Thứ 4, 07/08/2024, 10:27[GMT+7]

Làm nhà báo

Thứ 2, 18/06/2018 | 17:50:03
1,606 lượt xem
Tính dũng cảm, tính gương mẫu và đặc biệt là tính thật thà là ba điều bắt buộc phải có để một người làm báo có thể làm tròn nhiệm vụ của mình.

Phóng viên phỏng vấn nhanh đảo trưởng đảo Đá Lát. Ảnh: Hợp Hưng

Phải dũng cảm

Trong một lần vào công tác ở Đắk Lắk tôi được nghe anh bạn đồng nghiệp kể về hành động dũng cảm của một nhà báo. Anh bảo giữa cánh rừng cao su bạt ngàn một em bé chừng 13 - 14 tuổi chẳng may trượt chân ngã xuống giếng sâu khoảng 50m mọi người đứng nhìn nhau và chưa biết cứu em lên bằng cách nào. Giữa lúc đó thì nhà báo T.N - người vừa về bản công tác đã mạnh dạn dùng dây bảo hiểm nhảy xuống giếng cứu được cháu bé lên an toàn trong sự khâm phục và ngưỡng mộ của gia đình cũng như hàng xóm. Hành động dũng cảm đó đã trở thành bài học luôn nhắc nhở các nhà báo muốn làm nghề thì một trong những việc đầu tiên là phải dũng cảm. Dũng cảm trong hành động, dũng cảm trong lời nói và dũng cảm ngay chính trong công việc hàng ngày của mình.

Nhà báo Minh Chuyên khi còn làm phóng viên Báo Thái Bình với tác phẩm “Thủ tục làm người còn sống” anh đã phải long đong lận đận nhiều năm tháng để bảo vệ cho lẽ phải, bảo vệ cho Trần Quyết Định - người đã nhận giấy báo tử được trở lại làm con người với đúng nghĩa của nó. Với “Thủ tục làm người còn sống”, Minh Chuyên không chỉ dũng cảm khi đưa một sự thật lên mặt báo mà còn dũng cảm bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý của mình, bảo vệ Trần Quyết Định. Cùng với Minh Chuyên, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Báo Thái Bình lúc đó cũng phải dũng cảm cùng sát cánh với Minh Chuyên bảo vệ anh, bảo vệ “Thủ tục làm người còn sống” và bảo vệ Trần Quyết Định. Cố nhà báo Nguyễn Như Hinh, Tổng biên tập Báo Thái Bình lúc đó đã phải thốt lên rằng “Nếu phải đi tù hoặc bị xử lý kỷ luật thì tôi chịu trách nhiệm chứ không phải anh Minh Chuyên”.

Phải gương mẫu

Trong một chuyến đi công tác cùng các nhà báo về Hưng Hà đến chiều muộn công việc mới xong, đoàn chúng tôi cùng nhau về thành phố, khi xe vừa đến ngã ba huyện Đông Hưng, trên quốc lộ 10 khu vực cầu Nguyễn thì đường tắc cả hai đầu cầu kéo dài hàng ki-lô-mét mà không thấy công an giao thông. Thấy vậy, nhà báo H.N liền mở cửa xe xuống đứng giữa ngã ba đường rút trong túi chiếc còi ra điều khiển giao thông, anh cần mẫn làm việc chờ đến lúc cảnh sát giao thông đến bàn giao công việc rồi mới cùng đoàn tiếp tục lên đường về thành phố. Ngồi chờ anh trên xe, tôi được mọi người kể cho biết anh là phóng viên được cơ quan giao phụ trách chuyên mục an toàn giao thông, anh luôn nói với mọi người muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình thì người phóng viên trước tiên phải gương mẫu.

