Thứ 6, 09/08/2024, 20:00[GMT+7]

"Mái nhà chung" của thanh niên khuyết tật

Thứ 2, 10/10/2011 | 15:30:52
2,047 lượt xem
Với mục tiêu: “đoàn kết, khuyến khích giúp đỡ hội viên trong cuộc sống”, gần 10 năm qua, CLB TNKT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên; động viên, giáo dục TNKT xóa bỏ mặt cảm, tích cực tham gia các hoạt động.

Cơ sở may gia công của TNKT Nguyễn Thị Hiền, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ)

Thiệt thòi vì sinh ra không lành lặn, những thanh niên khuyết tật (TNKT) tỉnh Thái Bình đã tập hợp nhau để tìm kiếm sự chia sẻ, động viên từ những người đồng cảnh và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Thành lập từ năm 2003, trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Bình, lúc đầu câu lạc bộ (CLB) TNKT tỉnh chỉ có 20 thành viên, tiêu chí của CLB đơn giản là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Chính tiêu chí đó đã giúp CLB thu hút nhiều người cùng cảnh ngộ tham gia. Đến nay số thành viên đã lên tới trên 300 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 6 huyện, thành phố, với đủ mọi lĩnh vực khác nhau, nhưng có một nét chung họ đều rất trẻ, tự tin và nhiệt huyết.

Với mục tiêu: “đoàn kết, khuyến khích giúp đỡ hội viên trong cuộc sống”, gần 10 năm qua, CLB TNKT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên; động viên, giáo dục TNKT xóa bỏ mặt cảm, tích cực tham gia hoạt động.

Được sự quan tâm giúp đỡ trực tiếp của Hội LHTN tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các CLB cấp huyện, các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự tâm huyết của ban chủ nhiệm CLB, vị trí, vai trò của CLB TNKT ngày càng được khẳng định. “Tự tin là chìa khóa thành công của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt quan trọng hơn với những người khuyết tật. Mong ước của tất cả các thành viên trong CLB là việc làm ổn định để nuôi sống bản thân mình và gia đình, muốn có nhiều ánh mắt động viên hơn nữa khi gặp họ đi trên đường đời”- Đó là những lời tâm sự của chị Phạm Thái Hồng- Chủ nhiệm CLB TNKT tỉnh.

Với vai trò là chủ nhiệm CLB, chị Hồng luôn chủ động tìm kiếm trên mạng, đến liên lạc với các trung tâm dạy nghề hay các công ty, xí nghiệp... đang cần tuyển dụng để thông báo cho các thành viên trong CLB có nhu cầu và đủ năng lực đáp ứng với công việc. Nhờ đó mà đến nay trên 85% số người trong CLB đã có việc làm phù hợp, ổn định; trong đó chủ yếu là nghề may mặc, thủ công, thợ kim hoàn...

Tại Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật cuối năm 2010, CLB đã tổ chức khu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của TNKT, thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo, các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Đội tuyển của CLB với 8 thành viên tham gia 3 nội dung thi đã giành giải nhất nghề may, và 7 giải khuyến khích. 

Để giúp TNKT có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, dù công việc kinh doanh của bản thân bận mải, nhưng chị Hồng thường xuyên vào mạng internet để tìm kiếm thông tin từ các dự án, các tổ chức hỗ trợ cho người khuyết tật ở trong và ngoài nước. Với khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt nên các bản thuyết trình xin dự án do chị chủ trì đa số thành công.

Năm 2004, Ngân hàng thế giới hỗ trợ 10.000 USD cho chương trình lớp học về sức khỏe sinh sản; năm 2007, dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho CLB và năm 2009, dự án hỗ trợ của cựu chiến binh Mỹ cho phát triển các nhóm tự lực của người khuyết tật đã hỗ trợ kinh phí trên 120 triệu đồng; năm 2010, dự án “Hỗ trợ người khuyết tật nghèo và người nghi nhiễm dioxin” đã hỗ trợ cho 6 kế hoạch sinh kế của các thành viên CLB với số tiền gần 80 triệu đồng, tạo thêm 22 việc làm mới cho hội viên.

Bản thân chị Hồng cũng là một tấm gương điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cùng với tấm lòng nhân ái, quan tâm đến cũng người cùng cảnh ngộ. Không được may mắn như những người lành lặn khác, từ nhỏ chị đã bị liệt hai chân. Mặc dù gia đình đã đưa đi khắp nơi, chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng vẫn không đem lại kết quả. Thương bố mẹ, chị đã cố gắng học thật giỏi. Mười hai năm học, cô bé tật nguyền đều đạt học sinh giỏi và đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội (năm 1998).

Nhưng rồi, ước mơ ngồi trên giảng đường đại học đành bỏ lại, bởi với đôi chân khuyết tật đi lại khó khăn, lại học xa nhà, rồi còn sinh hoạt hàng ngày... sẽ là nỗi lo gấp bội cho gia đình. Nén lại nỗi đau, nhất quyết không chịu đầu hàng số phận, chị quyết định lập nghiệp ngay tại ngôi nhà yêu thương số 27 Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình. Với bản tính thông minh cộng với đôi bàn tay khéo léo, công việc ban đầu của chị là gấp những hộp đựng quà bằng giấy, xâu những chuỗi hạt cườm nhỏ... Và rồi, cửa hàng “Thế giới thời trang”, shop thời trang “made in Việt Nam” lần lượt ra đời. Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, chị còn tạo việc làm cho 2 lao động và truyền dạy nghề này cho hàng chục người khuyết tật trong tỉnh. Đó còn là cơ sở may gia công của người thanh niên khuyết tật Trần Văn Lẫm, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Tạo việc làm thường xuyên cho gần 12 lao động đều là những TNKT, với thu nhập từ 1,7- 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Với ý chí kiên trì, bền bỉ, nhiều TNKT đã vươn lên chính mình, đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, đồng thời thắp lên ngọn lửa niềm tin, khát vọng, ý chí thực hiện ước mơ đẹp đẽ trong các tầng lớp thanh niên.

       Minh Nguyệt 
 

 


  • Từ khóa