Thứ 6, 09/08/2024, 19:59[GMT+7]

Toàn tỉnh nỗ lực phòng chống cơn bão số 5

Thứ 6, 30/09/2011 | 15:08:14
1,635 lượt xem
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, công trình đang thi công; tranh thủ thu hoạch lúa mùa đã chín; tiêu nước triệt để trên đồng ruộng, sông ngòi; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu... * Công an Thái Bình tăng cường tối đa lực lượng ứng phó với bão số 5. * Thái Thuy chủ động ứng phó với cơn bão số 5.   * Tiền Hải: Thực hiện nghiêm công lệnh ứng phó bão số 5.

Các đồng chí lãnh đạo Công an Thái Bình kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 5 tại Thái Thụy. Ảnh Hồ Tuyên (Công an Thái Bình).

Thái Bình là một trong những tỉnh được dự báo có khả năng là tâm bão số 5. Để chủ động đối phó với cơn bão, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Thái Bình đã có Công điện khẩn số 12 CĐ/CLB ngày 27/9 và Công điện khẩn số 13 CĐ/CLB ngày 28/9 yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các cấp, ngành khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó, phấn đấu giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản do bão gây ra.

 

Trước diễn biến của cơn bão số 5, các huyện ven biển Thái Thuỵ, Tiền Hải đã cấm tàu thuyền ra khơi; những tàu, thuyền đang ngoài biển được hướng dẫn về nơi tránh, trú bão an toàn; đồng thời bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết xử lý không để người ở lại trên tàu, thuyền. Đồng thời các địa phương đã tích cực kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm như trên đầm, chòi canh nuôi trồng thuỷ, hải sản; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở các khu vực phải di dời dân. Các cống xung yếu dưới đê đã được cắm cừ dự phòng, gồm: cống Cú, Thuỵ Bích thuộc đê Hữu Trà Lý; cống Diệm Dương, Gia Mỹ, Lãng Đông cũ thuộc đê biển số 6...

 

 

Gió cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa do cơn bão số 5 gây ra tại Thái Bình làm ảnh hưởng đến rau màu vụ đông.

 

Bên cạnh đó còn một số tuyến đê đang thi công như đê số 5 đoạn từ K5+650 – K8+697 với tổng chiều dài 2.900m, trong đó có 2.665m đã thi công xong mái ngoài, 1.250m hoàn thành mái trong...còn lại 235m chưa giao mặt bằng thi công. Đặc biệt hiện nay một số đoạn đê, kè bị sạt lở hư hỏng do đợt mưa lớn vừa qua gây ra, gồm: Kè Tân Thành I và III (Vũ Thư); kè Hà My và một đoạn mái đê biển số 7 thuộc xã Thái Nguyên 4 đoạn mái đê biển số 8 thuộc xã Thuỵ Dũng (Thái Thuỵ); 3 đoạn mái đê biển số 5 thuộc xã Nam Hải... chưa được xử lý.

 

Để tiếp tục triển khai các biện pháp PCLB có hiệu quả, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ chi tiết, cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cấp bách các công việc: Gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn và cấm các loại tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, rà soát cụ thể các hộ nuôi ngao ngoài bãi biển và các hộ đang sống ngoài đê chính, tổ chức di dời toàn bộ số dân này vào trong đê, hoàn thành công việc trước khi bão đổ bộ vào bờ. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh rà soát lại phương án bố trí lực lượng, phương tiện giúp các địa phương hộ đê, xử lý ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp và di dời dân ở những nơi không bảo đảm an toàn đến nơi tránh, trú bão khi có yêu cầu.

 

 

Nông dân các địa phương trong tỉnh Thái Bình tích cực thu hoạch lúa mùa sớm tránh thiệt hại do bão số 5 gây ra.

 

Công an tỉnh rà soát lại phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và bảo đảm an ninh trật tự các vùng bị thiên tai, phối hợp với lực lượng quân đội, các ngành, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do lũ, bão gây ra. Đối với huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương tổ chức lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu để sẵn sàng xử lý công trình có sự cố; khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay các đoạn đê, kè bị sạt lở do mưa vừa qua gây ra; tổ chức hoành triệt cống Thịnh Quang, cắm cừ dự phờng cống Chỉ Bồ.

 

 

Tích cực khơi thông dòng chảy, đề phòng ngập úng do mưa bão gây ra.

 

 Với sự nỗ lực của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình, đến sáng ngày 30/9, huyện Thái Thuỵ đã di dời 104 người, trong đó di dân tại chỗ là 36 trẻ em và người già, 68 người tại các chòi canh; huyện Tiền Hải đã di dời 3.164 người, trong đó 866 người ở chòi canh, 440 người ở ngoài đê, 1858 người nuôi trồng thuỷ sản. Đối với tàu thuyền đã có trên 1.300 phương tiện với 3.397 lao động liên lạc được với các đồn biên phòng; số tàu trước đó còn hoạt động trên biển, đến nay cũng đã tìm nơi trú đậu an toàn, tại bến trong tỉnh 1299 cái, tại Hải Phòng 19 tàu thuyền và Quảng Ninh 5 chiếc.

 

Sáng sớm 30/9, vị trí tâm bão số 5 ở khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc, 108,1 Kinh Đông, cách bờ biển từ Quảng Ninh – Nam Định khoảng 150 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, 14. Tại Thái Bình đã có gió mạnh cấp 5, cấp 6. Các ban, ngành, địa phương đang nỗ lực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do bão số 5 gây ra.