Nhà ở xa cơ quan nên phóng viên H.N chọn phương tiện đi lại là xe buýt. Có lần đứng chờ xe nhìn thấy một bên chiếc khẩu hiệu vắt qua đường bị đứt một đầu dây anh lặng lẽ cuộn lại để gọn vào đầu bên kia. Thấy chiếc cờ đuôi nheo buộc ở dải phân cách bị tuột dây anh cũng lặng lẽ ra buộc lại. Một lần về nhà mặc dù đã là chiều tối nhưng thấy vợ chở con bằng xe máy đi ra chợ mà không đội mũ bảo hiểm mặc dù là đường làng nhưng chờ đến lúc vợ con về anh nhẹ nhàng hỏi mình có biết anh làm phóng viên chuyên viết về mảng gì không? Nghe anh nói vậy chị vợ hiểu và nói ngay: Em xin lỗi mình từ lần sau đã đi xe máy nhất định em và con sẽ đội mũ bảo hiểm. Nhìn vào những việc làm của anh tuy nhỏ nhưng vợ con, người thân và mọi người biết anh đều thấy trong hành động nhỏ đó tính gương mẫu của một nhà báo.

Phải thật thà

Phải kết hợp nhiều đức tính mới tạo nên một nhà báo hoàn thiện trong các đức tính đó thật thà cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. N.X nguyên là một cán bộ trong quân đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, nhờ có chút năng khiếu bẩm sinh cộng với quá trình đào tạo trong quân đội anh trở về làm phóng viên một cơ quan truyền thông. Quá trình công tác, rèn luyện cộng với một chút may mắn anh đã nhanh chóng trở thành phó ban, rồi trưởng ban, công việc của ban anh phụ trách cũng khá đơn giản. Một tuần chỉ có một chương trình, anh lên kế hoạch từ quay phim, dựng phim, biên tập sản xuất tác phẩm rồi chuyển phát sóng. Vậy nhưng tuần nào làm xong anh cũng phải để mọi người giục chấm nhuận bút, thế nhưng không bao giờ anh chấm ngay mà phải để sau một tháng mới chấm. Sau một vài lần giục anh không được, anh cán bộ tài vụ phải cầm tờ nhật trình lên tận phòng ngồi chờ anh chấm luôn, vì sợ sau một tháng mới chấm nhuận bút thì chuyện nhớ nhớ quên quên dễ làm cho người lợi, người thiệt. Trò chuyện với tôi anh bảo tay ấy làm thế là đúng, mình vẫn biết làm báo là phải thật thà nhưng cái tính lười nên nhiều khi cứ quên chứ mình cũng không có ý định gì. Làm việc với các nhà báo già nhất là những người đã có quá trình cống hiến trong quân đội, tôi rất thích tính của họ vì họ nói là làm, làm hết mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm với công việc, với bài viết của mình. 

Cũng là một người được đào tạo trong quân đội, nhà báo K.L luôn giữ đúng bản chất của người lính, trong công việc ông luôn thể hiện hết trách nhiệm của mình. Trong quá trình thâm nhập thực tiễn, ông đã phát hiện ra nhiều vụ việc nhũng nhiễu nhân dân, có việc ông góp ý trực tiếp với lãnh đạo địa phương để tìm hướng sửa chữa, khắc phục nhưng không ít việc đã được ông đưa lên báo, lên đài phê bình thẳng thắn những cá nhân, đơn vị cố tình tham ô, tham nhũng đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ những bài báo của ông, có kẻ mất chức, có người phải ra hầu tòa. Ông cũng nhiều phen khốn đốn vì tính thật thà, thẳng thắn của mình nhưng ông luôn cho rằng đấy mới là niềm vui của người làm báo.

Nghe chuyện kể về những nhà báo một thời “tử vì nghề”, nhớ lại những việc mà đồng nghiệp đã làm, cánh nhà báo trẻ chúng tôi lại cảm thấy xấu hổ với các bậc tiền bối vì mình mặc dù được ăn học đầy đủ, đào tạo tử tế nhưng trong công việc vẫn thiếu đi cái tính dũng cảm, tính gương mẫu và đặc biệt là tính thật thà của người làm báo. Nhớ lại và suy ngẫm tôi lại càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình. Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Tuấn Dung