Thứ 6, 09/08/2024, 05:17[GMT+7]

Bốn giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

Chủ nhật, 15/08/2010 | 15:17:12
4,882 lượt xem
Thành phố Thái Bình đang trên đà phát triển với nhiều đổi thay đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề khá phức tạp. Đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững là trách nhiệm không của riêng ai.

Thành phố Thái Bình đang trên đà phát triển. Ảnh: Thành Tâm.

Theo báo cáo của ngành tài nguyên môi trường Thành phố, hiện nay, phần lớn các KCN, CCN đều chưa chú trọng đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường và chưa thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các KCN chưa có hệ thống xử lý  nước thải cục bộ mà xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nước các  con sông trên địa bàn.

Một số cơ sở sản xuất kinh doanh nằm xen lẫn với khu dân cư cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Cùng với tốc độ đô thị hoá, nhiều khu đô thị mới, khu dân cư được xây dựng. Song lại chưa chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng về bảo vệ môi  trường, tỷ lệ cây xanh còn thấp. Đặc biêt, vấn đề rác thải chưa được coi trọng. Việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật, phân bón hoá học và sử dụng tuỳ tiện, không đúng quy trình, kỹ thuật cùng với lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày ước khoảng 30.000 m3/ngày đêm là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và hệ sinh thái nông nghiệp.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 9 bệnh viện với tổng lượng nước thải ước tính trên 15.000m3/tháng nhưng chỉ xử lý đạt tiêu chuẩn được khoảng 20%. Chất thải rắn y tế nguy hại ước tính khoảng 35.000kg/tháng chủ yếu là kim tiêm, bông băng, găng tay cao su, dây truyền dịch... cũng chưa được xử lý triệt để, mới dừng ở các khâu khử nhiễm khuẩn, đốt và chôn lấp. Thành phố hiện nay đã có một nhà máy xử lý rác thải với công suất đạt 150 m3/ngày đêm, song về lâu dài cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế...

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường như: phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tập trung vào việc xử lý ô nhiễm vì chi phí cho việc xử lý tốn kém. Cùng với đó là hành lang pháp lý liên quan đến công tác môi trường chưa đồng bộ, quy định chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng đùn đẩy né tránh; ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của tổ chức và cá nhân chưa được đề cao; các cấp chính quyền chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm chấm dứt  các điểm ô nhiễm môi trường...

Trên quan điểm “xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp”, trước tiên Thành phố cần kiểm tra toàn diện việc chấp hành bảo vệ môi trường của các cơ sở có tiềm năng gây ô nhiễm để đề xuất biệp pháp xử lý kịp thời. Thứ hai, yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu chứa chất thải rắn. Việc quy hoạch KCN, CCN, điểm công nghiệp mới cần phải phân khu chức năng hợp lý, xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung, khu vực xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Khi tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư phải lựa chọn những dự án có công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm đất đai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ ba, cần chú trọng công tác lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, điểm tập kết rác thải trên địa bàn Thành phố. Thứ tư tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển sản xuất gắn với chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững trong tương lai.

P.V

  • Từ khóa