 

* Công an Thái Bình: Tăng cường tối đa lực lượng ứng phó bão số 5

 

Chiều 29/9/2011, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện thành phố về diễn biến của cơn bão số 5. Đồng thời, kiểm tra, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phân công lực lượng và công tác bảo đảm phục vụ phòng chống lụt bão.

 

Với mục tiêu bảo đảm giữ vững an ninh trật tự trong khi xảy ra mưa bão, tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn phối hợp với các cấp các ngành hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh, Công an Thái Bình thực hiện mệnh lệnh trực 100% quân số từ ngày 29/9, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 5, triển khai công tác chằng, chống nhà cửa, kho tàng, chuyển tài liệu hồ sơ vào nơi an toàn. Kiểm tra quân số, phương tiện, áo mưa, áo phao của Đại đội cơ động PCLB Công an tỉnh và các trung đội cơ động Công an các huyện, thành phố. Tổ chức báo động và duy trì việc thường trực sẵn sàng chiến đấu.

 

Huy động toàn bộ số xe bán tải, xe tải nhỏ, sẵn sàng phục vụ di dân khi có yêu cầu. Công an các huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương, Công an thành phố Thái Bình nắm chắc số người, phương tiện đi biển và các khu dân cư khác đảm bảo an toàn để có phương án di dời dân khi cần thiết. Phối hợp với các doanh nghiệp khai thác thuỷ, hải sản, bộ đội biên phòng thông báo kịp thời cho tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Lực lượng Công an tăng cường đã phối hợp với các địa phương bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, những công trình đang thi công, nhất là những công trình trên các tuyến sông, ngoài đê biển.

 

Di dời dân sinh sống và nuôi trồng thuỷ sản ở ngoài bãi sông, ven biển vào trong đê chính. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thuỷ đã triển khai phương án bảo đảm giao thông thông suốt khi bão, lũ xảy ra. Trong các ngày 29, 30/9, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra việc chấp hành mệnh lệnh và triển khai lực lượng phòng chống bão số 5 của Công an các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải và các địa bàn xung yếu, các công trình trọng điểm đang thi công của tỉnh.

 

 

* Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH-PCLB) huyện Thái Thụy, 5h sáng ngày 30/9/2011, 431 phương tiện tàu thuyền với 1.494 lao động, 862 hộ nuôi trồng thuỷ sản với 1.211 lao động của Thái Thụy đã vào nơi trú ẩn an toàn. Huyện cũng đã thực hiện phương án di dân đối với các điểm dân cư nằm ngoài đê chính gồm: thôn Bắc (xã Hồng Quỳnh), dân cư từ khu 1 đến khu 5 (Thị trấn Diêm Điền)  vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Tổ chức lực lượng, huy động vật tư xử lý các trọng điểm xung yếu gồm:  huy động 25 người, đúc và đắp 250 bao đất  hoành triệt cống Chỉ Bồ (Thụy Trường), đắp 15 m3 đất xử lý chống tràn, chống sóng tại tuyến đê thuộc địa phận xã Thụy Liên đoạn  từ K40+020 đến K40+035. Riêng đối với đoạn đê khu vực kè Hà My bị sạt lở nghiêm trọng do những đợt mưa trước đã  huy động 160 người trải bạt, lấy 200 m3 đất, đúc 6.000 bao đất xử lý xạc lở.

 

Đến 11 h ngày 30/9/2011, khu vực huyện Thái Thụy có mưa, gió giật mạnh cấp 8, hiện BCH-PCLB huyện đang tiếp tục thường trực, theo dõi diễn biến của mưa bão, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

 

* UBND Tiền Hải đã có công điện số 04 và 05 đề nghị các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang nghiêm túc chấp hành phương án Phòng chống bão lụt của huyện để chủ động đối phó với bão. Cấm tàu thuyền ra khơi đồng thời hướng dẫn, bố trí, sắp xếp tàu thuyền  về nơi tránh trú bão an toàn. Thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công đặc biệt là các công trình đang thi công trên đê biển số 5. Tổ chức di dời dân sinh sống và nuôi trồng thuỷ hải sản ở ngoài bãi sông, ven biển vào trong đê chính; Kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ.  Đến 9h00 ngày 30/9 huyện đã kêu gọi, vận động, cưỡng chế 128 hộ, 440 khẩu ngoài đê thuộc 3 xã  Nam Thịnh, Nam Hưng, Đông Long; 908 phương tiện, tàu thuyền trong đó có 7 đôi đánh bắt xa bờ, 2.113 lao động;  743 hộ nuôi trồng thuỷ hải sản của 6 xã với 1.858 nhân khẩu;  423 chòi coi ngao của 443 đầm vùng. Chỉ đạo Xí nghiệp Thuỷ nông kịp thời tiêu kiệt nước trên toàn hệ thống sông trục đề phòng gây ngập úng, túc trực và sẵn sàng ứng cứu cho các tuyến đê xung yếu bị sạt lở bởi các trận mưa to kéo dài.

 

 

  Nguyễn Hình - Nguyên Bình - Đức Lợi

Hồ Tuyên (Công an tỉnh) 

                                                                      

  • Từ khóa