Hoạt động chăm sóc sức khỏe như khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật và NNCĐDC, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tham gia các chương trình y tế có mục tiêu, phòng, chống dịch bệnh... 25.944 lượt  người nghèo, nạn nhân da cam được khám bệnh cấp thuốc miễn phí, 11.040 lượt người được sơ cấp cứu và các hoạt động CSSK với tổng trị giá 12,037 tỷ đồng. Những năm gần đây Hội được giao nhiêm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện. Hội đã kết hợp tốt với các ngành, các  trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh và các huyện, thành phố để làm tốt nhiệm vụ này. Qua 5 năm đã tuyên truyền vận động được 17.360 đơn vị máu, góp phần cứu chữa hàng chục ngàn người bệnh hiểm nghèo.

Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Thái Bình giai đoạn 2006 - 2011 đã có bước chuyển biến rõ nét, nội dung hoạt động đa dạng phong phú, huy động được sức mạnh nhân đạo của các cấp các ngành, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Kết quả hoạt động đạt được ngày càng cao, có giá trị nhân đạo xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, phong trào CTĐ ở một số cơ sở Hội chưa đều, chưa mạnh; việc quán triệt và triển khai những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Hội chưa đồng bộ. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ hội ở một số nơi thiếu, năng lực hạn chế, tổ chức hội ở các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp, ở một số cơ quan, sở, ban ngành, doanh nghiệp chưa được phát triển.

Việc tổng kết kinh nghiệm, xây dựng và phát triển mô hình điểm chưa được chú trọng. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền một số nơi còn hạn chế và tổ chức các hoạt động còn chưa tích cực, thiếu tính chủ động, sáng tạo nên phong trào chữ thập đỏ ở đó chưa phát triển. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về công tác nhân đạo, về vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ chưa đầy đủ nên sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hội và công tác nhân đạo còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác nhân đạo và tăng cường hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

1- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Chỉ thị số 36-CT/TU  ngày 08/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ”. Các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của Hội CTĐ và công tác nhân đạo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác nhân đạo; quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Hội và chính sách đối với cán bộ làm công tác Chữ thập đỏ, đặc biệt cần tạo điều kiện cho hoạt động của Hội cấp cơ sở; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, trong đó Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt để triển khai thực hiện và huy động nguồn lực nhằm đẩy mạnh phong trào nhân đạo toàn dân.

2- Củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức hội, tăng cường cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng cho Hội; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Chữ thập đỏ. Xây dựng cơ quan Hội Chữ thập đỏ các cấp vững mạnh, chuyên nghiệp. Phát triển nhanh lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ đặc biệt là khối trường học. Đẩy mạnh và phát động sâu rộng phong trào thi đua: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, phong trào hiến máu tình nguyện và cuộc vận động “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với những địa chỉ nhân đạo”...

3- Hội Chữ thập đỏ các cấp phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng quỹ nhân đạo lớn mạnh, tích cực huy động các nguồn tài trợ, các dự án nhân đạo nhằm giúp đỡ được nhiều đối tượng khó khăn trong xã hội, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người nghèo, người tàn tật, trẻ em bất hạnh, nạn nhân chất độc da cam, đồng thời tăng cường quản lý sử dụng nguồn kinh phí nhân đạo đúng đối tượng, đúng mục đích.

Với những kết quả hoạt động trong những năm qua, tôi tin tưởng các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh và đạt được những thành tích to lớn hơn nữa, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào nhân đạo toàn dân.

                                                              Phạm Văn Sinh

                                     (Phó Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch UBND tỉnh)

 

  • Từ khóa